Omertà: Quy tắc im lặng khét tiếng của giới mafia - Kỳ 1

Theo quy tắc Omertà, bất kỳ ai cung cấp thông tin cho cảnh sát đều bị tra tấn và phải chết, cả gia đình họ cũng vậy.

Kỳ 1: Mở miệng là chết

Đối với các thành viên mafia, quy tắc mà họ sống chết đều phải tuân theo rất đơn giản và chỉ được tóm tắt bằng một từ duy nhất: Omertà. Quy tắc này là: Bất cứ ai dùng luật pháp để chống đồng bọn đều là kẻ ngu ngốc hoặc là kẻ hèn nhát. Ai không thể tự bảo vệ bản thân nếu không có sự bảo vệ của cảnh sát thì vừa ngu ngốc vừa hèn nhát.

Nhiều thế hệ tội phạm người Italy luôn tuân theo Omertà. Ảnh: allthatsinteresting

Nhiều thế hệ tội phạm người Italy luôn tuân theo Omertà. Ảnh: allthatsinteresting

Quy tắc im lặng trước cơ quan thực thi pháp luật này tạo thành nền tảng hoạt động của các nhóm tội phạm có tổ chức ở miền Nam Italy và các chi nhánh. Theo quy tắc vững chắc như sắt đá này, các thành viên mafia bị nghiêm cấm tiết lộ thông tin chi tiết về thế giới tội phạm ngầm cho chính quyền, ngay cả khi họ phải vào tù hoặc chui đầu vào dây thòng lọng.

Trong suốt lịch sử đen tối và bí mật của giới mafia, không ai biết chính xác thời điểm và địa điểm mà quy tắc Omertà xuất hiện. Có thể quy tắc này xuất phát từ một hình thức phản kháng chống các vị vua Tây Ban Nha cai trị miền Nam Italy trong hơn hai thế kỷ.

Tuy nhiên, nhiều khả năng Omertà xuất hiện một cách tự nhiên khi các tổ chức tội phạm thời kỳ đầu bị đặt ngoài vòng pháp luật. Đến đầu thế kỷ 19, Vương quốc Hai Sicilia sụp đổ. Trong tình trạng hỗn loạn sau đó, các nhóm cướp bắt đầu hoạt động như đội quân riêng cho những người có khả năng trả tiền. Đây là quá trình ra đời của mafia và là buổi bình minh của nền văn hóa tôn vinh giới này.

Sau khi miền Bắc và miền Nam Italy hợp nhất thành một vương quốc duy nhất vào những năm 1860, quốc gia tái sinh này đã xây dựng hệ thống tòa án và lực lượng cảnh sát mới. Khi các tổ chức này mở rộng về phía Nam, các gia tộc có tổ chức nhận thấy mình phải đối mặt với những đối thủ mới đầy quyền lực.

Đáp lại, uomini d'onore, tức là “những nhân vật danh dự”, đã áp dụng một nguyên tắc đơn giản, tàn bạo: trong bất kỳ trường hợp nào, không bao giờ cung cấp thông tin cho chính quyền về các hoạt động tội phạm dưới bất kỳ hình thức nào hoặc do bất kỳ ai thực hiện, kể cả kẻ thù truyền kiếp. Hình phạt cho việc vi phạm quy tắc này là tử hình, không có ngoại lệ.

Ngày nay, Omertà không chỉ đơn thuần là giữ kín miệng mà còn gồm một bộ quy tắc bất thành văn phức tạp, quy định về lòng trung thành và phục tùng mafia. Omertà tạo ra bầu không khí sợ hãi và hăm dọa, khiến những nỗ lực của cơ quan thực thi pháp luật nhằm thu thập bằng chứng hoặc thu thập lời khai của nhân chứng chống các tổ chức tội phạm này gần như vô ích.

