Ở ngoài kia, cuộc đời tươi đẹp lắm!
Vừa qua, tại Trại giam Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang), Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam phối hợp tổ chức chương trình 'Thắp sáng ước mơ hoàn lương' với nhiều hoạt động ý nghĩa, nhằm chia sẻ, động viên các phạm nhân cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình, hòa nhập với cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội…
Giúp phạm nhân có nghị lực, ý chí vươn lên
Tham dự chương trình có bà Vũ Thị Loan, Phó Vụ trưởng Vụ Đoàn thể Ban Dân vận Trung ương; Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục C10 Bộ Công an; ông Nguyễn Kim Quy, Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam... Cùng dự có gần 700 phạm nhân trong độ tuổi thanh niên của Trại giam Ngọc Lý.
Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” trao tặng 400 suất quà cho phạm nhân có hoàn cảnh khó khăn, rèn luyện, cải tạo tốt. Trao tặng 1 tủ sách với 500 đầu sách cho các cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân; tặng 1 công trình thanh niên trị giá 100 triệu đồng; khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp phát thuốc miễn phí cho 200 phạm nhân đang thi hành án tại trại giam Ngọc Lý.
Chương trình là hoạt động cụ thể hóa công tác phối hợp giữa Trung ương Hội LHTN Việt Nam và Bộ Công an về việc giáo dục, cải tạo, giúp đỡ phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025; góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc.
Trong thời gian qua, các cấp bộ Đoàn, Hội trên cả nước triển khai với hình thức phong phú và nội dung thiết thực, hiệu quả như: tọa đàm, tư vấn pháp luật, khám bệnh, tư vấn sức khỏe, tặng quà, cấp phát thuốc miễn phí; giáo dục, giúp đỡ phạm nhân trong độ tuổi thanh niên tái hòa nhập cộng đồng, Diễn đàn “Thanh niên sống đẹp, sống có ích”, “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”...
Ông Nguyễn Kim Quy, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam cho biết: Chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” cấp Trung ương năm 2023 nhằm góp phần xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện trong các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc; giúp phạm nhân, trại viên trong độ tuổi thanh niên có niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên, tích cực học tập, lao động cải tạo tiến bộ, sớm trở thành người có ích cho xã hội.
Hơn nữa, qua các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, phạm nhân, trại viên độ tuổi thanh niên vừa được tiếp xúc môi trường lành mạnh, rèn luyện thể chất, xóa bỏ mặc cảm, yên tâm cải tạo, sớm hòa nhập với cộng đồng. Đồng thời, các phạm nhân có cơ hội được tư vấn, trợ giúp pháp lý, tâm lý, kỹ năng sống, chăm sóc sức khỏe, cai nghiện ma túy.
Theo ông Quy, thời gian qua, hoạt động hướng nghiệp dạy nghề cho phạm nhân, thanh niên ra tù được quan tâm. Nhiều phạm nhân sau khi ra tù được trang bị về kiến thức nghề, được giúp đỡ, vay vốn, hướng dẫn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; qua đó đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của các cán bộ, hội viên, trại viên trong công tác giáo dục, giúp đỡ phạm nhân cải tạo, hoàn lương.
Thông qua chương trình, ý thức chấp hành án phạt và tham gia cải tạo của các phạm nhân cũng được nâng cao. Nhiều phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù đã nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với cộng đồng; chủ động phòng ngừa, tích cực đấu tranh, bài trừ các tệ nạn xã hội…
Thiếu tướng Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng C10 Bộ Công an cho biết: Chương trình của Bộ Công an và Trung ương Hội LHTN Việt Nam đã vận động được nhiều nguồn lực xã hội, phát huy vai trò nòng cốt của Hội LHTN Việt Nam các cấp và thanh niên. Theo đó, có nhiều mô hình, nhiều chương trình thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng trong công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, đặc biệt là phạm nhân trong độ tuổi thanh niên. Qua đó, phạm nhân có niềm tin, nghị lực, ý chí vươn lên, có hoài bão, ước mơ, tích cực học tập cải tạo, sớm tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm tội.
Ông Hùng cũng chia sẻ, chương trình có nhiều hoạt động bổ ích như thăm khám sức khỏe, cấp thuốc; hoạt động văn hóa, văn nghệ, giao lưu, tặng quà, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hướng dẫn kỹ năng sống, kỹ năng sinh hoạt tái hòa nhập cộng đồng. “Tất cả các hoạt động của chương trình thể hiện lòng nhân ái, tính nhân văn, thiết thực; thể hiện sự quan tâm, trách nhiệm của Hội LHTN Việt Nam và Bộ Công an… trong công tác giáo dục phạm nhân trong độ tuổi thanh niên”...
Cảm hóa từ trách nhiệm xã hội, lòng nhân ái
Tại chương trình, các phạm nhân đã tham gia Tọa đàm “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”. Tọa đàm nhằm chia sẻ sự quan tâm của toàn xã hội, của Đảng, Nhà nước, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội với công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân và giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.
