Nước mắt người cha

Người đàn ông năm nay ngoài 70 - là đại diện hợp pháp của bị cáo - có khuôn mặt khắc khổ. Suốt từ đầu đến cuối phiên tòa, ông chỉ có một dáng ngồi nghiêng, gương mặt hướng ra phía ngoài cửa. Rất hiếm khi ông nhìn lên phía HĐXX và con trai mình. Hình như ông sợ vì trong cuộc đời mình, đây là lần đầu tiên ông có mặt nơi này và vì ông không dám đối diện với những điều mình đã từng lo sợ từng ngày, từng đêm giờ đã hóa thành sự thật.

 Do không được điều trị và quản lí chặt chẽ, nhiều người bị bệnh tâm thần đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội

Do không được điều trị và quản lí chặt chẽ, nhiều người bị bệnh tâm thần đã có hành vi nguy hiểm cho xã hội

Người đàn ông này sinh ra và lớn lên ở một vùng quê của huyện Hải Lăng. Lập gia đình với một người phụ nữ cùng quê, vợ chồng ông sinh được 4 người con, 1 gái, 3 trai. Cuộc sống của gia đình ông, dù không mấy khá giả những cũng êm đềm trôi như bao gia đình khác ở quê. Tai họa chỉ thực sự bắt đầu khi con trai đầu của ông phát bệnh vào năm học lớp 6. Ban đầu chỉ là những lời nói vô nghĩa, rồi ánh mắt con trai dại dần, rồi sau đó là những bước chân lang thang, vô định cả đêm lẫn ngày. Vợ ông sau đó cũng phát bệnh tâm thần, nói năng lảm nhảm suốt ngày khiến gánh nặng bỗng chốc ập hết lên vai ông. Thương con, ông khăn gói đưa con vào bệnh viện ở Huế, Đà Nẵng để chữa trị nhưng bệnh tình không thuyên giảm, một phần lí do là ông không đủ kinh phí để theo chữa trị cho dứt điểm.

Giờ nghị án, ông không đến gần con mà thơ thẩn ra trước cổng tòa đứng một mình. Trong hồi ức xa xăm của mình, ông nhớ con trai ông hồi đó gương mặt sáng, hiền lành và hiếu thảo. Từ lúc nhỏ, con ông đã biết phụ ba mẹ việc đồng áng và rất đông bạn bè. “Năm lớp 6, con trai tui đi chăn bò, lỡ cho bò vào ăn khoai ở vườn người ta, bị phát hiện nên chủ vườn dùng dây thít cổ đến nghẹt thở. Bệnh của con tui có khi do rứa cũng nên. Còn vợ tui, thấy con bệnh nên đổ bệnh theo. Bằng tuổi con trai tui bây giờ ở làng đều đã lập gia đình, mỗi lần thấy bạn nó có vợ con đuề huề là tim tui thắt lại”, ông nói.

Mới đây, nghe thông tin ở Đông Hà có trung tâm nuôi dưỡng và chăm sóc bệnh nhân tâm thần, ông định sắp xếp thời gian đưa con ra điều trị một thời gian xem sao nhưng chưa kịp thực hiện thì con ông đã gây tội. “Bệnh gì lạ kì lắm cô ơi, đêm nào nó cũng đi. Có đêm, con trai tui trộm liền mấy chiếc xe máy, đi hết xăng vứt lại lấy xe khác đi. Ở quê, mọi người cũng sơ sài trong việc quản lí tài sản nên gặp gì nó lấy nấy”, ông tiếp tục kể về con trai mình. Nếu chỉ dừng lại việc ăn cắp vặt thì không nói làm gì, đằng này con trai của ông đã phạm tội giết người, xuất phát từ việc bị người khác xúc phạm khi phát hiện lấy trộm tiền của họ. Cơn ấm ức của một người bị bệnh tâm thần bùng phát khiến bị cáo đem xăng đến tận nhà thiêu cháy người phụ nữ trên 70 tuổi, sống một mình. Trong đêm hôm đó, bị cáo còn đi lang thang qua nhiều địa bàn để trộm cắp tài sản xong mang nộp tất cả cho cơ quan công an. Bị hại đã mất sau đó không lâu.

