Ðồng bào Mông thoát nghèo nhờ Ðề án 2037

Từ 30 đến 40 năm trước, đồng bào Mông di cư từ các tỉnh miền núi, biên giới phía bắc về tỉnh Thái Nguyên cư trú tập trung, xen kẽ ở 47 xóm, bản trên địa bàn. Ðây đều là những xóm, bản vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thiếu các điều kiện thiết yếu để phát triển. Từ năm 2014, tỉnh Thái Nguyên có chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 26 xóm, bản đồng bào Mông có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Ðồng bào xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai đi lại thuận lợi nhờ tuyến đường được sửa mới.

Từ 30 đến 40 năm trước, đồng bào Mông di cư từ các tỉnh miền núi, biên giới phía bắc về tỉnh Thái Nguyên cư trú tập trung, xen kẽ ở 47 xóm, bản trên địa bàn. Ðây đều là những xóm, bản vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn, thiếu các điều kiện thiết yếu để phát triển. Từ năm 2014, tỉnh Thái Nguyên có chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho 26 xóm, bản đồng bào Mông có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Ðầu tư phát triển hạ tầng giao thông

Ngày 14-9-2014, UBND tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 2037/QÐ-UBND phê duyệt Ðề án "Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020" (Ðề án 2037). Tỉnh và các huyện thành lập ban chỉ đạo thực hiện Ðề án 2037, 26 xóm, bản đông đồng bào Mông, có tỷ lệ hộ nghèo từ 45% trở lên được đầu tư hạ tầng, hỗ trợ sản xuất, xây dựng lớp học, công trình nước sạch... Các ngành chức năng, các địa phương phối hợp đồng bộ trong quá trình thực hiện Ðề án cho nên đến nay đã đạt được những kết quả thiết thực, đáp ứng sự mong đợi của đồng bào.

Vào xóm Khuổi Mèo, xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, nơi có đồng bào Mông sinh sống trước đây là đường mòn nhỏ hẹp, qua suối, địa hình đồi núi cho nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là những hôm mưa lũ gặp nhiều khó khăn. Thực hiện Ðề án, năm 2014, tuyến đường vào Khuổi Mèo được mở rộng, đổ bê-tông, đoạn qua suối được xây dựng cầu tràn, kết nối với đường chính, từ đó việc đi lại, vận chuyển hàng hóa thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.

Na Sàng và Phú Thọ là hai xóm đặc biệt khó khăn, có đông đồng bào Mông sinh sống thuộc xã Phú Ðô, huyện Phú Lương, trước đây đường đi lại rất khó khăn, bà con nuôi lợn, sản xuất ngô vận chuyển đi bán phải khênh, gánh rất vất vả. Ông Hoàng Văn Sì từng làm Trưởng xóm Phú Thọ tâm sự: Mỗi khi trời mưa to là nước suối chảy như thác, xóm trở nên biệt lập với bên ngoài, bà con chỉ biết loanh quanh ở nhà. Cân ngô, cân chè chật vật làm ra mà phải bán rẻ như cho vì bị tư thương ép giá. Các hộ trong xóm hầu hết thuộc diện nghèo.

Năm 2014, tỉnh đầu tư đổ bê-tông tuyến đường dài gần 2 km từ trục đường chính vào xóm giúp việc đi lại, mua bán thuận tiện hơn. Tiềm năng, lợi thế của xóm được phát huy. Ðến nay, đời sống của bà con có nhiều đổi thay, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chỉ còn 50%, nhiều hộ đã có thu nhập khá.

Ðường vào xóm Vân Lăng, xã Văn Lăng, huyện Ðồng Hỷ trước đây nhiều dốc cao, nền đường lởm chởm đá, để ra trung tâm xã, bà con phải mất hơn hai giờ đồng hồ đi bộ. Vì thế nông sản làm ra khó tiêu thụ, cuộc sống như một vòng luẩn quẩn tự cung tự cấp, cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng người dân nơi đây. Từ năm 2015, tuyến đường từ xóm Vân Lăng ra trục chính được hoàn thành với tổng kinh phí đầu tư hơn năm tỷ đồng, cuộc sống của bà con nơi đây như sang trang mới. Ông Dương Ðức Lợi, Trưởng xóm Vân Lăng phấn khởi kể: Ngày trước, chúng tôi phải "cõng" ngô đi bộ đến điểm thu mua mà mỗi cân chỉ bán được bốn nghìn đồng, nay ô-tô vào tận xóm mua, giá ngô tăng lên hơn sáu nghìn đồng/kg.

