Ông Tây mặc vest làm Chí Phèo, nói tiếng Việt 'xịn đét'
Kịch truyền thanh 'Chí Phèo' tái hiện tác phẩm của Nam Cao qua một hình thức biểu diễn khác lạ so với các cách khai thác cũ, mang đến trải nghiệm mới cho khán giả.

Khắc họa bi kịch của người nông dân bị tha hóa trong xã hội phong kiến, Chí Phèo là tác phẩm tiêu biểu nhà văn Nam Cao. Nhân vật Chí Phèo từ chàng trai hiền lành trở thành kẻ lưu manh, đến cuối cùng tuyệt vọng tìm kiếm lối thoát trong bi kịch, đã trở thành hình tượng kinh điển trong văn học Việt Nam.
Không chỉ để lại dấu ấn sâu sắc trên trang sách, tác phẩm liên tục được tái hiện qua các hình thức nghệ thuật khác nhau như kịch, điện ảnh hay truyền hình và các tác phẩm phái sinh như truyện tranh, sitcom. Trong đó, nổi tiếng nhất là phim Làng Vũ Đại ngày ấy (1982) của đạo diễn Phạm Văn Khoa với nghệ sĩ Bùi Cường trong vai Chí Phèo.
Làm mới một tác phẩm quen thuộc được đưa vào sách giáo khoa, với các nhân vật đã trở thành "danh từ chung" để chỉ các hạng người, tính cách trong xã hội như vậy, hẳn nhiên không chút dễ dàng. Song đội ngũ làm kịch truyền thanh Chí Phèo (Lóc Kóc Leng Keng, Vũ Phúc Ân đạo diễn) vẫn quyết tâm thử nghiệm.
Anh Chí bập bẹ bên cha con Lý Trưởng mồm mép
Khác với kịch nói hay phim ảnh, kịch truyền thanh là loại hình nghệ thuật dựa vào âm thanh để truyền tải nội dung. Diễn viên không hóa trang thành nhân vật, cũng không chú trọng biểu đạt qua ngôn ngữ hay diễn xuất hình thể.
Chí Phèo, Bá Kiến, Lý Cường đối thoại Đối thoại giữa ba nhân vật Chí Phèo, Lý Cường và Bá Kiến trong kịch truyền thanh "Chí Phèo". Kịch do nhóm Lóc Kóc Leng Keng, đạo diễn Vũ Phúc Ân thực hiện, diễn ra tối 25/3 tại TP.HCM.
Thay vào đó, âm thanh thực hiện hoàn toàn trực tiếp trên sân khấu. Trong kịch truyền thanh Chí Phèo, từ giọng kể chuyện, lời thoại, tiếng rót nước, tiếng bước chân lọc cọc, tiếng gà gáy, chim hót, chó sủa, tiếng gió thổi... đều được truyền đạt sống động trên sân khấu. Ấn tượng với người lần đầu xem kịch truyền thanh có lẽ giống cảm giác... xem trộm phòng thu âm vì các kỹ thuật tạo từng loại âm thanh riêng biệt được phô bày trên sân khấu không chút giấu giếm.
Ngoài ra, kịch bản cũng được chỉnh sửa so với nguyên tác truyện của Nam Cao: Ngay từ mở đầu, thay vì cho Chí Phèo đột ngột xuất hiện, lại là một đoạn dẫn kể về căn nguyên bản tính ương dở của hắn, được gán cho một lời truyền tai trong dân gian, nhuốm màu linh dị. Song mục đích của chi tiết này không phải là "huyền bí hóa" xuất thân của Chí Phèo, mà dần lộ rõ ở đoạn sau: phần đầu câu chuyện là chân dung Chí Phèo qua miệng lưỡi thiên hạ; đối lập với Chí Phèo qua cảm nhận trực tiếp và tự thân của Thị Nở.
Về cơ bản, cốt truyện theo khá sát nguyên tác, nhưng giọng kể được tiết chế và nhường chỗ cho các đoạn thoại. Lý Cường và Bá Kiến trở nên "mồm mép" khi hàng loạt thành ngữ tuôn trào trong lối nói như "tứ cố vô thân", "rồng thân chinh đến nhà tôm", "cố cùng liều thân", "quần ngư tranh thực"...
Bù lại, Chí Phèo lại lè nhè chữ được chữ mất, do một diễn viên tưởng không hợp mà hóa ra lại hợp không tưởng vào vai: Aaron Toronto (đạo diễn phim Đêm tối rực rỡ; anh nói tiếng Việt sõi). Chí Phèo do một anh Tây đóng vest thể hiện trên sân khấu, có lạ lẫm nhưng không gây sượng sùng.
Đối thoại giữ Thị Nở và bà cô cụ thể hóa định kiến xã hội dành cho những kẻ "cào mặt ăn vạ" như Chí Phèo, lẫn kẻ hâm dở "quá lứa lỡ thì" như Thị Nở (song vở kịch không đả động rõ nét tới ngoại hình của Thị Nở như Nam Cao đã làm). Thị Nở trong vở này có nét duyên mang đến ấn tượng trẻ trung, gần gũi.
Chí Phèo và Thị Nở gặp gỡ, nên duyên Đối thoại giữa Chí Phèo và Thị Nở được làm mới kèm hiệu ứng âm thanh, tái hiện cảnh "nên vợ chồng" của hai nhân vật. Đây là trích đoạn kịch truyền thanh "Chí Phèo" do nhóm Lóc Kóc Leng Keng, đạo diễn Vũ Phúc Ân thực hiện, diễn ra tối 25/3 tại TP.HCM.
Câu chuyện diễn tiến như đã xảy ra trên trang sách: hai kẻ vì tìm thấy tình yêu mà mộng mơ về một cuộc sống khác, để rồi bị cuộc đời chèn ép "ai cho tao lương thiện". Một cái kết quen song khép lại vẫn gợi suy ngẫm, với hình ảnh Thị Nở đứng ở lò gạch cũ mà nhìn xuống bụng mình, mông lung trăn trở.
Các diễn viên trong kịch truyền thanh Chí Phèo đã khiến nhân vật sống động như bước ra từ trang sách nhờ diễn xuất tinh tế, giọng điệu nhấn nhá, biểu cảm trau chuốt qua từng lời nói và cả đôi chút diễn xuất hình thể. Âm thanh dựng tại chỗ và ánh sáng xếp đặt cầu kỳ đều góp phần khắc họa rõ hơn diễn biến câu chuyện và tiến trình tâm lý nhân vật.
Tuy nhiên, vở kịch vẫn còn thiếu đi một sự bứt phá để lại ấn tượng sâu sắc, với những đoạn kịch bản xử lý lời thoại và hành động nhân vật còn có phần vội vã, chưa khéo léo, từ đó dễ tạo cảm giác đột ngột, khiến nhân vật chưa được giãi bày trọn vẹn.
Dẫu vậy, nhìn chung, đây vẫn là một nỗ lực làm "bình mới" cho món "rượu cũ" rất đáng được ghi nhận.
Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-tay-mac-vest-lam-chi-pheo-noi-tieng-viet-xin-det-post1541197.html