Ô tô tự ý đi vào làn đường khẩn cấp trên đường cao tốc bị xử lý ra sao?

Mới đây, tại cao tốc TP HCM - Trung Lương (đoạn qua TP Tân An), một ô tô chở nhớt bất ngờ bốc cháy, lan dài khoảng 100 m. Khi sự cố xảy ra, một số chủ phương tiện đã vượt phải vào làn đường khẩn cấp. Theo các luật sư, hành vi này không những phạm luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.

Có thể nói, trên một số tuyến đường cao tốc, hiện tượng một số chủ phương tiện đã vượt phải vào làn đường khẩn cấp không phải là chuyện hiếm gặp. Thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện rất nhiều các video, hình ảnh phản ánh về tình trạng ô tô thản nhiên đi vào làn dừng khẩn cấp khi gặp ùn tắc giao thông. Thậm chí, ngay cả khi trên tuyến đường không xảy ra sự cố nhưng nhiều chủ phương tiện vẫn vượt phải, đi vào làn đường này khiến nhiều người tham gia giao thông bức xúc.

Theo quy định, làn dừng khẩn cấp là làn đường ngoài cùng bên phải, được tách biệt bằng vạch liền và thường hẹp hơn các làn đường chính. Tác dụng của làn đường này là để các xe khi gặp sự cố có thể tấp vào lề và dừng lại mà không làm ảnh hưởng đến các phương tiện khác.

Vụ cháy trên đường cao tốc làm tê liệt giao thông trong nhiều giờ liền

Vụ cháy trên đường cao tốc làm tê liệt giao thông trong nhiều giờ liền

Làn đường khẩn cấp chỉ dùng khi tài xế gặp vấn đề sức khỏe hoặc xe gặp sự cố, không phải để tránh tắc đường. Theo Luật Giao thông đường bộ 2008, khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, các phương tiện không được cho xe chạy ở làn dừng xe khẩn cấp và phần lề đường – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Làn dừng khẩn cấp chỉ dùng trong các tình huống "khẩn cấp" của chính người và phương tiện đang lưu thông như xe hỏng (chết máy, nổ lốp, quá nhiệt...), lái xe gặp vấn đề về sức khỏe không thể tiếp tục lái xe...

Ngoài ra, những phương tiện ưu tiên như xe cứu hỏa, cứu thương, xe cảnh sát đang làm nhiệm vụ cũng có thể di chuyển trên làn đường này trong trường hợp khẩn cấp.

Khi trên tuyến đường cao tốc đang lưu thông có 1 xe hoặc 1 số xe gặp sự cố, các phương tiện còn lại cần là đi đúng làn, không được tự ý đi vào làn khẩn cấp vì đây là lúc xe ưu tiên đi vào làn đường này để làm nhiệm vụ.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, về chế tài xử lý đối với phương tiện đi vào làn khẩn cấp sai quy định, Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ, phạt tiền từ 3-5 triệu đồng nếu lái xe cho xe chạy ở làn dừng khẩn cấp hoặc phần lề đường trên cao tốc. Ngoài ra, cá nhân vi phạm còn có thể bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1-3 tháng.

Về cách sử dụng làn dừng khẩn cấp đúng luật, Luật sư Lê Hồng Vân cho rằng, khi di chuyển trên đường cao tốc, gặp tình huống khẩn cấp và muốn dừng lại, người điều khiển phương tiện nên từ từ đánh lái về phía bên phải, đồng thời bật đèn cảnh báo nguy hiểm (nút màu đỏ ngay giữa xe), đặc biệt là vào ban đêm để những chiếc xe ở phía sau biết xe phía trước đang muốn chuyển làn đường. Khi xe dừng hẳn cần tìm số điện thoại khẩn cấp - thường được ghi trên các tấm bảng báo hiệu để liên hệ với dịch vụ cứu hộ.

Dù mức xử phạt khá nặng, song tình trạng các loại phương tiện, thậm chí cả xe cỡ lớn như container, xe tải, xe khách,... chạy vào làn đường khẩn cấp vẫn diễn ra khá phổ biến do ít bị xử lý.

Để đảm bảo an toàn giao thông, mỗi cá nhân điều khiển phương tiện lưu thông trên các tuyến đường cao tốc cần nâng cao ý thức tuân thủ quy định, tránh việc tự ý đi vào làn đường khẩn cấp mỗi khi tắc đường. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát thông qua hệ thống camera và xử phạt nghiêm đối với hành vi vi phạm này để đảm bảo tính răn đe.

H.L

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/o-to-tu-y-di-vao-lan-duong-khan-cap-tren-duong-cao-toc-bi-xu-ly-ra-sao-post503564.antd