Pele trở lại sau chấn thương và lập kỷ lục

Năm 1969, khi nhận được lời mời quay lại với đội tuyển, phản ứng đầu tiên của Pele là từ chối. Nhưng viễn cảnh đoạt chiếc cúp Nữ thần vàng lần thứ ba có một sức quyến rũ ghê gớm.

Pele cùng đội tuyển tại World Cup 1970. Ảnh: Los Angeles Times.

Vòng loại để chọn các đội bóng tham dự giải vô địch thế giới lần thứ 9 ở Mexico ghi dấu ấn với cuộc “chiến tranh bóng đá” ngắn ngủi trong gần một tháng giữa Honduras và El Salvador, khởi đầu từ những xích mích do hai bên đã dành những điều kiện thi đấu tồi tệ khi đội kia đến làm khách trong hai trận đấu quyết định đi Mexico. Cuộc “chiến tranh bóng đá” hi hữu này khiến cho gần 3.000 người thiệt mạng!

Có tất cả 70 đội bóng tham dự vòng loại để chọn ra 15 đội cùng với chủ nhà thi đấu vòng chung kết. Một số đội không qua được vòng loại như Bồ Đào Nha (huy chương đồng giải năm 1966), Nam Tư (đương kim vô địch châu Âu), Hungary (đương kim vô địch Thế vận hội) và Argentina.

Mexico 70 là giải thế giới đầu tiên áp dụng luật phạt thẻ đỏ thẻ vàng, dựa trên ý tưởng của trọng tài người Anh Ken Aston. Ông này tình cờ quan sát hệ thống đèn giao thông với đèn vàng và đỏ đã nghĩ ra cách để áp dụng trên sân cỏ. Chiếc thẻ vàng đầu tiên được trọng tài rút ra trong trận Mexico-Liên Xô diễn ra ngày 31/5/1970 trên sân Azteca.

Tuy nhiên, chiếc thẻ đỏ đầu tiên ở World Cup thì phải đến 4 năm sau đó mới xuất hiện trong trận vòng bảng giữa Chile với Tây Đức ở World Cup 1974 và cầu thủ Carlos Caszely của Chile là người “vinh dự” đi vào lịch sử với chiếc thẻ đỏ đầu tiên ở một giải thế giới.

Cũng là lần đầu tiên, ở World Cup 1970, mỗi đội được phép thay cầu thủ chính bằng cầu thủ dự bị, trong một trận đấu mỗi đội được thay hai người. Tiền đạo Anatoliy Puzach của đội tuyển Liên Xô là người đầu tiên vào thay cho Viktor Serebryanikov. Ở các trận đấu vòng tứ kết và bán kết, nếu sau khi thi đấu thêm giờ mà vẫn bất phân thắng bại thì phải tung đồng xu để quyết định đội bóng nào thắng.

Đây cũng là giải thế giới đầu tiên áp dụng công nghệ truyền hình màu trực tiếp đi khắp thế giới. Vì vậy, để phù hợp với thời điểm có số người xem truyền hình đông nhất vào bữa ăn tôí̉ ở châu Âu, các cầu thủ ở Mexico buộc phải ra sân thi đấu vào lúc giữa trưa, trong cái nắng nóng nung người và không khí loãng tại những sân vận động có khi ở độ cao 2.680 m so với mực nước biển. Đấy có thể là ngày hội với hàng tỷ khán giả trước máy truyền hình, nhưng với nhiều cầu thủ, họ phải thi đấu trong hoàn cảnh giống như khổ sai.

Tuy vậy, các đội bóng nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh thi đấu khó khăn và giải đấu ở Mexico vẫn được coi là một trong những World Cup hay nhất trong lịch sử các giải thế giới.

Đội Brazil tới dự giải ở Mexico với sức ép nặng như núi đè của các cổ động viên muốn họ phải đoạt được chức vô địch thế giới lần thứ ba, mang vĩnh viễn Nữ thần Vàng về cho Brazil. Một chiến thắng trong bóng đá cũng sẽ làm giảm bớt những áp lực trong đời sống xã hội Brazil, khi đó đang dưới quyền kiểm sát của chính quyền quân sự.

Mặc dù vậy, khi đội tuyển lên đường bay đi Mexico, không mấy ai tin rằng Brazil sẽ làm nên chuyện ở giải đấu này. Trong giai đoạn chuẩn bị, chiếc ghế huấn luyện viên trưởng của đội tuyển thay đổi liên tục. Các đối thủ của Brazil trong bảng như Anh và Tiệp Khắc, chưa kể Romania, đều là những đội bóng đang đạt phong độ cao, cực kỳ khó chơi, thậm chí là ứng cử viên vô địch như Tiệp Khắc.

