Ông Nguyễn Đình Cung: 'Rất khó dự báo trên nền tảng số liệu hiện nay'

'Cần đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế và doanh nghiệp đang rất khó khăn để có giải pháp đúng, trúng và hiệu quả' – TS Nguyễn Đình Cung.

Ông từng dự báo tình hình kinh tế năm 2023 có thể sẽ khó khăn hơn năm 2022. Những số liệu vừa công bố 2 tháng đầu năm nay có nói lên điều đó, thưa ông?

TS Nguyễn Đình Cung: Thông thường nhiều năm nay, sau Tết thì nền kinh tế và doanh nghiệp luôn hồi phục, phát triển mạnh. Tuy nhiên, những số liệu thống kê vừa công bố cho thấy, số doanh nghiệp phá sản đã đạt mức kỷ lục, tăng trưởng công nghiệp giảm sút và xuất khẩu chững lại.

Hiện nay có nhiều đánh giá khác nhau về kinh tế, nhưng tôi cho rằng, cần đánh giá đúng thực trạng nền kinh tế và doanh nghiệp đang rất khó khăn để có giải pháp đúng, trúng và hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp thu hẹp quy mô vì mất hợp đồng, người lao động mất việc làm, doanh nghiệp đang khó khăn về vốn mà chúng ta không đánh giá đúng là tai họa.

TS Nguyễn Đình Cung: Nền kinh tế mở cửa lại sau đại dịch Covid đối diện với hàng loạt mâu thuẫn

TS Nguyễn Đình Cung: Nền kinh tế mở cửa lại sau đại dịch Covid đối diện với hàng loạt mâu thuẫn

Nếu còn có những đánh giá lạc quan như tăng trưởng cao, thu ngân sách lớn, nền kinh tế hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài thì không có giải pháp khơi thông, vực dậy được nền kinh tế.

Đó là chưa kể bối cảnh bên ngoài như lạm phát ở Hoa Kỳ và Châu Âu đã có xu hướng giảm nhưng vẫn ở mức cao; chính phủ các nước vẫn ưu tiên chống lạm phát; tiền tệ và tài khóa vẫn thắt chặt;... đang tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế VN.

Trước mắt, ông thấy những vấn đề gì lạ, mâu thuẫn trong nền kinh tế sau khi mở cửa trở lại?

Nền kinh tế khi mở cửa lại sau đại dịch Covid đang đối diện với hàng loạt mâu thuẫn. Lạm phát ở Việt Nam thấp nhất thế giới, nhưng lãi suất lại cao bậc nhất thế giới.

Kinh tế thực tốt, kinh tế vĩ mô ổn định nhưng thị trường tài chính giảm sâu, chao đảo và đứt gãy, tín dụng khô cạn, nhà đầu tư rời bỏ thị trường và thị trường bất động sản đóng băng.

Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong hai mươi năm qua, nhưng doanh nghiệp thiếu việc làm, công nhân mất việc hoặc giảm việc làm, giảm thu nhập.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn tăng trưởng năng suất lao động cộng với tăng trưởng số lao động trong nền kinh tế là điều rất kỳ dị.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng, hiện nay việc dự báo kinh tế rất khó khăn mà chủ yếu do vấn đề số liệu.

Xin lấy ví dụ về tương quan tăng trưởng GDP và tiêu thụ năng lượng của Việt Nam. Suốt từ 2013-2021, tăng trưởng tiêu thụ năng lượng luôn cao hơn 1,5-2 lần tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, logic này bị phá vỡ năm 2022 khi tăng trưởng kinh tế đạt 8,02% trong khi tăng trưởng tiêu thụ năng lượng chỉ còn 7,05%.

Hơn nữa, về logic tính toán mà nói, chỉ có các ngành tăng hơn 8%, tỷ trọng của ngành đó mới tăng lên, và ngược lại. Tuy vậy, năm 2022 so với 2021 dịch vụ tăng 10%, tỷ trọng lại giảm từ 42,2% xuống còn 41,3%. Trong khi đó, công nghiệp tăng 7,8%, cơ cấu lại tăng từ 36,5% lên 38,3%; Xây dựng chỉ tăng 8,2% nhưng cơ cấu tăng từ 4,5% lên 6,2%; Lưu trú ăn uống tăng 40,6% nhưng cơ cấu không đổi (2,3%). Đây là những tính toán rất khó thuyết phục, thể hiện những số liệu bất thường.

Ông dự báo như thế nào về năm nay trên những nền tảng đó?

Phải nói thật lòng là rất khó dự báo trền nền tảng số liệu như vậy!

Tuy nhiên, trước hết, cần xem xét thực tế là các nước phát triển, những bạn hàng lớn của Việt Nam trong năm 2023 xấu hơn nhiều so với 2022, và 2024 dự báo không tốt hơn đáng kể so với 2023.