Mafia ở Sicilia (Italy), còn được gọi là Cosa Nostra, được coi là “hiện thân tinh túy” của Omertà. Nhiều vụ án nổi tiếng cho thấy sức mạnh đáng sợ của quy tắc im lặng.

Gia tộc mafia Camorra ở vùng Campania có phiên bản Omertà riêng, được gọi là “omertà camorrista”. Một ví dụ về hậu quả xảy ra khi phá vỡ quy tắc này là vụ ám sát nhà báo Giancarlo Siani năm 1985. Nhà báo Siani đã vạch trần các hoạt động của gia tộc Camorra và đã phải trả giá đắt cho lòng dũng cảm. Ông bị sát hại dã man vì không chịu giữ im lặng.

Gia tộc 'Ndrangheta ở Calabria cũng nổi tiếng vì tuân thủ nghiêm ngặt Omertà. Trong những năm gần đây, 'Ndrangheta đã khét tiếng trên thế giới khi là một trong những tổ chức tội phạm quyền lực nhất. Một ví dụ rùng rợn là trường hợp của Lea Garofalo, một phụ nữ đã cố gắng trốn thoát khỏi 'Ndrangheta và trở thành người cung cấp thông tin. Thi thể của người này cuối cùng được tìm thấy trong một thùng chứa đầy axit. Vụ việc là bằng chứng kinh hoàng cho sự tàn nhẫn của tổ chức này trong việc thực thi Omertà.

Chương trình bảo vệ nhân chứng của Italy hầu như không mấy thành công do Omertà. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp Italy, từ năm 1987 đến 2019, chỉ có khoảng 30% nhân chứng trong chương trình có liên quan tới các vụ án của mafia. Nỗi sợ bị trả thù tiếp tục cản trở nỗ lực bảo vệ nhân chứng.

Italy luôn có tỷ lệ kết án thấp trong các vụ án liên quan đến mafia, phần lớn là do Omertà. Một nghiên cứu của Viện Thống kê Quốc gia Italy cho thấy, trung bình chỉ có 10% tội phạm liên quan đến mafia bị kết án. Hầu hết các vụ án đều kết thúc bằng trắng án hoặc bị bác bỏ do thiếu hợp tác của các nhân chứng.

Sức mạnh kinh tế và ảnh hưởng của mafia vượt ra ngoài phạm vi tội phạm, lan sang cả các hoạt động kinh doanh hợp pháp và được duy trì nhờ Omertà. Các ước tính cho thấy mafia Italy đã tạo ra doanh thu hàng năm là 150 tỷ euro, tương đương khoảng 9% GDP của Italy. Quy tắc im lặng cho phép các tổ chức tội phạm này xâm nhập vào nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế, như xây dựng, nông nghiệp và tài chính.

Vượt qua Omertà vẫn là một nhiệm vụ khó khăn đối với chính quyền Italy, nhưng nước này đã có những nỗ lực nhằm làm suy yếu sự kiểm soát của mafia đối với xã hội, với các sáng kiến như: liên tục tăng cường chương trình bảo vệ nhân chứng; chiến dịch giáo dục và nâng cao nhận thức để khuyến khích người dân phá vỡ quy tắc im lặng và hợp tác với chính quyền; hợp tác với các quốc gia để chống cá hoạt động mafia xuyên quốc gia…

Dù vậy, Omertà vẫn bám sâu vào cơ cấu xã hội Italy, duy trì quyền lực và ảnh hưởng của các tổ chức tội phạm như Camorra và 'Ndrangheta. Các ví dụ và số liệu thống kê thực tế nhấn mạnh những thách thức mà cơ quan thực thi pháp luật phải đối mặt trong việc phá vỡ quy tắc im lặng này.

Đón đọc kỳ cuối: Những người phá vỡ Omertà

Thùy Dương/Báo Tin tức (Allthatsinteresting)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/omerta-quy-tac-im-lang-khet-tieng-cua-gioi-mafia-ky-1-20240515090937239.htm