Omega 3 có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú

Theo Healthline, một nghiên cứu cho biết chế độ ăn uống giàu omega 3 có khả năng làm giảm nguy cơ mắc ung thư vú, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh bị béo phì.

Ung thư vú là dạng ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ sau ung thư da. Mỗi năm, cứ 3 trường hợp ung thư ở phụ nữ, một ca là ung thư vú và chủ yếu xảy ra ở phụ nữ trung niên trở lên với độ tuổi trung bình 62.

Hiệp hội Ung thư Mỹ ước tính vào năm 2022, 287.850 trường hợp ung thư vú mới sẽ được chẩn đoán và 43.250 phụ nữ sẽ chết vì căn bệnh này.

Nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nguy cơ mắc ung thư vú, trong đó, nghiên cứu cho thấy chế độ ăn uống tác động lớn đến sự phát triển của bệnh. Theo một nghiên cứu mới được công bố gần đây trên tạp chí Menopause, nguy cơ mắc ung thư vú và lượng axit béo không bão hòa đa n-3 (n-3 PUFAs) tỷ lệ nghịch với nhau, đặc biệt ở phụ nữ tiền mãn kinh bị béo phì.

 Chế độ ăn uống tác động lớn tới sự phát triển của ung thư vú. Ảnh: Bayshore.

Chế độ ăn uống tác động lớn tới sự phát triển của ung thư vú. Ảnh: Bayshore.

PUFAs có khả năng ngăn ngừa ung thư vú

Axit béo omega-3 là n-3 PUFA - “chất béo lành mạnh” mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học phân tích 1.589 trường hợp phụ nữ bị ung thư vú và 1.621 người không bị ung thư vú.

Họ đánh giá những đối tượng bị ung thư vú có tiêu thụ n-3 PUFA và so sánh dữ liệu với những đối tượng không bị ung thư vú tiêu thụ n-3 PUFA. Các nhà nghiên cứu cũng xem xét mức độ ảnh hưởng bởi tình trạng mãn kinh, tình trạng thụ thể nội tiết hoặc lượng axit linoleic.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra tiêu thụ n-3 PUFAs cao hơn có liên quan đến việc giảm nguy cơ ung thư vú. Điều này thấy rõ nhất ở phụ nữ tiền mãn kinh và những người có một số loại khối u vú.

Theo báo cáo, với phụ nữ thừa cân hoặc béo phì, việc tăng tiêu thụ n-3 PUFAs giúp giảm nguy cơ ung thư vú. Tuy nhiên, không có mối liên quan đáng kể nào giữa việc giảm nguy cơ ung thư vú ở những phụ nữ có cân nặng khỏe mạnh.

Nguy cơ mắc ung thư vú ở phụ nữ trước và sau mãn kinh

Nguy cơ mắc ung thư vú tăng lên theo tuổi tác, đặc biệt là sau 50 tuổi. Phụ nữ có một số nguy cơ mắc bệnh di truyền sẽ đối mặt với nguy cơ bị ung thư vú cao hơn trước khi mãn kinh. Các yếu tố di truyền, bao gồm tiền sử gia đình mắc bệnh ung thư vú, cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.

Tuy nhiên, không phải mọi phụ nữ trong nhóm tuổi trên đều có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Bác sĩ Thomas Strack, Giám đốc Y tế tại Faeth Therapeutics, bang California (Mỹ), cho biết: “Chỉ 7% trường hợp ung thư vú là ở phụ nữ tiền mãn kinh. Tình trạng ung thư ở nhóm người này có xu hướng bùng phát dữ dội. Nói chung, ở phụ nữ sau mãn kinh, bệnh ung thư thường ít nguy hiểm hơn, khả năng đáp ứng điều trị cũng tốt hơn".

Tuy nhiên, ở phụ nữ sau mãn kinh, nguy cơ ung thư vú tăng lên nếu họ thừa cân và có lượng cholesterol cao, tăng huyết áp hoặc cả hai. Ngoài ra, béo phì, cụ thể là béo bụng, có liên quan đến tình trạng viêm toàn thân cấp độ thấp với sự mất cân bằng giữa các phân tử làm viêm và chống viêm. Điều này cũng có thể góp phần làm tăng nguy cơ phát triển ung thư vú.

