PGS.TS Trần Như Dương: Hải Dương đã nỗ lực cùng cả nước chống dịch

PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Đoàn công tác phòng chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Hải Dương, khẳng định: Địa phương đã rất nỗ lực và quyết liệt trong chống dịch, bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương.

Tính đến ngày 19/2/2021, Hải Dương đã công bố 114 bệnh nhân khỏi bệnh

Tính đến ngày 19/2/2021, Hải Dương đã công bố 114 bệnh nhân khỏi bệnh

PV: Thưa ông, đã 24 ngày liên tục bám trụ tại Hải Dương chống dịch từ những ngày đầu tiên. Lăn lộn khắp địa bàn, hiểu rõ mọi ngóc ngách chống dịch của địa phương, ông có thể phác họa ngắn gọn về công tác chống dịch của tỉnh này như thế nào?

PGS.TS Trần Như Dương: Với tinh thần chống dịch như chống giặc. Khi được lệnh của GS.TS Nguyễn Thanh Long, UVTW Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế là chúng tôi lên đường ngay.

Lời cảm ơn thầy thuốc của bệnh nhân trước khi về nhà

Tóm tắt về quá trình chống dịch của Hải Dương những ngày qua, tôi nói ngắn gọn thế này. Hải Dương hiện có 2 trọng điểm dịch lớn và một số điểm dịch khác có liên quan:

Trọng điểm dịch lớn đầu tiên có thể coi là tâm dịch xuất phát từ Công ty POYUN tại Khu công nghiệp Cộng Hòa, TP Chí Linh, có 2.300 công nhân.

Cần nói kỹ rằng, trong đợt xét nghiệm ngay đầu tiên, chúng ta đã phát hiện 176 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2. 176 người này đang ở thời kì lây truyền mạnh.

Năng lực xét nghiệm của Hải Dương đã tăng lên gấp 20 lần so với trước

Năng lực xét nghiệm của Hải Dương đã tăng lên gấp 20 lần so với trước

Môi trường của Công ty POYUN là làm việc tập trung. Công nhân tiếp xúc gần gũi với nhau, nên các công nhân được xác định là đã bị phơi nhiễm ở một mức rất cao.

Nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, đặc biệt là sự vào cuộc rất nhanh chóng, trách nhiệm của tỉnh Hải Dương, ổ dịch Công ty POYUN đã được đóng băng, khóa chặt ngay từ những ngày đầu tiên.

Hơn 2.000 công nhân của Công ty POYUN được đưa đi cách ly tập trung ngay trong đêm, cách ly khỏi cộng đồng.

Ngay ngày hôm sau, Hải Dương đã tiến hành phong tỏa toàn bộ TP Chí Linh, thực hiện "nội bất xuất, ngoại bất nhập". Đồng thời, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

Trong vòng 10 ngày đầu, ổ dịch tại TP Chí Linh về cơ bản đã được khống chế. Những ngày gần đây, tại TP Chí Linh, chủ yếu chỉ ghi nhận những ca bệnh là các trường hợp F1 đã được cách ly tập trung từ trước, rất ít ca bệnh được phát hiện ở cộng đồng (trong 3 ngày gần đây đã lấy 22.000 mẫu xét nghiệm tại cộng đồng khu vực nguy cơ cao, chỉ phát hiện 1 ca dương tính/22.000 mẫu).

Trọng điểm dịch lớn thứ 2 là tại huyện Cẩm Giàng, xuất phát điểm từ các quán Karaoke ở thị trấn Lai Cách mà nguồn lây ở đây cho đến nay vẫn chưa thực sự được sáng tỏ.

Ngay từ ngày 5/ 2/2021, khi đó huyện Cẩm Giàng mới chỉ phát hiện ra 10 ca bệnh nhưng xét thấy tính chất phức tạp của vùng dịch, tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng quyết định phong tỏa toàn bộ huyện Cẩm Giàng để chống dịch.

Các chốt kiểm soát người vào, ra tỉnh Hải Dương hoạt động 24/24 giờ

Các chốt kiểm soát người vào, ra tỉnh Hải Dương hoạt động 24/24 giờ

Đây là một quyết định rất đúng đắn và kịp thời. Quyết định rất khó khăn tại thời điểm đó nhưng Hải Dương đã quyết tâm và làm được!. Việc phong tỏa sớm huyện Cẩm Giàng đã giúp giảm nguy cơ rất lớn cho các địa phương khác trong cả nước.

Từ ổ dịch Cẩm Giàng những người liên quan dịch tễ đến các quán Karaoke đã làm lây nhiễm ra một số khu dân cư trong huyện: Khu đô thị Việt Mỹ của Thị trấn Lai Cách, Thị trấn Cẩm Giang, xã Tân Trường, xã Cao An, xã Cẩm Phúc,....

PV: Có thể nói, ổ dịch tại TP Chí Linh chúng ta đã yên tâm. Vì sao, huyện Cẩm Giàng lại trở thành điểm nóng hiện nay?

Đặc điểm dịch tễ của huyện Cẩm Giàng tương đối phức tạp: Công nhân trên địa bàn rất lớn, lên tới hơn 60.000 người, lại kề cận với các điểm dịch tễ lớn.

Những ngày gần đây, vẫn phát hiện một số ca bệnh trong vùng cách ly phong tỏa. Có thể nói, huyện Cẩm Giàng đang là điểm nóng phức tạp của tỉnh Hải Dương.