Chỉ số sản xuất công nghiệp liên tục giảm từ tháng 9/2022 đến nay mà phần lớn nguyên nhân do giảm cầu nhập khẩu từ bên ngoài. Tôi cho rằng, xu hướng này vẫn tiếp tục và không có cải thiện nhiều dù có hy vọng sẽ tốt lên từ quý II/2023.

Hy vọng năm 2023 giải ngân đúng tiến độ để tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế. Ảnh: Hoàng Hà

Tăng trưởng công nghiệp là một động lực ổn định cho tăng trưởng và dự báo tăng trưởng công nghiệp các quý 2023 liệu có hiện thực?!

Xuất khẩu là một động lực tăng trưởng mà dự kiến tăng chỉ 6% cho năm nay cho thấy tình hình kinh tế thế giới sẽ khó như thế nào.

Tăng trưởng xuất khẩu, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 8-9% và giải ngân đầu tư công sẽ mang tính quyết định đối với mục tiêu 6,5% tăng GDP trong năm 2023. Lạm phát có xu hướng tăng nhưng mục tiêu 4,5% sẽ vẫn nằm trong khả năng kiểm soát của Chính phủ.

Vậy ông nhìn nhận những thách thức chính là gì?

Trước hết, các mô hình kinh doanh mới, nhất là thương mại điện tử sẽ áp dụng nhiều hơn và vẫn tiếp tục tăng trưởng cao. Bên cạnh đó là du lịch quốc tế, nhất là mở cửa du lịch với Trung Quốc sẽ được cải thiện.

Cầu nhập khẩu giảm làm thu hẹp sản xuất trong nước, nhất là các ngành, sản phẩm định hướng xuất khẩu; xuất khẩu và sản xuất công nghiệp vẫn đang xu hướng giảm.

Việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn chưa được cải thiện, lãi suất cho vay không tăng nhưng ở mức cao và không giảm.

Một điều đáng tiếc là thiếu các biện pháp hỗ trợ giảm chi phí, giải quyết khó khăn và tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Sinh kế của một bộ phân dân cư chuyển từ chính thức sang phi chính thức.

Các mục tiêu về kinh tế xã hội có thể quá cao trong điều kiện kinh tế thế giới vẫn khó khăn sang đến năm 2024. Hiện rất cần có những thay đổi mạnh mẽ, nhất quán vừa hỗ trợ mạnh đối với doanh nghiệp và người lao động, vừa giải quyết các vướng mắc thể chế đã tồn tại từ nhiều năm.

Đứng trước những thách thức ông vừa nêu, có thể chờ đợi gì từ phía Nhà nước trong thúc đẩy kinh tế?

Năm nay, chúng ta có 700 ngàn tỷ đồng đầu tư công và 200 ngàn tỷ vượt thu so với năm ngoái. Tôi rất hy vọng số tiền này được giải ngân đúng tiến độ để tăng thêm nguồn lực cho nền kinh tế từ kinh nghiệm nhiều năm trước đây.

Đi ‘năm lần bảy lượt’ mà họ không nhận hồ sơNhiều doanh nhân chia sẻ không ít các cán bộ quản lý không giải quyết vướng mắc cho doanh nghiệp tư nhân đã đành, họ thậm chí không tiếp nhận hồ sơ để ít nhất biết vướng mắc là gì.

Ngân sách mấy năm luôn tăng thu vượt dự toán mà không chi. Cần giảm, miễn thuế, phí cho doanh nghiệp, người dân; ít nhất kéo dài thời hạn hiệu lực của chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Chính sách tiền tệ và quản lý thị trường tài chính cần linh hoạt hơn; không xảy ra tình trạng thiếu thanh khoản trong nền kinh tế. Tuy nhiên, lãi suất tín dụng cơ bản vẫn ở mức cao; tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp vẫn khó khăn.

Điều hành kinh tế vĩ mô hy vọng sẽ trôi chảy hơn, thận trọng hơn; sử dụng công cụ thị trường nhiều hơn là các mệnh lệnh can thiệp hành chính. Tôi hy vọng không sử dụng thanh kiểm tra là công cụ hàng đầu đối với doanh nghiệp.

Điều đáng báo động, lâu nay không có cải cách đáng kể nào về môi trường kinh doanh, thậm chí, các rào cản pháp luật đối với đầu tư kinh doanh có thể gia tăng hơn bớt bỏ. Tôi muốn cảnh báo, đến giờ hầu như không có cơ quan nào đồng hành cùng doanh nghiệp trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc đối với đầu tư kinh doanh.

Lan Anh thực hiện

Lan Anh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-nguyen-dinh-cung-rat-kho-du-bao-tren-nen-tang-so-lieu-hien-nay-2117437.html