Nuôi dưỡng những ký ức

Ký ức là những thứ đã qua. Người hoài niệm luôn cất nó ở một 'gian phòng' đặc biệt trong tâm hồn. Số khác cho nó là những thứ quá vãng, lưu luyến làm chi. Nhưng, thử hỏi cuộc đời sẽ thế nào nếu những ký ức về gia đình không tồn tại, ngay cả khi nghĩ về nó với những niềm đau đáu.

1. Cô em họ tôi rời quê hương từ khi học xong lớp 12, nay cũng hơn 20 năm. Vài năm sau đó, cả gia đình cũng di cư vào Biên Hòa rồi ở biệt trong đó, coi như quê hương thứ 2. Bữa nọ, trong chuyến trở về thăm quê, hình ảnh em chia sẻ trên Facebook đập vào mắt tôi là ngôi nhà xưa gia đình 7 thành viên từng sinh hoạt, giờ hoang tàn, mái nhà xiêu vẹo, khu vườn xơ xác thân cau, bóng dừa.

“Nhà tan hoang ngói phai màu/ Nhện giăng tơ kín căn gác cao/ Tuổi thơ ngày xưa tìm đâu thấy/ Người về trong dạ bỗng nao nao”. Những vần thơ cất lên nghe sao mà buồn thế. Tôi chỉ lặng lẽ quan sát và đọc thật kỹ từng dòng bình luận với cảm giác tiếc, nhớ và buồn của cả người trong cuộc và những người bạn của em. Dẫu sao, đó cũng là một phần trong ký ức tuổi thơ của những ngày xa vắng.

Đó là khoảng thời gian mỗi góc sân phủ đầy rêu phong, khóm hoa hồng phai luôn nở rộ trong vườn, bụi thủy tiên với bông hoa trắng muốt, cây dừa nghiêng nghiêng, nhành cọ xòe tán lá rộng… Tấm hình gia đình với đầy đủ thành viên còn đó, nhưng cả khoảng trời và mái nhà xưa giờ chỉ có trong tiềm thức. Tôi hỏi chuyện, em nói khi vật đổi sao dời, mọi thứ diễn ra với gia đình mình, với nếp nhà xưa ấy phải chấp nhận.

Thực tế của hiện tại là viễn cảnh tất cả thành viên trong gia đình đều đã lường trước khi bước chân ra đi. Ngôi nhà sẽ không còn là nhà nếu thiếu vắng hơi ấm của con người. Huống hồ, khi cả gia đình chấp nhận tha phương nơi xứ người, để mặc không gian lạnh lẽo không người thăm viếng, nếu có cũng chỉ đôi lần thoáng qua mỗi năm, sự xuống cấp ấy là tất yếu.

Cũng vì xác định được điều đó, nên những lần hiếm hoi về thăm quê, dù không còn được đứng dưới mái hiên nhà hay bước vào để ngắm nhìn những mảng tường chứa đầy kỷ niệm, nỗi buồn vẫn ở đó nhưng vẫn ánh lên đâu đó niềm vui khi nhớ về nó. Bởi, ký ức xưa vẫn vẹn nguyên.

Góc nhà xưa luôn chất chứa đầy ký ức. Ảnh: XUÂN THÂN

Góc nhà xưa luôn chất chứa đầy ký ức. Ảnh: XUÂN THÂN

2. Lại nói về những câu chuyện quê, với những người xa xứ, ký ức là những thứ theo chân ta đến mọi vùng miền. Dẫu có những lúc nó chập chờn, nhớ nhớ rồi quên quên bởi cái nhộn nhịp, xô bồ của nhịp sống đô thị phần nào khiến người ta phải vật lộn với cơm - áo - gạo - tiền. Nhưng, hầu như ký ức chẳng bao giờ mất đi, ngay cả khi người ta cố tình quên nó, chôn giấu nó thật chặt bởi những niềm đau trong quá khứ.

Như cô bạn tôi kể, dẫu có đi xa đến mấy nhưng vị bún ngan ở chợ phố huyện, mà có khi cả năm trời mới được theo chân mẹ thưởng thức, chưa bao giờ quên. Vậy nên, lần nào có cơ hội về quê, bạn cũng phải tìm đúng địa chỉ năm xưa để ăn cho bằng được, dù ai cũng hiểu theo thời gian, vị giác của chính chúng ta và vị của cả món ăn thay đổi ít nhiều.

Lại có món bánh hòn dân dã, cắn một miếng cảm nhận được vị bột dẻo thơm quyện trong vị béo của nhân thịt được mẹ và các dì làm trong những ngày mưa với đôi tay thoăn thoắt lăn cho bánh thật tròn khi bột còn nóng. Trái mít non vặt trộm nhà hàng xóm chấm muối trắng. Củ khoai lang bới ngoài đồng, lau vạt áo cho sạch đất rồi cứ thế ăn.

Những con cá rô bắt được sau hàng giờ lấm lem bùn đất tát nước, đắp bờ. Những trái tầm bóp chín mọng giấu trong chiếc túi cước đi học. Ngày rét căm căm là những quả gạo nở bông trắng, mềm, mịn… Nếu để kể về những ký ức tuổi thơ như thế, có lẽ chẳng bao giờ hết.

3. Tôi có nhóm bạn học chung với nhau từ thời mẫu giáo, dù sau này lên cấp 2, cấp 3, mỗi đứa một lớp và giảng đường đại học không phải ai cũng có cơ hội học lên. Nhưng rồi cái duyên đưa chúng tôi cùng lập nghiệp ở TPHCM, mỗi lần tụ tập nhau, chủ đề duy nhất là những câu chuyện xưa.

Thôi thì đủ thứ chuyện trên trời, dưới đất được kể lại. Những ký ức đã qua mấy chục năm nhưng vẫn là bến đỗ để mỗi người quay về nương náu, coi nó như trạm dừng chân của ký ức. Tuổi thơ xưa nghèo khó: bắt cá, tắm sông, cắt cỏ, chăn trâu, uống nước lã, ăn ổi xanh… nhưng lại chính là môi trường để rèn luyện.

Bạn tôi nói, những câu chuyện ấy cũng được kể lại cho con mình, để chúng thêm hiểu về ông bà, cha mẹ, về nơi chôn rau cắt rốn. Có thể, những khác biệt quá lớn về thế hệ và tuổi thơ con ngày hôm nay sẽ không có những trải nghiệm như thế. Nhưng, trong những ký ức ấy nhiều hạt mầm thiện về lòng tử tế, sự trong trẻo tuổi thơ, ý chí vượt khó, sự biết ơn, tình thân gia đình… sẽ dần được gieo vào lòng con trẻ để chúng thêm trân quý, gắn kết sợi dây tình thân.

Ai cũng mong có một nơi gọi là quê hương để trở về. Nhưng ngay cả khi “quê hương khuất bóng hoàng hôn”, lật mở từng trang ký ức sẽ thấy lòng mình như được lắng lại, trước khi trở lại cuộc sống với những vòng quay thường nhật.

MINH KHÔI

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nuoi-duong-nhung-ky-uc-post708904.html