Riêng đối với Pele, nếu như giải đấu năm 1958 ở Thụy Điển hoàn toàn là một lễ hội thì ở Mexico, đó là gánh nặng trách nhiệm nặng nề. Hồi đầu năm 1969, khi nhận được lời mời từ Liên đoàn bóng đá Brazil quay lại với đội tuyển, phản ứng đầu tiên của Pele là từ chối.

Ám ảnh về chấn thương ở giải đấu trước vẫn còn rất nặng nề. Pele không muốn liều lĩnh hứng chịu rủi ro. Nhưng rồi viễn cảnh đoạt chiếc cúp Nữ thần vàng lần thứ ba và bằng cách đó biến nó thành của riêng cho Brazil có một sức quyến rũ ghê gớm. Hơn nữa, việc tham dự giải thế giới có thể xóa đi nỗi ám ảnh chấn thương. Pele quay lại với đội tuyển vàng xanh.

Brazil vào giải thế giới ở Mexico với bộ khung dựa trên Carlos Alberto ở hàng phòng ngự, Gerson ở trung tuyến và bộ tứ tấn công nguyên tử có sức mạnh khủng khiếp gồm Jairzinho, Tostao, Rivelino và Pele. Huấn luyện viên đội tuyển không phải ai khác chính là Zagallo, đồng đội của Pele ở các giải vô địch thế giới 1958 và 1962.

Trận đầu tiên, Brazil gặp Tiệp Khắc trên sân Guadalajara. Tiệp Khắc dẫn trước ở phút 15 nhưng kể từ đó trở đi, các cầu thủ Brazil bắt đầu nhảy samba trên sân. Rivelino gỡ hòa cho Brazil bằng một cú sút phạt trực tiếp cực mạnh. Pele nâng tỷ số lên 2-1. Bàn thắng này là một kiểu ghi bàn “nhãn hiệu” Pele điển hình: hãm bóng bằng ngực trong khi đang di chuyển, đổi chân trụ, hơi lắc hông để đánh lừa thủ môn Viktor của Tiệp Khắc rồi sút ghi bàn.

Vậy là Pele trở thành cầu thủ đầu tiên trong lịch sử ghi được bàn thắng ở 4 vòng chung kết World Cup. Trong lịch sử bóng đá thế giới chỉ có Uwe Seeler của Đức là người cũng lập được thành tích này...

Brazil tiếp tục tăng cường sức ép và đến lượt Jairzinho làm hàng thủ Tiệp Khắc hoàn toàn rối loạn với hai pha đột phá rồi kết thúc gọn gàng. Brazil thắng 4-1.

Nhưng thời điểm đáng nhớ nhất của trận đấu này lại không phải những bàn thắng đã được ghi mà là lúc một bàn thắng suýt được ghi! Trước đấy, khi nghiên cứu băng hình ghi lại các trận đấu của Tiệp Khắc, Pele nhận thấy thủ môn Ivo Viktor của Tiệp Khắc có thói quen rời rất xa khung thành trong khi đội nhà đang tấn công. Vậy là trong một đợt tiến công của đội Tiệp Khắc, Pele đoạt được bóng bên phần sân nhà của Brazil. Quan sát rất nhanh thấy Ivo Viktor lại dâng lên quá cao, Pele quyết định làm theo lời người cha mình từng dạy: “Hãy hành động theo bản năng mách bảo chứ đừng suy xét gì cả”.

Từ khoảng cách xa đến 70 m, Pele “phóng” trái bóng về phía khung thành Tiệp Khắc trong sự ngạc nhiên của khán giả trên sân và cả các đồng đội của mình. Khi thủ môn Viktor của Tiệp Khắc nhận ra mối nguy hiểm thì đã quá trễ. Trái bóng bay theo quỹ đạo như một tên lửa đạn đạo vượt qua đầu Viktor và may mắn cho thủ môn này, nó vượt trên xà ngang khung thành chỉ trong gang tấc. Cả sân vận động đứng dậy vỗ tay vang dội tán thưởng tầm quan sát nhanh nhạy, khả năng thực hiện kỹ thuật sút bóng tuyệt hảo và năng lực ứng biến của người cầu thủ kỳ tài.

Cũng kể từ đó, khi đối mặt với đội Brazil có Pele, không một thủ môn nào của đối phương dám mạo hiểm vượt lên quá xa khỏi vạch vôi khung thành của mình, ngay cả trong khi đội nhà đang tấn công. Nhiều cầu thủ khác sau đó đã nhanh chóng học hỏi Pele, không ít lần thực hiện những cú sút tương tự ở tầm xa như thế để tìm kiếm chiến thắng.