Lợi ích của việc thêm nhiều thực phẩm giàu PUFA

BS William Li, nhà nghiên cứu, Chủ tịch và người sáng lập Angiogenesis Foundation và là tác giả cuốn sách best-seller Eat to Beat Disease, giải thích thực phẩm giàu n-3 PUFAs (thường được gọi là omega-3) kích hoạt hệ thống bảo vệ sức khỏe của cơ thể, giúp cơ thể chống lại nhiều loại bệnh.

BS William Li nói trên Heathline: “Thực phẩm giàu PUFA có nhiều lợi ích do tác động của [n-3] PUFA đối với khả năng bảo vệ sức khỏe của cơ thể. Chúng bao gồm các lợi ích về tuần hoàn, chống viêm, tái tạo, chống oxy hóa và hỗ trợ miễn dịch - tất cả đều được cho thấy qua nhiều thập kỷ nghiên cứu".

Ông nói thêm những lợi ích chống ung thư được quan sát có thể là do sự kết hợp của những lợi ích này. Đặc biệt, [n-3] PUFA đã được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và có tác dụng làm “chết đói” các khối u bằng cách cắt nguồn cung cấp máu của chúng.

Theo BS William Li, thực phẩm chứa n-3 PUFA có thể đặc biệt có lợi trong việc chống lại các bệnh liên quan đến sự phát triển quá mức của mạch máu như ung thư hoặc mất thị lực do bệnh tiểu đường và thoái hóa điểm vàng do tuổi tác.

Các loại thực phẩm như cá, dầu thực vật, quả óc chó giàu omega-3. Ảnh: Scitechdaily.

Thực phẩm nào có nhiều PUFAS?

Không bao giờ là quá sớm để bổ sung thêm n-3 PUFA trong chế độ ăn uống của bạn. Thực phẩm giàu omega-3 PUFAs bao gồm cá, dầu thực vật, quả óc chó, hạt lanh và dầu hạt lanh, các loại rau...

Ngoài ra, thực phẩm có nguồn gốc thực vật như quả hạch và hạt có thể cung cấp n-3 PUFA, thường được khuyến khích để cải thiện sức khỏe tổng thể. Một số thực phẩm biển có chứa n-3 PUFA như cá hồi, cá thu và động vật có vỏ… cũng có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Theo BS Monisha Bhanote, người sáng lập và Giám đốc điều hành của WellKula, thực phẩm có nguồn gốc thực vật giàu axit béo omega-3 chẳng hạn quả hạch, hạt và đậu phụ có hàm lượng axit alpha-linolenic (ALA) cao.

Mặt khác, cá ngoài chứa omega-3 ra còn có chứa một lượng cao axit eicosapentaenoic (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA). Hai loại axit này đã được chứng minh là có tác dụng giảm viêm. Do đó, phụ nữ thừa cân hoặc béo phì nếu tăng lượng omega-3 PUFAs có thể giảm nguy cơ ung thư vú bằng cách giảm viêm trong cơ thể.

Nên tiêu thụ bao nhiêu omega-3?

Tùy theo tuổi tác, giới tính cũng như tình trạng sức khỏe và tiền sử bệnh tật, mỗi người sẽ có những khuyến nghị lượng PUFA omega-3 cần tiêu thụ khác nhau.

Vì thế, tốt nhất, chúng ta nên gặp bác sĩ để nhận được khuyến nghị phù hợp cho thực phẩm chứa n-3 PUFA. Tuy nhiên, theo nguyên tắc chung, chất béo, bao gồm chất béo lành mạnh có nguồn gốc từ n-3 PUFA, không nên chiếm nhiều hơn 20% đến 35% tổng lượng calo hàng ngày của bạn.

Nam Giao

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/omega-3-co-kha-nang-lam-giam-nguy-co-mac-ung-thu-vu-post1347203.html