Ôm ấm ức vô nghĩa khi bạn dễ tự ái

Nếu dễ tự ái, bạn cần hiểu rõ nguyên nhân, dấu hiệu cũng như tìm cách ứng phó sớm để tránh rơi vào những tình huống khó xử.

 Người hay tự ái dễ rước căng thẳng vào người. Ảnh minh họa: ANTONI SHKRABA production/Pexels.

Người hay tự ái dễ rước căng thẳng vào người. Ảnh minh họa: ANTONI SHKRABA production/Pexels.

Những người có tính cách tự ái thường suy nghĩ về bản thân thái quá mà dễ sinh ra những cảm giác tiêu cực như khó chịu hay hờn dỗi. Thậm chí, họ còn có thể hướng mọi vấn đề về mình và cảm thấy như bị đánh giá thấp hoặc coi thường.

Theo đó, nếu không biết cách điều hòa cảm xúc và hành xử khéo léo, tuýp người này rất dễ ôm uất ức vào lòng. Kết quả, về lâu dài, họ lẫn người xung quanh có thể rơi vào lo âu và căng thẳng liên tục.

Dưới đây, Verywell Mind tổng hợp những chỉ dẫn hữu ích giúp nhận biết và khắc phục hành vi hay biểu hiện của “tự ái”.

 Có không ít lý do dẫn đến việc một người bị tự ái. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Có không ít lý do dẫn đến việc một người bị tự ái. Ảnh minh họa: cottonbro studio/Pexels.

Nguyên nhân

Quan tâm đến những gì người khác nghĩ về mình là điều bình thường. Tuy nhiên, chuyện sẽ trở nên bất thường nếu điều này gây cản trở đến cuộc sống của chúng ta.

Những nguyên nhân tiêu biểu khiến một người tự ái thái quá:

Suy nghĩ tiêu cực: Mọi người có thể liên tục giằng xé nội tâm khi tự cho rằng bản thân không đủ tốt hoặc luôn có lỗi. Kết quả, khi đối mặt với những bình luận trái chiều, họ dễ dàng tin tưởng và phản ứng lại.

Chấn thương thời thơ ấu: Thiếu vắng tình thương hay thường xuyên bị cha mẹ đổ lỗi từ thuở nhỏ có thể góp phần khiến chúng ta cảm thấy cảm xúc của bản thân đáng bị chế giễu hoặc sỉ nhục.

Lòng tự trọng thấp: Những người có lòng tự trọng thấp đôi khi lo lắng thái quá về những gì người khác nghĩ. Theo đó, khả năng cao họ dễ tự ái.

Rối loạn lo âu: Những người mắc chứng lo âu xã hội cực kỳ sợ bị đánh giá và xấu hổ. Vì vậy, họ dễ hướng mọi thứ về bản thân hơn.

Cầu toàn: Không dễ để những người theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo tiếp nhận việc bị người khác chỉ ra sai sót. Nguyên nhân là họ thường có những tiêu chuẩn không thực sự thực tế trong nhiều khía cạnh cuộc sống.

Căng thẳng hoặc mệt mỏi: Khi tâm trạng không đủ tốt, chúng ta dễ hiểu sai nhận xét hay lời nói của ai đó. Kết quả, chúng ta có thể trở nên khó chịu hay giận dỗi.

Nhạy cảm: Nếu là một người rất nhạy cảm, bạn có thể nhìn nhận mọi việc một cách cá nhân hơn. Theo đó, cảm giác tự ái rất dễ nảy sinh.

 Tần suất suy nghĩ về những cuộc hội thoại đã qua ảnh hưởng đến tâm trạng của một người. Ảnh minh họa: Felicity Tai/Pexels.

Tần suất suy nghĩ về những cuộc hội thoại đã qua ảnh hưởng đến tâm trạng của một người. Ảnh minh họa: Felicity Tai/Pexels.

Dấu hiệu

Nhiều người có xu hướng xem nhẹ những lời khen dù nhỏ nhặt như: “Hôm nay bạn trông đẹp quá”. Song, đôi khi, họ lại lãng phí quá nhiều năng lượng suy nghĩ về những thiếu sót hay khuyết điểm người khác nói đến.

Chẳng hạn, bạn cảm thấy khó chịu khi sếp nói rằng bạn chưa sẵn sàng để đảm nhận dự án lớn hơn.

