Ông vua ôtô Henry Ford vượt qua thất bại thế nào?

Mùa xuân năm 1927, Henry Ford đóng cửa nhà máy của mình. Mặc dù trước đó, ông từng tuyên bố rằng sẽ cho ra đời một mẫu xe hoàn toàn mới.

Ông vua xe hơi - Henry Ford từng phải đối mặt với thất bại và thử thách vô cùng lớn, nhưng ông không hề né tránh và cuối cùng chuyển bại thành thắng. Năm 1903, Henry Ford bắt đầu sản xuất ôtô độc lập. Năm 1908, ông cho ra đời loạt xe hơi model T đầu tiên và trở nên vô cùng nổi tiếng, lượng tiêu thụ lập tức chiếm lĩnh thị trường xe hơi của toàn nước Mỹ.

Trong vòng 19 năm sau đó, ông tiến hành sản xuất số lượng lớn mẫu xe hơi model T này, gần như không có thêm bất cứ sáng tạo hay cải tiến nào. Đến năm 1926, đối thủ đáng gờm nhất của Ford trên thị trường ôtô giá rẻ là Chevrolet cho ra đời mẫu xe mới, thoải mái hơn và mã lực mạnh hơn, thiết kế không những mới mẻ mà còn có nhiều màu sắc bắt mắt. So sánh với mẫu xe model T cũ kỹ và chỉ có một màu đen tuyền của Ford thì đúng là một trời một vực. Lúc này, Henry Ford đối mặt với một thử thách vô cùng lớn của thị trường xe hơi.

Sau khi mẫu xe của đối thủ Chevrolet được tung ra thị trường, người tiêu dùng lập tức yêu thích sự mới mẻ, thoải mái, lại vừa có mã lực mạnh này. Cùng với đó, một lượng lớn địa bàn kinh doanh của xe hơi Ford cũng biến mất, số lượng tiêu thụ giảm theo hình thẳng đứng đã khiến Henry Ford đau đầu nhức óc.

 Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Ảnh minh họa. Nguồn: BBC.

Nhìn thấy đối thủ Chevrolet bỏ xa mình, ông không thể không thừa nhận: tình hình thị trường so với trước đây, quả đúng là đã khác xa. Rất nhiều chuyên gia cũng dự đoán rằng, trong ngành công nghiệp ôtô, Ford sẽ không thể nào đuổi kịp Chevrolet được nữa.

Thêm nữa, việc vận hành của cả bộ máy công ty đang ngày càng xuống dốc, Ford sẽ giống như các doanh nghiệp nhỏ khác, thành công chỉ trong chốc lát giống như hoa quỳnh sớm nở tối tàn, chỉ thống trị thị trường được hơn chục năm mà thôi.

Thế nhưng, các chuyên gia này khi đưa ra đánh giá đã bỏ sót một yếu tố vô cùng quan trọng, đó là tố chất cá nhân đặc biệt của Henry Ford. Quả thực, Ford đã mất đi thị trường, đang phải đối mặt với nguy cơ chưa từng có trước đây, tuy nhiên, họ vẫn còn cách “thất bại” rất xa. Ít nhất, cá nhân Ford hoàn toàn không định chấp nhận số phận.

Mùa xuân năm 1927, Henry Ford đóng cửa nhà máy của mình. Mặc dù trước đó, ông từng tuyên bố rằng sẽ cho ra đời một mẫu xe hoàn toàn mới, tuy nhiên, lời đồn rằng Ford phá sản vẫn lan truyền không dứt. Có người nói rằng, nhà máy của Henry Ford sẽ không bao giờ mở cửa lại được nữa. Thậm chí còn có người nói rằng, cho dù nhà máy có mở cửa trở lại thì mẫu xe mới được tung ra cũng chỉ là làm lại model T mà thôi, chẳng thể có điều gì mới mẻ cả.

Tháng 12 năm 1927, Henry Ford dùng hành động thực tế để chứng minh quyết tâm chấn chỉnh cờ trống, vực dậy sau thất bại. Ông cho ra đời mẫu xe model A mới được nghiên cứu, dù về thiết kế, động cơ hay giá bán đều tốt hơn hẳn một bậc so với của Chervolet.

Mẫu xe này ngay lập tức tạo nên một làn sóng mới trên thị trường xe hơi lúc bấy giờ, Henry Ford một lần nữa đạt thành tích xuất sắc, giành được chiến thắng toàn diện.

Câu chuyện trên nói lên một điều rằng: Nếu không có khả năng chịu đựng mạnh mẽ thì sẽ không có việc chuyển bại thành thắng của Henry Ford. Henry Ford sở dĩ có thể làm lại từ đầu, thậm chí “lợi hại hơn xưa” chính là vì năng lực chịu đựng thất bại của ông mạnh mẽ hơn người, đồng thời ông còn không ngừng nuôi dưỡng trí tuệ, dũng khí, sự tự tin và sức mạnh ngay trong thất bại và thách thức, từ đó bước ra khỏi hoàn cảnh khó khăn, tiến đến thành công.

Trong cuộc đời mỗi chúng ta, thất bại giống như một bức tường vô hình, thường khiến chúng ta chẳng thể nào đề phòng được. Khi đối diện với thất bại, chúng ta đừng nên tính toán được mất giữa tiến và lùi, đừng phân vân do dự, lại càng không nên lựa chọn né tránh.

Bởi vì né tránh sẽ làm nhụt ý chí, làm giảm dũng khí và làm nhạt lý trí. Lâu dần, né tránh sẽ trở thành một chiếc bọc khiến chúng ta cảm thấy an toàn nhưng lại mài mòn ý chí của chúng ta. Điều này có nghĩa là, chúng ta sẽ cúi đầu trước thất bại.

Việc chúng ta cần làm là không ngừng tăng cường khả năng chịu đựng của bản thân, càng khó khăn càng dũng cảm, đối đầu thử thách mà tiến lên, hiên ngang đối diện thất bại, chiến đấu không khuất phục, không né tránh. Có như vậy, chúng ta mới có thể tiến đến, gõ vào cánh cửa của thành công.

Lý Thế Cường/NXB Văn học - Bách Việt Books

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-vua-oto-henry-ford-vuot-qua-that-bai-the-nao-post1477462.html