Trận tiếp theo, đường chuyền như có mắt đằng sau gáy của Pele giúp một đồng đội là Jairzinho ghi bàn thắng duy nhất, đủ để Brazil đánh bại Anh với tỷ số tối thiểu 1-0 trong cái nóng lên đến 40 độ C. Pele không ghi bàn nhưng là người khởi xướng mọi đợt tiến công từ xa của Brazil. Đội bóng có hàng tiến công hay nhất thế giới đã chiến thắng đội bóng có hàng phòng ngự thuộc vào loại xuất sắc trên thế giới.

Trong trận đấu này có một tình huống cũng đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới. Jairzinho đi bóng tốc độ ở cánh phải, thoáng quan sát thấy Pele đang nhập vào vòng cấm bèn thực hiện một cú tạt bóng hoàn hảo đúng tầm đầu của Pele. Thậm chí Pele còn có đủ thời gian nhảy lên và lái quả bóng đập đất bay sát cột dọc về một phía khung thành đội tuyển Anh, trong khi thủ môn đội Anh Gordon Banks đang ở gần cột dọc phía bên kia.

Vậy mà không hiểu nhờ một phép lạ kỳ bí nào đấy mà thủ môn người Anh đã gần như phóng người suốt chiều ngang của khung thành và kịp vươn tay vớt trái bóng hất ra ngoài. Một cách không chính thức, cú cứu bóng của Banks được coi là một trong những pha cứu thua ngoạn mục nhất trong các giải vô địch thế giới và sau này Pele cũng thừa nhận rằng trong suốt cả sự nghiệp của mình, chưa từng bao giờ chứng kiến một pha cứu bóng hay đến kỳ lạ như thế.

Brazil thắng tiếp Rumania 3-2, trong đó Pele ghi hai bàn thắng. Vào tứ kết, Brazil gặp đối thủ Peru, khi đó có danh thủ Cubillas đang trên đỉnh cao phong độ. Huấn luyện viên của Peru không phải ai xa lạ mà chính là một đồng đội cũ của Pele: danh thủ Brazil Didi.

Đó chính là điều đáng lo ngại với Pele khi Didi biết rất rõ về điểm mạnh, điểm yếu của những đồng đội cũ trong đội tuyển Brazil. Trước đấy, Peru đã thể hiện khả năng lật ngược tình thế ngoạn mục khi họ bị Bulgaria dẫn trước 2-0 nhưng rồi thắng ngược 3-2.

Nhưng không có bất ngờ nào cả. Pele hoạt động không biết mệt mỏi, thu hút các hậu vệ đối phương, tạo những khoảng trống để đồng đội của mình lao vào tấn công. Brazil dễ dàng đánh bại Peru với tỷ số 4-2, tạo lập một trận bán kết “nội bộ Nam Mỹ” với đội Uruguay, khi đó vừa mới loại đội Liên Xô bằng một bàn thắng gây tranh cãi ở phút thứ 120 của trận đấu tứ kết.

Uruguay chỉ thi đấu ngang ngửa được với Brazil trong hiệp 1 trận bán kết. Sang hiệp 2, khi các cầu thủ Brazil đẩy tốc độ trận đấu lên cao thì những đồng hương Nam Mỹ của họ thở không ra hơi.

Trong trận đấu này, một lần nữa, Pele lại ghi dấu ấn của mình vào lịch sử bóng đá thế giới bằng một pha biểu diễn đậm chất kỹ thuật không tiền khoáng hậu: bóng được chuyền tới thẳng hướng với Pele, trong khi thủ thành nổi tiếng của Uruguay là Ladislao Mazurkiewicz cũng băng ra truy cản; bằng một động tác giả điêu luyện đến khó tin, Pele chạy cắt ngang đường đi của trái bóng, hút Mazurkiewicz theo mình, trong khi bỏ trái bóng lướt ngay qua người của thủ thành Uruguay và Pele chạy vòng ra phía đằng sau Mazurkiewicz để nhận lại trái bóng!

Rất tiếc là cú sút sau đó của Pele đi sát cột dọc ra ngoài. Chung cuộc, Brazil thắng 3-1. Ở thủ đô Rio de Janeiro của Brazil, các cổ động viên bắt đầu đốt pháo ăn mừng. Phía trước Pele và đồng đội chỉ còn một trận chung kết nữa với đội tuyển Italy.

Rồi đến chuyến xe bus đưa Pele và các đồng đội tới sân Azteca, trong khi Pele cố gắng che giấu những giọt nước mắt bằng cách giả vờ tìm kiếm cái gì đó bị rơi trên sàn xe...

Yên Ba / NXB Lao Động & TH Books

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/pele-tro-lai-sau-chan-thuong-va-lap-ky-luc-post1390307.html