Tuy nhiên, các điểm nóng dịch tễ như trên tôi đã nói: Khu đô thị Việt Mỹ của Thị trấn Lai Cách, Thị trấn Cẩm Giang, xã Tân Trường, xã Cao An, xã Cẩm Phúc,.... hiện đã được phong tỏa.

Tỉnh Hải Dương yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp phải an toàn với COVID-19 mới được phép đi vào hoạt động

Tỉnh Hải Dương yêu cầu các nhà máy, doanh nghiệp phải an toàn với COVID-19 mới được phép đi vào hoạt động

Có nghĩa là, thực hiện phong tỏa trong phong tỏa tại huyện Cẩm Giàng. Đáng lo ngại là dịch đã xâm nhập vào một số công ty trong khu công nghiệp có số lượng công nhân lớn.

Điển hình là công ty KURODA KAGAKU với 450 công nhân đến nay đã ghi nhận 27 ca mắc. Chính quyền tỉnh Hải Dương đã nhanh chóng cô lập và cho đi cách ly tập trung toàn bộ số công nhân này.

Từ 2 ổ dịch lớn là TP Chí Linh và huyện Cẩm Giàng liên quan dịch tễ đến 10 huyện khác trong tỉnh Hải Dương với các mức độ khác nhau về số ca bệnh: huyện Gia Lộc 1 ca, huyện Thanh Miện 1 ca, huyện Tứ Kỳ 1 ca, huyện Thanh Hà 3 ca, huyện Kim Thành 5 ca, huyện Nam Sách 29 ca, huyện Kinh Môn 64 ca (sở dĩ huyện Nam Sách và Kinh Môn có nhiều ca mắc hơn các huyện khác là vì 2 huyện này giáp ngay với Chí Linh và có liên quan mật thiết đến các công nhân của công ty POYUN).

Các huyện có ca bệnh cũng đã nhanh chóng khoanh vùng, xử lý ổ dịch kịp thời và các biện pháp giám sát chủ động, phòng chống dịch bệnh vẫn phải được thực hiện triệt để liên tục tại những huyện này.

PV: Còn TP Hải Dương, nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ bùng phát dịch tại đây?

TP Hải Dương là một đô thị trung tâm của tỉnh. Mối giao lưu với bên ngoài lớn, nguy cơ xâm nhập từ các nguồn lây khác nhau vào TP Hải Dương là hoàn toàn có thể xảy ra.

Vì vậy, cần phải theo dõi, giám sát chặt chẽ và đánh giá tình hình dịch rất sát sao tại TP Hải Dương trong những ngày tới đây, tuyệt đối không chủ quan.

TP Hải Dương đã xử phạt nghiêm những công dân ra đường không có lý do chính đáng

TP Hải Dương đã xử phạt nghiêm những công dân ra đường không có lý do chính đáng

TP Hải Dương đã ghi nhận 27 ca bệnh tại 7/25 xã phường, và chỉ riêng trong 3 ngày gần đây, đã ghi nhận 9 ca bệnh, trong đó các ca bệnh phát hiện ở khu dân cư thông qua giám sát sốt, ho, đau họng.

Hai ngày trước đây, chúng tôi đã rất lo lắng vì có chùm ca bệnh tại một hộ gia đình chưa rõ nguồn lây nhưng sau đó các lực lượng truy vết của tỉnh Hải Dương đã xác định được nguồn lây của chùm ca bệnh này. Tuy nhiên, mối liên quan dịch tễ của các ca bệnh tại TP Hải Dương tương đối rộng.

PV: 24 ngày ông và đoàn công tác phòng chống dịch của Bộ Y tế "cùng ăn, cùng ở, cùng chống dịch" với chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương. Thời điểm này, ông có thể chia sẻ gì?

Qua 24 ngày cùng kề vai sát cách với tỉnh Hải Dương chống dịch, chúng tôi thấy rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hải Dương đã rất nỗ lực và quyết liệt trong chống dịch.

Đã bám sát các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương trong triển khai các biện pháp chống dịch trên địa bàn toàn tỉnh.

Vừa chống dịch, vừa phải nỗ lực tìm giải pháp "giải cứu" nông sản cho nhân dân

Vừa chống dịch, vừa phải nỗ lực tìm giải pháp "giải cứu" nông sản cho nhân dân

Nỗ lực rất lớn của Hải Dương là đã truy vết và cách ly tập trung được 14.079 người. Lấy mẫu và xét nghiệm được 162.488 mẫu.

Gần đây, hàng ngày lấy mẫu đã lên đến 10.000 mẫu/ngày, có ngày lên tới 20.000 mẫu/ một ngày. Năng lực xét nghiệm của CDC Hải Dương đã được đẩy lên tới 30.000 mẫu gộp/ngày, gấp 20 lần so với những ngày đầu tiên. Đó là những nỗ lực rất lớn của Hải Dương.

Hiện tại, tỉnh Hải Dương đang tiếp tục quyết liệt và quyết liệt hơn triển khai các biện pháp đã và đang thực hiện theo đúng chiến lược chung, bao gồm: khoanh vùng thật nhanh; truy vết thần tốc, cách ly triệt để; lấy mẫu và xét nghiệm diện rộng; tổ chức thu dung, điều trị bệnh nhân thật tốt và tiếp tục thực hiện thật nghiêm Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh để nhanh chóng dập dịch.

PV: Trân trọng cảm ơn ông

Anh Văn (từ Hải Dương)

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/pgsts-tran-nhu-duong-hai-duong-da-no-luc-cung-ca-nuoc-chong-dich-n187061.html