Ðến nay, toàn bộ 15 tuyến đường được xác định đầu tư trong Ðề án đã thi công xong, mặt đường được đổ bê-tông rộng 3 m, dày 18 cm, với tổng chiều dài gần 43 km, được kết nối với đường chính, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con với tổng số vốn đầu tư hơn 76 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, hỗ trợ của doanh nghiệp.

Tạo công ăn việc làm bền vững

Cùng với việc giải quyết nhu cầu đi lại, để tạo công ăn việc làm lâu dài, tỉnh đầu tư hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi cho đồng bào. Thần Sa là xã vùng sâu, vùng xa thuộc huyện Võ Nhai, có đông đồng bào Mông sinh sống chủ yếu trên các sườn núi, rất ít ruộng canh tác, cuộc sống chủ yếu của đồng bào dựa vào việc trồng ngô. Nhưng do tập quán canh tác lạc hậu, dùng giống ngô cũ, thiếu phân bón, năng suất ngô không cao. Thực hiện Ðề án 2037, đồng bào Mông được tập huấn kỹ thuật, được cấp phân bón và giống ngô lai NK 4300, năng suất ngô tăng lên.

Phó Chủ tịch UBND xã Thần Sa Lường Văn Ða cho biết: Từ năm 2014, các xóm, bản trên địa bàn xã thuộc diện thực hiện Ðề án 2037 được đầu tư trồng ngô, hướng dẫn kỹ thuật cho nên đã thay đổi tập quán sản xuất, bãi, nương rẫy trước đây được trồng toàn ngô lai, chăm sóc tốt cho nên năng suất cao, bước đầu hình thành vùng sản xuất ngô hàng hóa tập trung, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 3 đến 4%/ năm.

Ðến năm 2018, đồng bào ở 26 xóm, bản đã được hỗ trợ kỹ thuật, phân bón, giống ngô lai để trồng 3.130 ha ngô với tổng số vốn hơn 23 tỷ đồng. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức trong việc áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để có năng suất cao hơn, khai thác tiềm năng đất đai để tăng vụ, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho đồng bào. Hộ có đủ điều kiện, có nhu cầu, tỉnh hỗ trợ lãi suất vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để chăn nuôi trâu, bò nhằm tận dụng lợi thế về đất đai, nguồn thức ăn tại chỗ và lao động sẵn có. Ðược chăm sóc tốt, trâu, bò đã sinh sản được một, hai lứa, các hộ trả nợ đúng hạn. Bên cạnh đó, được tập huấn kỹ thuật, cấp giống, phân bón, người dân các xóm, bản đã trồng được 40 ha cây ăn quả các loại; tỉnh đã xây dựng 15 lớp học "cắm" xóm, bản nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho con em được đi học gần nhà; tất cả các xóm, bản đều đã có điện lưới quốc gia.

Trưởng ban Dân tộc tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thái Nam đánh giá: "Hầu hết các mục tiêu đề ra đến năm 2020 nêu trong Ðề án 2037 đến nay đã hoàn thành. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của tỉnh, sự vào cuộc đồng bộ, trách nhiệm của các sở, ngành chức năng và các địa phương đối với những xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào Mông sinh sống.

Ðề án được thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế địa phương, được đồng bào đồng tình, hăng hái tiếp nhận, thực hiện, đạt kết quả thiết thực, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, từng bước giúp đồng bào giảm nghèo bền vững". Năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo ở các xóm, bản thực hiện Ðề án 2037 ở huyện Ðồng Hỷ giảm 5,35%, ở huyện Võ Nhai giảm 2,7%, bình quân ở các xã giảm 5,5%.

Bài và ảnh: THẾ BÌNH

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/item/38060602-%C3%B0ong-bao-mong-thoat-ngheo-nho-%C3%B0e-an-2037.html