'Thủ phủ' của đồng hồ giả
Theo một báo cáo gần đây, nước Anh được chỉ ra là trung tâm của đồng hồ 'fake'. Số lượt tìm kiếm liên quan đến phụ kiện cổ tay giả ở đây vượt trội so với các quốc gia khác.
Một báo cáo của nền tảng mua sắm đồng hồ Watches2U chỉ ra nhiều thông tin đáng chú ý về thị trường phụ kiện cổ tay giả. Cụ thể, nước Anh trở thành tâm điểm của hoạt động tìm kiếm trực tuyến về đồng hồ nhái.
Một thống kê hồi năm ngoái cũng cho biết hơn 1 triệu cỗ máy thời gian giả đang lưu hành tại Anh, chiếm đến 35% thị trường đồng hồ nhái trên toàn thế giới. Những con số biết nói này chỉ ra vấn nạn hàng giả hàng nhái đáng lo ngại trong lĩnh vực thời trang xa xỉ, theo Fashion United.
Thị trường đồng hồ giả sôi động tại Anh
Theo báo cáo của Watches2U, nước Anh đứng đầu danh sách các quốc gia sở hữu lượt tìm kiếm về đồng hồ giả nhiều nhất. 1.500 lượt tìm kiếm hàng tháng cho các cụm từ, thuật ngữ liên quan đến phụ kiện cổ tay nhái được ghi nhận.
Con số này vượt xa các đất nước khác như Mỹ và Ấn Độ với 1.150 và 300 lượt tra cứu hàng tháng. Sự chênh lệch trở nên rõ rệt hơn khi tính đến quy mô dân số.
Mặc dù có dân số ít hơn Mỹ khoảng 5 lần, nước Anh vẫn ghi nhận tỷ lệ lượt tìm kiếm cỗ máy thời gian "fake" cao hơn 23%. Trong khi đó, nước Pháp với quy mô dân số tương tự Anh lại sở hữu lượt tra cứu liên quan đến đồng hồ nhái thấp hơn đến 1.150%.
Những phát hiện này cho thấy mối lo ngại gia tăng trong lĩnh vực hàng thời trang xa xỉ, đặc biệt ở thị trường Anh. Khi nhu cầu về đồng hồ cao cấp của khách hàng tăng cao, sự tinh vi của hoạt động làm giả cũng tăng theo.
Thị trường đồng hồ giả được ước tính thu về khoảng 1 tỷ USD/năm. Con số này gần bằng 1/20 so với ngành đồng hồ Thụy Sĩ hợp pháp. Thêm vào đó, hàng giả ngày càng được chế tác tỉ mỉ đến mức khó có thể phân biệt với đồ thật. Thậm chí, người dùng còn phải dùng đến kính lúp để nhận ra sự khác biệt.
Dấu hiệu nhận biết đồng hồ giả
Để ứng phó với thị trường đồ nhái ngày càng sôi động, các chuyên gia của Watches2U cũng đề cập đến một số phương pháp phân biệt hàng thật - hàng giả.
Một số dấu hiệu của đồng hồ giả bao gồm lỗi chính tả trên mặt số, logo lệch tâm và mặt số phụ không hoạt động. Tuy nhiên, đây chỉ là những dấu hiệu cơ bản, không thể đối phó với các trường hợp làm giả tinh vi.
Vì vậy, nền tảng mua sắm này kết luận rằng khách hàng cần đề cao cảnh giác, đồng thời trang bị đầy đủ kiến thức trước khi mua sắm những món phụ kiện cổ tay đắt đỏ.
Dưới đây, FashionBeans tổng hợp chỉ dẫn của những chuyên gia hàng đầu giúp người tiêu dùng nhận biết nhanh chóng mẫu đồng hồ giả, kém chất lượng.
Tìm người bán uy tín: Thực tế, đồng hồ mua về khó đảm bảo uy tín trừ trường hợp người bán hay cửa hàng có liên kết với thương hiệu gốc.
Vì vậy, người mua nên hỏi về giấy phép của nơi bán, đồng thời kiểm tra trang web chính thức của hãng đồng hồ để biết thêm thông tin chi tiết. Đôi khi, bỏ thêm một số tiền để sở hữu sản phẩm từ đại lý ủy quyền xứng đáng hơn từ những nơi bán không rõ nguồn gốc.
Cảnh giác: Hiện nay, đồng hồ được xem là khoản đầu tư thông minh vì sở hữu giá trị cao trên thị trường. Vì vậy, người dùng cần cảnh giác với những người bán không biết sản phẩm đáng giá bao nhiêu. Ngoài ra, rất khó để chúng ta bắt gặp một chiếc đồng hồ từ thương hiệu lâu đời với mức giá giảm mạnh.
Để ý tiểu tiết: Hình ảnh hoàn toàn có thể lừa dối mắt nhìn. Tại các phiên đấu giá trực tuyến hoặc trang web bán hàng đã qua sử dụng, ảnh đồng hồ thiếu đi một vài chi tiết có thể là dấu hiệu cho thấy người bán đang muốn che giấu điều gì đó.
Cân nặng: Ngoại trừ hàng chế tác tỉ mỉ gần giống thật, đồng hồ giả thường được làm từ vật liệu rẻ tiền để tiết kiệm chi phí. Vì vậy, chúng có xu hướng nhẹ và thô hơn hàng thật.
Nguồn Znews: https://lifestyle.znews.vn/nuoc-anh-tro-thanh-thu-phu-cua-dong-ho-gia-post1499187.html