Phân cấp, phân quyền gắn với kiểm soát quyền lực
Từ ngày 1-7-2025, mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động, thay thế mô hình chính quyền địa phương 3 cấp trước đây. Đây không chỉ là sự thay đổi về mặt tổ chức hành chính mà còn là bước cải cách mang tính chiến lược, thể hiện quyết tâm lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thực hiện tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý và phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, cùng với phân cấp, phân quyền, phải kiểm soát quyền lực, tránh để xảy ra lạm quyền, lộng quyền…

Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Đồng Phú đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Minh Luận
Thực tế, sau 2 tuần đi vào vận hành bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp trên địa bàn tỉnh, điều khiến người dân hài lòng là thái độ phục vụ của cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đến “một cửa” có thể giải quyết được nhiều việc ngay trong một buổi.
Qua các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội sau Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV những ngày qua, hầu hết cử tri trong tỉnh đánh giá cao mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả hoạt động của mô hình này. Trung tâm phục vụ hành chính công cấp xã vận hành đồng bộ, bước đầu giải quyết nhiều thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh, cán bộ đến tận nhà giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.
Đặc biệt, từ ngày 7-7, đoàn thanh niên 95 xã, phường trong tỉnh cũng đồng loạt ra quân, thành lập các đội hình tình nguyện hỗ trợ người dân giải quyết thủ tục hành chính tại trung tâm phục vụ hành chính công cùng cấp… Điều này cho thấy quyết tâm chính trị cao và sự chủ động của chính quyền địa phương khi được trao quyền. Tuy nhiên, cùng với trao quyền, vấn đề đặt ra là làm sao để không xảy ra tình trạng lạm quyền, lộng quyền, không để phân quyền tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực, nhất là với những lĩnh vực như quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường, thanh tra, kiểm tra, cấp phép...

Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công xã Đồng Phú. Ảnh: Minh Luận
Theo thống kê của Bộ Nội vụ, từ ngày 1-7-2025, cấp huyện không còn và đơn vị hành chính cấp xã sẽ trực tiếp đảm nhận hơn 1.000 nhiệm vụ, quyền hạn (thuộc cấp huyện trước đó). Đây là cơ hội để địa phương chủ động hơn trong việc giải quyết các vấn đề của người dân, doanh nghiệp, giảm tầng nấc trung gian và việc phải đi lại nhiều lần, nhiều cơ quan, đơn vị… trong thực hiện các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát tốt, chặt chẽ ngay từ đầu rất dễ xảy ra tiêu cực.
Người đứng đầu Đảng ta - Tổng Bí thư Tô Lâm từng nhấn mạnh: “Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”. Định hướng quan điểm này được các chuyên gia đánh giá, nếu làm được và làm mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ tạo được những đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, làm sao để khuyến khích địa phương mạnh dạn quyết, mạnh dạn làm và mạnh dạn chịu trách nhiệm thì mô hình mới thực sự phát huy hiệu quả và đem lại những sản phẩm rõ rệt, cũng như kiểm soát, giám sát chặt chẽ, đảm bảo vận hành thông suốt, “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ sản phẩm”.
Cùng với sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đến nay, Chính phủ đã ban hành 28 nghị định về phân cấp, phân quyền, phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và chính quyền địa phương 2 cấp. Trong số 1.464 nhiệm vụ phân quyền, phân cấp, có 1.059 nhiệm vụ, thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ và bộ trưởng được phân cấp, phân quyền cho địa phương.
Từng phần việc đã được gắn với từng cấp chính quyền, cấp quản lý cụ thể. Điều này giúp tăng quyền lực cho địa phương - cấp gần dân nhất và trực tiếp triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống. Đặc biệt, việc phân cấp, phân quyền sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao giữa các cơ quan công quyền, ngành chức năng; khắc phục việc ôm đồm quyền lực dễ dẫn đến lộng quyền, lạm quyền, hoặc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm khi xảy ra sai phạm và giúp cán bộ cơ sở chủ động hơn trong công việc…
Tuy nhiên, để thực sự hiệu quả, cùng với đó phải xây dựng được bộ máy đúng người, đúng việc, đủ tâm hướng về nhân dân, đủ tầm để quyết và làm..., mà như định hướng của Tổng Bí thư Tô Lâm khi nói về nhân sự lãnh đạo các cấp và nhân sự Đại hội XIV của Đảng là “phải hội tụ đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm, đủ sức, đủ nhiệt huyết cách mạng để gánh vác trọng trách lịch sử của đất nước trong tình hình hiện nay, không có chỗ cho những cán bộ cơ hội, bon chen, trung bình chủ nghĩa, lừng chừng, ngại đổi mới, thu vén cá nhân”.
Hiện nay, với việc sáp nhập xã, phường, quyền hành của chủ tịch cấp xã tương đương cấp huyện trước kia, thu ngân sách ở một số xã, phường có khi bằng hoặc cao hơn một số tỉnh, huyện cũ… Chính vì vậy, khi quy mô, quyền hạn tăng lên, việc kiểm soát quyền lực càng đặt ra cấp thiết. Điều này đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ, sự đổi mới, sáng tạo và tinh thần “6 dám” của người cán bộ, đảng viên.
Cùng với đó là xây dựng bộ máy chính quyền đoàn kết, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”, chú trọng giám sát chặt chẽ từ trên xuống và trong chính nội bộ, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ trong thực thi nhiệm vụ, đảm bảo công khai, minh bạch, rõ quy trình, rõ trách nhiệm.