Phản hồi bài: 'Thầy Thím – vị pháp sư người Chăm'

Báo Bình Thuận số ra ngày 10/5/2024, có bài 'Thầy Thím- vị pháp sư người Chăm' của Cộng tác viên Kim Hương. Nội dung bài báo tác giả trích từ các nguồn tư liệu, nhà nghiên cứu xung quanh nguồn gốc của nghề đóng ghe bầu, những tư liệu lưu truyền về Thầy Thím nhằm góp thêm nguồn tư liệu về tín ngưỡng dân gian độc đáo này.

Sau khi báo phát hành, có vài ý kiến so sánh với nội dung sự tích Dinh Thầy Thím tọa lạc thuộc xã Tân Tiến, thị xã La Gi. Sau khi kiểm tra nội dung bài báo, đồng thời tiếp thu ý kiến của Ban Quản lý Hội Dinh Thầy Thím, Tòa soạn nhận ra có những thông tin đăng tải khi dựa vào nguồn tư liệu và cách thể hiện nội dung có điểm chưa thực sự phù hợp, dễ gây hiểu lầm với lịch sử hình thành và phát triển của Dinh Thầy Thím.

Đối với lịch sử hình thành và phát triển của Dinh Thầy Thím, Báo Bình Thuận khẳng định: “Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím đã được Bộ Văn hóa-Thông tin công nhận tại Quyết định số 2890-VH/QĐ ngày 29/9/1997 và tiếp đó Bộ Văn hóa-Thông tin- Du lịch ra quyết định số 62/QĐ-BVHTTDL ngày 12/1/2022 v/v Đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội truyền thống -Lễ hội dinh Thầy Thím… Giá trị di tích Dinh Thầy Thím đã được khẳng định và ý nghĩa lịch sử của Dinh Thầy Thím có sự tác động lớn đối với cộng đồng xã hội mang tính nhân văn, lòng nhân ái…”. Đây chính là thông tin chính thống đã được các cơ quan chức năng và toàn xã hội công nhận.

Báo Bình Thuận chân thành tiếp thu phản ánh của Ban Quản lý Hội Dinh Thầy Thím, đồng thời nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc lựa chọn, biên tập tin, bài của Cộng tác viên.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phan-hoi-bai-thay-thim-vi-phap-su-nguoi-cham-118920.html