Thị trường chứng khoán: Nhiều yếu tố hỗ trợ trong trung và dài hạn

Theo chuyên gia chứng khoán, các yếu tố vĩ mô đang khá tích cực và kinh tế Việt Nam vẫn đang nằm trong xu hướng phục hồi từ tháng 10/2021 đến nay. Vì thế, khả năng cao sau khi điều chỉnh trong ngắn hạn, thị trường sẽ bật tăng trở lại và phục hồi trong trung và dài hạn.

Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Trương Mạnh Hiếu - chuyên gia phân tích chiến lược, Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam, xung quanh những diễn biến của thị trường chứng khoán thời gian gần đây.

* PV: Thị trường chứng khoán vừa có một đợt giảm điểm tương đối mạnh. Ông đánh giá như thế nào về diễn biến của thị trường thời gian gần đây và yếu tố nào là nguyên nhân chính cho đợt giảm điểm này?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Như chúng ta đã biết sau khi chạm ngưỡng 1.530 điểm, thị trường đã có sự điều chỉnh mạnh, và hiện đã đóng cửa dưới ngưỡng 1.400 điểm. Tính đến phiên giao dịch ngày 20/4/2022, thị trường đã điều chỉnh gần 9%. Điểm đáng chú ý với giai đoạn này là sự điều chỉnh chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 3 tuần nên tạo ra sự bất ngờ với nhà đầu tư.

Nguyên nhân của xu hướng giảm hiện tại chủ yếu xuất phát từ yếu tố tâm lý mà bắt đầu là sự kiện liên quan đến nhóm cổ phiếu FLC. Khi thông tin không tốt liên quan đến ông Trịnh Văn Quyết xuất hiện, nhà đầu tư có xu hướng bán ra ở nhóm cổ phiếu có liên quan đến FLC để hạn chế thua lỗ. Điều này vô tình tạo ra tâm lý thận trọng cho nhà đầu tư. Chính tâm lý này đã làm cho họ có nhiều quyết định mang yếu tố cảm tính như bán ra những cổ phiếu khác không chịu tác động hoặc không liên quan đến nhóm FLC. Sau 3-4 phiên giảm, nhiều tài khoản sẽ chịu áp lực bán giải chấp và buộc những tài khoản này phải bán ra để cân bằng vị thế. Điều này vô tình tạo ra một vòng xoáy khác kéo theo xu hướng điều chỉnh như hiện tại.

Các yếu tố vĩ mô đang khá tích cực và kinh tế Việt Nam vẫn đang nằm trong xu hướng phục hồi từ tháng 10/2021 đến nay. Vì thế, khả năng cao sau khi điều chỉnh trong ngắn hạn về quanh 1.340 điểm, thị trường sẽ bật tăng trở lại và phục hồi trong trung và dài hạn.

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu

Nếu nhìn kỹ lại giai đoạn này, chúng ta sẽ nhận thấy được 2 vấn đế khá quan trọng. Thứ nhất, thị trường giai đoạn này không xuất hiện thông tin tiêu cực mang tính hệ thống, ảnh hưởng mạnh đến toàn thị trường, mà chỉ có những thông tin mang yếu tố cục bộ ảnh hưởng đến 1 nhóm cổ phiếu nhất định. Nên áp lực bán xuất hiện trên hầu hết thị trường là điều không hợp lý, đặc biệt là ngay cả những cổ phiếu có cơ bản tốt vẫn chịu áp lực này.

Thứ hai, tuy điều chỉnh mạnh nhưng khối lượng lại không tăng. Xét về yếu tố kỹ thuật, khi xu hướng giảm được xác nhận phải đi kèm với việc khối lượng giao dịch tăng. Tuy nhiên, giai đoạn này lại không xuất hiện tình trạng này. Đây là một sự không đồng thuận. Điều này hàm ý về sự điều chỉnh hiện tại có thể là một bẫy giảm giá hay một sự điều chỉnh kỹ thuật trong ngắn hạn.

