Bộ Công an đề xuất phạm nhân dưới 18 tuổi được gọi điện thoại có hình ảnh với người thân
Theo Bộ Công an, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được thực hiện cuộc gọi có hình ảnh với thân nhân không quá 4 lần/1 tháng, mỗi lần không quá 10 phút và tự chịu chi phí.
Dự thảo Luật Thi hành án hình sự sửa đổi quy định chế độ gặp, liên lạc điện thoại với thân nhân của phạm nhân dưới 18 tuổi.
Theo đó, phạm nhân là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân không quá 3 lần trong 1 tháng, mỗi lần gặp không quá 3 giờ. Căn cứ kết quả xếp loại chấp hành án, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Giám thị trại giam quyết định kéo dài thời gian gặp nhưng không quá 24 giờ.
Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 1 lần trong 1 tháng.
Phạm nhân là người dưới 18 tuổi được liên lạc bằng điện thoại trong nước hoặc thực hiện cuộc gọi có hình ảnh với thân nhân không quá 4 lần trong 1 tháng, mỗi lần không quá 10 phút và tự chịu chi phí.
Giám thị trại giam, Giám thị trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xem xét, quyết định về hình thức liên lạc của phạm nhân và tổ chức kiểm soát việc liên lạc này.
Nhà nước khuyến khích thân nhân của phạm nhân là người dưới 18 tuổi quan tâm gửi sách vở, đồ dùng học tập, dụng cụ thể dục, thể thao, vui chơi, giải trí cho phạm nhân.
Ngoài nội dung trên, Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ gặp thân nhân, liên lạc, nhận quà của học sinh trường giáo dưỡng.
Cụ thể, học sinh được gặp thân nhân không quá 3 lần trong 1 tháng, mỗi lần gặp không quá 3 giờ. Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh, yêu cầu giáo dục cải tạo, thành tích lao động, học tập của phạm nhân, Hiệu trưởng quyết định kéo dài thời gian gặp nhưng không quá 24 giờ; học sinh được khen thưởng thì được gặp thân nhân thêm 1 lần trong 1 tháng;
Học sinh được liên lạc bằng điện thoại trong nước với thân nhân không quá 4 lần trong 1 tháng, mỗi lần không quá 10 phút, có sự giám sát của cán bộ trại giam và tự chịu chi phí.
Đặc biệt, dự thảo Luật Luật Thi hành án hình sự sửa đổi còn bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã trong quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù.
Cụ thể, Ủy ban nhân dân cấp xã được giao quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Lập hồ sơ, tổ chức quản lý người được hoãn chấp hành án phạt tù; bàn giao hồ sơ cho cơ quan thi hành án hình sự có thẩm quyền theo quy định của Luật này;
Yêu cầu người được hoãn chấp hành án phạt tù thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình; có biện pháp giáo dục, phòng ngừa khi người đó có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
Giải quyết cho người được hoãn chấp hành án phạt tù được thay đổi nơi cư trú, nơi làm việc theo quy định của Luật này và pháp luật về cư trú;
Phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội, gia đình và cơ quan, tổ chức nơi người được hoãn chấp hành án phạt tù cư trú trong việc quản lý người đó…