Tại phiên tòa, đại diện của bị hại yêu cầu: Xử đúng theo pháp luật để trả lại cho xóm làng sự bình yên. Dường như sợ mọi người không hiểu, người đó giải thích, yêu cầu xử nghiêm thì không đành nhưng giảm nhẹ hình phạt lại không muốn. Bởi lẽ, nếu bị cáo còn sinh sống ở địa phương ngày nào thì người dân bất an ngày đó, rồi chưa biết sẽ có tai họa nào xảy ra khi bệnh tật chưa được chữa trị. Khổ nỗi, bệnh mà người dân ở trong làng nghĩ bị cáo mắc phải là bệnh “ma”. “Chỉ có ma mới rình mò, đi hết nơi này sang nơi khác như vậy. Tui là cháu ruột của người bị đốt, rất gần gũi dì mà chưa bao giờ biết dì có tiền, cất giấu ở đây. Vậy mà nó (bị cáo) biết mới tài, như có ma méc vậy”, một người cháu của nạn nhân nói. Làng xóm cứ đồn thổi, trách cứ khiến người cha cũng nghĩ con mình bị “ma” ám, mời thầy về cúng cho con mất vài chục triệu đồng. Ông ngân ngấn nước mắt: Ai lâm vào tình cảnh này mới biết cực khổ trăm đường. Hàng xóm cứ trách tui đẻ ra mà không biết dạy con, không biết canh chừng nó. Mà tui canh có được đâu, nó không phải là người bình thường. Nghe ai kêu mất cái gì là tui đi đền cái đó, có thì đền một lần, không thì góp dần vì vụ to, vụ nhỏ gì đều do thủ phạm là thằng con của mình gây ra.

Thực ra, mọi người không hiểu căn nguyên dẫn tới hành vi của bị cáo là do bị tâm thần phân liệt, phải điều trị và uống thuốc đều đặn mỗi ngày thì bệnh mới thuyên giảm. Ba của bị cáo nói rằng vì con thường bỏ đi nên ngày uống, ngày không cho dù đã được cấp thuốc hơn 10 năm nay. Hiện chưa có quy định về việc yêu cầu chữa bệnh bắt buộc đối với người bị bệnh tâm thần trong trường hợp chưa có hành vi nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, phần lớn bệnh nhân có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì thường vẫn sinh hoạt tự do, không có người quản lí, ngoại trừ gia đình. Nếu trong trường hợp gia đình không phát hiện hoặc ngăn chặn kịp thời trường hợp người tâm thần phát bệnh và có những hành vi vi phạm pháp luật, thì rất dễ dẫn đến những vụ việc đau lòng. Đây cũng chính là mối tiềm ẩn gây ra nguy hiểm cao độ cho xã hội, mà vụ án này là một ví dụ.

Khi tòa tuyên con trai 20 năm tù, người cha đứng dậy gạt nước mắt đi nhanh ra bên ngoài. Ông đi lấy phần quà đã chuẩn bị sẵn rồi ra đứng đợi ở xe dẫn giải phạm nhân. Âu lo đã trĩu nặng trong lòng ông hơn 10 năm nay, giờ thêm bản án này hẳn sẽ quá sức chịu đựng với người đàn ông đã quá tuổi 70. Nhưng trong ông bây giờ chỉ nghĩ được một điều: Con tui vào trong đó có khi tốt hơn cho nó, cho hàng xóm và cả gia đình. Nó sẽ bớt đi lang thang, bớt gây hậu họa cho người khác. Chỉ sợ rằng, khi nó trở về tui không còn sống để lo cho đứa con tội nghiệp này trong phần đời còn lại…

Phan Hoài Hương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=75&modid=422&itemid=143715