Ông Phạm Nhật Vượng: Làm nhà máy LNG cung ứng đủ điện cho miền Bắc
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng đánh giá Việt Nam hiện thiếu năng lượng xanh, do đó doanh nghiệp đang triển khai một nhà máy LNG, mục tiêu là đảm bảo đủ điện cho miền Bắc.

Ông Phạm Nhật Vượng cho biết Vingroup đang chuẩn bị các thủ tục để làm nhà máy LNG 4,8 GW. Ảnh: VIC.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của CTCP Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) mới đây, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết công ty quyết định tham gia mạnh mẽ vào phát triển năng lượng, bởi Việt Nam hiện rất thiếu năng lượng, đặc biệt là năng lượng xanh.
Theo ông, Vingroup đã đăng ký phát triển khoảng 25,5 GW điện năng lượng tái tạo và LNG tới năm 2030, sau đó sẽ nâng công suất lên khoảng 52,5 GW vào năm 2035.
Ông Vượng cũng cho biết Vingroup đang triển khai một nhà máy LNG, dù LNG không phải là năng lượng xanh hẳn nhưng ít gây ô nhiễm hơn so với các loại năng lượng thông thường.
"Phải làm nhà máy LNG ngay để đảm bảo đủ điện cho miền Bắc. Hiện tại chúng tôi đang đăng ký làm một nhà máy và đã có chủ trương, đang chuẩn bị hết các thủ tục, công suất dự kiến là 4,8 GW. Nhà máy này đi vào hoạt động sẽ giúp giảm đáng kể việc thiếu điện của miền Bắc và sẽ làm nhanh nhất có thể", Chủ tịch Vingroup nói tại đại hội.
Trước đó, tại công văn gửi Chính phủ liên quan đến Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Vingroup đã đề xuất bổ sung dự án nhà máy nhiệt điện khí LNG công suất 5 GW tại Hải Phòng vào Quy hoạch điện VIII điều chỉnh. Nếu được chấp thuận, nhà máy này dự kiến được đầu tư, xây dựng trong 5 năm (2025-2030), với tổng vốn rót khoảng 5,5 tỷ USD.
Ngoài ra, tập đoàn của ông Phạm Nhật Vượng cũng đề xuất làm các dự án năng lượng tái tạo với tổng quy mô công suất 47.500 MW giai đoạn 2025-2035. Các dự án dự kiến được triển khai tại 7 địa phương là Sơn La, Đăk Lăk, Ninh Thuận, Bình Phước, Đồng Nai, Trà Vinh/Sóc Trăng và Khánh Hòa.
Tổng công suất của các dự án năng lượng tái tạo này đến năm 2030 là 20,5 GW, mức đầu tư 20-25 tỷ USD. Phần còn lại (27 GW) sẽ được triển khai trong giai đoạn 2031-2035.
Tại công văn, phía Vingroup cho biết các dự án đề xuất đã được nghiên cứu dựa trên chỉ đạo của cơ quan quản lý. Đồng thời, tập đoàn đánh giá các địa phương đặt dự án là nơi có tiềm năng về gió, bức xạ tốt, vị trí để tối ưu về thời gian phát triển dự án, hiệu suất sản xuất điện và hiệu quả tài chính.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, tiến tới tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Để đủ điện cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tại dự thảo Quy hoạch điện VIII điều chỉnh, Bộ Công Thương đề xuất tổng công suất đặt nguồn điện cả nước đến năm 2030 (không tính nguồn đồng phát, rủi ro) đạt 211.805 MW, tăng hơn 56.000 MW so với Quy hoạch điện VIII đã phê duyệt cách đây gần 2 năm.
Cụ thể, Bộ Công Thương đề xuất nới dư địa phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, điện nhập khẩu... Theo Bộ Công Thương, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2026-2030 khoảng 136-172 tỷ USD, trong đó nguồn điện 118-148 tỷ USD, lưới truyền tải 18-24 tỷ USD. Để đáp ứng nhu cầu vốn lớn, nhà điều hành đặt mục tiêu thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào năng lượng.