Ocop Lai Châu | Kinh tế | Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Với nhiều tiềm năng, lợi thế về sản xuất nông nghiệp, huyện Than Uyên đang từng bước nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm theo chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) vừa xây dựng, phát triển sản phẩm, vừa xây dựng thương hiệu. Qua đó, khai thác thế mạnh của địa phương, từng bước nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm, tạo đà cho sản phẩm của huyện ngày càng vươn xa.
Nói về tiềm năng, ông Nguyễn Văn Thăng - Phó Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Huyện có diện tích đất tự nhiên 79.252ha và diện tích mặt nước của 2 lòng hồ thủy điện Huội Quảng, Bản Chát trên 9 nghìn ha. Huyện đã hình thành vùng lúa chất lượng cao tập trung với quy mô 1.300ha, 1.342ha chè, cây ăn quả 220ha, cây cao su 1.020ha, quế 682ha, sơn tra 442ha, mắc-ca 969ha. Các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp chú trọng đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng tem, mã vạch sản phẩm một số mặt hàng nông sản (ổi, dâu tây…), xây dựng thương hiệu gạo séng cù Than Uyên. Về thủy sản, toàn huyện có 337 lồng cá (năng suất 2,8 tấn/lồng/năm) và nhiều HTX đứng ra thu mua, chế biến làm thành các sản phẩm như: cá sấy, thịt cá viên, tạo dựng thương hiệu riêng, mang lại nguồn thu đáng kể cho người dân, doanh nghiệp.
Cũng theo ông Thăng, năm 2020, huyện có 8 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-4 sao gồm: gạo séng cù, nếp tan pỏm, gạo tẻ tròn, ổi Hua Nà, ruốc cá lăng, chả cá viên, cá lăng sấy, cá trắm sấy. Huyện vẫn có nhiều sản phẩm đặc trưng thế mạnh, có thể phát triển, nâng cấp thành sản phẩm OCOP trong tương lai như: chanh leo, thảo quả, gà đen, thịt trâu và lợn sấy, các sản phẩm từ chăn nuôi. Tuy nhiên, sản phẩm được sản xuất thủ công chủ yếu có bao bì đơn giản, nhãn mác chưa hoàn thiện, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn; số lượng doanh nghiệp, HTX tham gia sản xuất sản phẩm theo tiêu chí OCOP còn thấp. Bên cạnh một số sản phẩm có sự liên kết giữa khâu cung cấp nguyên liệu với khâu sản xuất, chế biến tốt như: chè Tu San Than Uyên, gạo séng cù, nếp tan pỏm; nhưng ngược lại, một số sản phẩm hoàn toàn chưa có sự liên kết.
Xác định mục tiêu của sản phẩm OCOP là gia tăng giá trị cho cộng đồng địa phương; vì vậy, bước vào năm 2021, huyện đặt mục tiêu xây dựng 13 sản phẩm OCOP 3 sao như: rượu nếp và rượu tẻ Sợi Liễu, mật ong Pha Mu, chè Tu San, khẩu si và khẩu sén Nguyên Bình; giò gà, xúc xích gà, gà đồi Mường Than… Đồng thời, nâng sản phẩm nếp tan pỏm từ 3 sao lên 4 sao. Thực hiện việc này, UBND huyện giao cho Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, đôn đốc các chủ thể có sản phẩm đăng ký, hoàn thiện hồ sơ đánh giá, phân hạng sản phẩm trình hội đồng các cấp thẩm định, phê duyệt. Chỉ đạo các xã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình OCOP, đẩy mạnh công tác tuyên truyền.
Chị Nguyễn Thị Thu Thủy - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện chia sẻ: “Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trọng tâm là sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Với các sản phẩm tham gia OCOP năm nay, phòng phối hợp với các cơ quan liên quan, các xã triển khai đầy đủ kịp thời chính sách hỗ trợ chủ thể. Hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện hồ sơ, xây dựng câu chuyện sản phẩm, xây dựng phương án kinh doanh, mô hình sản xuất. Từ đó, giúp các đơn vị xây dựng sản phẩm OCOP, mang lại thương hiệu riêng cho mỗi sản phẩm”.
Huyện hỗ trợ các chủ thể đẩy mạnh xúc tiến thương mại thông qua các trang thông tin điện tử, hội chợ thương mại, hội thảo sản phẩm, tăng cường giao lưu kết nối sản phẩm tới các thị trường tiêu thụ trong và ngoài huyện. Xây dựng các điểm trưng bày, bán và giới thiệu sản phẩm OCOP tại huyện, thành phố và các địa phương ngoài tỉnh. Huyện hỗ trợ các chủ thể để chuẩn hóa các sản phẩm như hỗ trợ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, nhãn mác; thiết kế website; truy xuất nguồn gốc; hoàn thiện bao bì…
Ông Đỗ Quang Tuyến - Giám đốc Công ty TNHH Tuyền Phương tâm sự: “Công ty đang liên kết với người dân trong sản xuất, tiêu thụ chè. Năm 2021, đơn vị đang xây dựng 2 sản phẩm chè Tu San thượng hạng và Tu San Than Uyên đạt chứng nhận OCOP 3 sao. Hiện, Công ty đang hoàn thiện các tiêu chí, xây dựng câu chuyện, tập trung đầu tư xây dựng nhà máy, tìm kiếm thị trường để tiêu thụ sản phẩm. Khi sản phẩm chè đạt chứng nhận OCOP sẽ là tiền đề quan trọng trong nâng cao giá trị thương hiệu, mang lại giá trị kinh tế từ cây chè và thu nhập cho bà con”.
Thời gian tới, huyện Than Uyên tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP và lồng ghép các nguồn vốn giúp chủ thể đầu tư, bổ sung máy móc, trang thiết bị sơ chế, chế biến, đóng gói nâng cao chất lượng, giá trị của sản phẩm; đồng hành cùng chủ thể quảng bá sản phẩm, hỗ trợ chuẩn hóa các sản phẩm. Với cách làm này, các sản phẩm OCOP của địa phương sẽ khẳng định được tên tuổi trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.