Ở một góc nhìn khác, lời nói của sếp có thể chỉ là một nhận xét mang tính xây dựng để giúp bạn hiểu rằng mình cần thêm thời gian học hỏi và trau dồi kỹ năng.

Theo đó, để tránh rơi vào những tình huống khó xử tương tự, bạn cần luyện tập nhận thức và chú ý những dấu hiệu nhen nhóm cảm giác tự ái sau đây:

Khó gần và dễ tức giận
Chỉ vui vẻ khi được người khác công nhận
Thường xuyên xin lỗi một cách không cần thiết và luôn muốn làm hài lòng người khác
Không thiết lập hay duy trì ranh giới cần thiết
Sợ nói “không” khi được yêu cầu hay nhờ vả
Tin tưởng và ghi nhớ mọi nhận xét tiêu cực về bản thân
Xem thiếu sót về hành vi là khuyết điểm trong tính cách của chính mình
Bị ám ảnh với các cuộc trò chuyện gần đây đến mức chúng làm cản trở các hoạt động thường ngày.

 Dễ tự ái chưa hẳn là một đặc điểm xấu. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels.

Dễ tự ái chưa hẳn là một đặc điểm xấu. Ảnh minh họa: Polina Tankilevitch/Pexels.

Lợi ích và tác hại

Một số người nghiền ngẫm và suy xét những gì đối phương nói để có thể tìm ra cách ứng xử tốt hơn cho tương lai.

Trong khi đó, một vài cá nhân khác xem điều này như sự nhấn mạnh lên điểm yếu của họ. Ngoài ra, những người mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (obsessive-compulsive disorder) cũng có thể trải nghiệm suy nghĩ tiêu cực tương tự.

Nếu để vấn đề mắc kẹt trong đầu, tâm trạng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Thêm vào đó, điều này còn gây cản trở đến khả năng giải quyết vấn đề cũng như mức độ lo lắng của căng thẳng của mỗi người.

Đồng thời, suy nghĩ thái quá cũng sẽ làm giảm hiệu quả của những biện pháp điều trị tâm lý.

Tuy nhiên, tính dễ tự ái thực chất cũng sở hữu một vài điểm tích cực. Vì nhạy cảm và nhìn nhận mọi thứ cá nhân hơn, gia đình, bạn bè hay những người thân thiết của bạn sẽ ý thức hơn về hành động và lời nói của bản thân. Họ có khả năng sẽ cố gắng hành xử sao cho không làm tổn thương hay làm mất lòng bạn.

Bên cạnh đó, việc cảm xúc dễ bị ảnh hưởng cũng có thể xem là một cách để bản thân trở nên nhân đạo và khiêm tốn hơn. Ngoài ra, vì sẽ phải sống chung và học cách vượt qua những cảm giác khó chịu khi dễ tự ái, bạn có xu hướng trở nên kiên cường và mạnh mẽ hơn.

 Dành thời gian viết ra những suy nghĩ của bản thân có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng và dằn vặt bản thân. Ảnh minh họa: lil artsy/Pexels.

Dành thời gian viết ra những suy nghĩ của bản thân có thể giúp bạn giảm bớt căng thẳng và dằn vặt bản thân. Ảnh minh họa: lil artsy/Pexels.

Khắc phục

Dưới đây là một số mẹo hữu ích giúp bạn điều hòa cảm xúc và không bị ảnh hưởng mỗi khi ai đó hành xử khiến bạn khó chịu.

Viết nhật ký
Tin tưởng vào thế mạnh cá nhân
Ngừng lo lắng về những gì người khác nghĩ
Luyện tập khả năng phục hồi cảm xúc
Yêu cầu đối phương trình bày rõ ràng lời nói của họ
Chấp nhận bỏ qua vì bạn rất có thể đã hiểu sai điều đối phương đang nói
Luyện tập tỉnh thức (mindfulness) để tập trung sống trong hiện tại và giảm bớt căng thẳng
Tích cực khen ngợi và khẳng định bản thân
Thăm khám và điều trị với chuyên gia/bác sĩ tâm lý uy tín.

Thiên Trang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/om-am-uc-vo-nghia-khi-ban-de-tu-ai-post1413154.html