* PV: Xét về mặt tổng thể, thị trường chứng khoán đang được hỗ trợ bởi các yếu tố nào, thưa ông?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Hiện có rất nhiều thông tin vĩ mô đang hỗ trợ thị trường như: Thứ nhất là sự phục hồi của nền kinh tế. Từ tháng 10/2021 đến nay, nền kinh tế Việt Nam có sự phục hồi khá tốt khi các chỉ tiêu kinh tế quan trọng như tăng trưởng GDP, xuất nhập khẩu, doanh số bán lẻ và chỉ số công nghiệp đều có sự phục hồi tốt. Bên cạnh đó, CPI cũng được kiểm soát ở mức thấp bất chấp “cơn bão” lạm phát đang diễn ra ở Mỹ.

Thứ hai, Việt Nam đang mở cửa trở lại. Với tỷ lệ tiêm vắc xin ở mức cao hơn 82%, Việt Nam đang dần mở cửa trở lại và đón du khách quốc tế. Đây có thể là một cú hích lớn với ngành du lịch trong nước sau 2 năm dịch bệnh. Trước dịch, ngành du lịch chiếm hơn 9% trong GDP của nước ta, tuy nhiên do ảnh hưởng từ dịch Covid-19, tỷ trọng này đã giảm đi đáng kể trong năm 2020 và 2021. Với sự mở cửa hiện tại, dự báo du lịch sẽ có sự phục hồi và có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng trong tương lai.

Thứ ba, các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ. Những gói hỗ trợ này có thể là động lực chính giúp kinh tế có thể tăng trưởng mạnh trong tương lai, nhất là các gói đầu tư vào cơ sở hạ tầng.

* PV: Ngoài những yếu tố hỗ trợ như ông vừa chia sẻ ở trên, thị trường chứng khoán có thể đối mặt với những rủi ro nào?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Xét về yếu tố rủi ro, hiện có 2 rủi ro chính mà nền kinh tế nói chung và thị trường nói riêng đang phải đối mặt. Thứ nhất là áp lực lạm phát, tuy Việt Nam đang kiểm soát lạm phát khá tốt. Tuy nhiên, với tình hình lạm phát cao ở Mỹ và giá cả hàng hóa thế giới có xu hướng gia tăng, Việt Nam cũng sẽ chịu ảnh hưởng phần nào, đặc biệt là việc giá dầu ở mức cao như hiện tại. Dầu là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nền kinh tế, nếu giá dầu tiếp tục duy trì ở mức cao sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế trong nước và tạo áp lực không nhỏ đến đời sống của người dân.

Thứ hai là yếu tố tâm lý. Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đang được đặc trưng với sự tham gia rất lớn của nhà đầu tư cá nhân. Nhóm này rất dễ bị ảnh hưởng bởi những thông tin tiêu cực và tích cực, có sự phản ứng thái quá đối với những thông tin này. Đặc biệt ở hiện tại, khi thị trường đang thiếu vắng thông tin thì yếu tố tâm lý có thể được xem là một rủi ro lớn trong ngắn hạn.

* PV: Dự báo của ông về diễn biến của thị trường trong thời gian tới?

Ông Trần Trương Mạnh Hiếu: Áp lực bán trên thị trường đang có phần gia tăng trong ngắn hạn. Đặc biệt chỉ số đã xác nhận sự hình thành của mẫu hình chữ nhật. Mẫu hình này có cận dưới là vùng 1.430 điểm, với mục tiêu giá là quanh vùng 1.340 điểm. Do đó, khả năng cao là chỉ số VN-Index có thể điều chỉnh về quanh ngưỡng này. Tuy nhiên, các yếu tố vĩ mô đang khá tích cực và kinh tế Việt Nam vẫn đang nằm trong một xu hướng phục hồi từ tháng 10/2021 đến nay. Vì thế, khả năng cao sau khi điều chỉnh trong ngắn hạn về quanh 1.340 điểm, thị trường sẽ bật tăng trở lại và phục hồi trong trung và dài hạn.

Một số những yếu tố hỗ trợ xu hướng tăng trong dài hạn có thể kể đến là đà phục hồi của nền kinh tế từ tháng 10/2021 đến nay. Các chỉ báo vĩ mô đều có sự phục hồi đáng kể so với đáy. Việt Nam đang mở cửa trở lại, điều này sẽ hỗ trợ đà tăng của nền kinh tế. Các gói hỗ trợ kinh tế của Chính phủ sẽ là động lực chính cho sự phát triển trong dài hạn của nền kinh tế.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Hồng Quyên (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-chung-khoan-nhieu-yeu-to-ho-tro-trong-trung-va-dai-han-103892.html