Các phạm nhân được tham gia Diễn đàn đối thoại với mục tiêu liên kết nguồn lực từ xã hội để phối hợp các chương trình, xây dựng nội dung đào tạo, hướng nghiệp, thiết kế và số hóa chương trình giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, phạm nhân trong độ tuổi thanh niên...
V.L.A (24 tuổi, ở Ninh Bình), nữ phạm nhân cải tạo tiến bộ tại trại giam. L.A xúc động chia sẻ, thời gian chấp hành án tại Trại giam Ngọc Lý, điều duy nhất mà chị tự dặn bản thân là cố gắng cải tạo thật tốt vì chính bản thân mình. Ngày mới bước chân vào cánh cổng trại giam, L.A cảm thấy suy sụp, không còn niềm tin vào cuộc sống. Nhưng may mắn, các cán bộ quản giáo đã trao cho chị niềm tin, giúp chị tìm hiểu thêm về pháp luật, chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và được học thêm nghề.
Nguyện vọng của L.A sau khi trở về với gia đình và xã hội là được gia đình, người thân, xã hội công nhận, được cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp tạo điều kiện hòa nhập cộng đồng, có công ăn việc làm, có thu nhập, ổn định cuộc sống.
Theo L.A, trước kia nghe lời bạn bè rủ rê và phải trả giá bằng bản án ba năm bốn tháng tù với tội danh mua bán trái phép chất ma túy. Ở trong trại giam, điều khiến chị thấy day dứt chính là nghĩ về gia đình, người thân. Cũng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà đông con nên bố mẹ không có điều kiện để đến thăm con gái.
Thế rồi, chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương” đã mang đến cho chị món quà bất ngờ với sự xuất hiện của người cha. Ông V.X.T động viên con gái cố gắng cải tạo thật tốt để về lại với vòng tay thương yêu, chờ mong của gia đình, trở thành công dân có ích cho xã hội.
Bà Dương Thị Minh Thủy cán bộ quản giáo, Phân trại số 1 chia sẻ: Ngay từ khi phạm nhân mới nhập trại, Ban Giám thị cùng cán bộ đã tổ chức các lớp học tìm hiểu nội quy trại giam, các quy định của pháp luật. Song song với đó, tổ chức các lớp học nghề và hoạt động văn hóa văn nghệ. Qua đó, giúp phạm nhân xóa bỏ mặc cảm, dần dần chấp hành nội quy của trại.
Theo phạm nhân T.N.Đ (32 tuổi, Bắc Ninh), trong thời gian chấp hành án phạt tù, anh được học thêm nghề như làm mi giả, đan chiếu trúc, học may… Chưa kể, những cuốn sách hướng thiện đã giúp anh nhận ra được những lỗi lầm phạm phải, từ đó thay đổi được nhận thức, suy nghĩ của mình…
Đồng thời cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân Trại giam Ngọc Lý có dịp giao lưu văn hóa, văn nghệ với nghệ sĩ Xuân Bắc và các thành viên Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ Việt Nam. Nghệ sĩ Xuân Bắc với hình ảnh chiếc mũ cối hóa thân trở lại với bóng dáng vai diễn phạm nhân “Núi” trong bộ phim “Sóng ở đáy sông” với những chia sẻ xúc động: “Tất cả phạm nhân đều là những người tốt. Chỉ vì lý do nào đó mà cần phải chấp hành án để sửa lỗi. Hãy cải tạo thật tốt, nhanh chóng trở về với gia đình”.
NSƯT Xuân Bắc bày tỏ, ai cũng mong muốn là người tốt, người có ích được mọi người tin yêu, ngưỡng mộ. Thế nhưng trong cuộc sống, đôi khi vì sự bồng bột, bốc đồng khiến chúng ta phải trả giá.
Qua những câu chuyện được chia sẻ và những kỷ niệm từ những lần tham gia chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương”, NSƯT Xuân Bắc mong muốn các phạm nhân, nhất là các phạm nhân trong độ tuổi thanh niên hãy trân trọng tình cảm gia đình; lấy gia đình làm động lực để cải tạo. “Các bạn cải tạo thật tốt, thật nhanh để về với gia đình vì gia đình là điều rất thiêng liêng quý giá” Xuân Bắc chia sẻ. Đồng thời nghệ sĩ bày tỏ mong muốn các phạm nhân hãy tin cuộc sống ở bên ngoài rất tươi đẹp, hãy nhân lên những phần tốt đẹp của bản thân đang có bằng những hành vi, hành động để tô điểm thêm cuộc sống. Nghệ sĩ Xuân Bắc cũng tiết lộ, sắp tới sẽ có một vở kịch mang tên “Đời có đợi anh không?”, biểu diễn phục vụ các phạm nhân tại các trại giam, trại tạm giam…
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/o-ngoai-kia-cuoc-doi-tuoi-dep-lam-post471844.html