Nước Anh chật vật hậu Brexit

Cuộc 'chia tay' với đối tác thương mại Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1/1/2021 đã tác động sâu rộng và dai dẳng đến kinh tế nước Anh.

Nhân viên nói chuyện với khách qua tấm kính an toàn tại quầy thanh toán ở một cửa hàng tiện lợi Croydon, phía Nam London. Nguồn: Reuters.

Nhân viên nói chuyện với khách qua tấm kính an toàn tại quầy thanh toán ở một cửa hàng tiện lợi Croydon, phía Nam London. Nguồn: Reuters.

Giáo sư Jonathan Portes (Đại học King’s College London) cho rằng tác động trực tiếp và rõ nhất của Brexit (nướcAnh rời khỏi EU) là tạo ra các rào cản thương mại đáng kể giữa hai bên. Khảo sát gần đây của tổ chức "Nước Anh trong một châu Âu thay đổi" cho thấy hơn 66% người dân Anh tin rằng Brexit gây thiệt hại kinh tế.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo năm 2025, kinh tế Anh sẽ đứng cuối bảng trong nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chỉ tăng 1%, thấp hơn mức 1,2% được tổ chức này dự báo trước đó. OECD cũng hạ dự báo tăng trưởng GDP của Anh trong năm 2024 xuống còn 0,4% từ mức 0,7% trước đó.

OECD cho rằng, lãi suất cao, lạm phát kéo dài và tình trạng thiếu lao động lành nghề là nguyên nhân dẫn tới tăng trưởng kém của nước này.

Trong khi đó, nghiên cứu của tổ chức tư vấn Cambridge Econometrics (Anh), tổng giá trị gia tăng thực tế của Anh trong năm 2023 thấp hơn khoảng 140 tỷ bảng so với mức nếu Anh vẫn ở lại EU và sẽ giảm khoảng 311 tỷ bảng (10,1%) đến năm 2035.

Trung tâm Nghiên cứu chính sách kinh tế (CEPR) nhận định, Brexit khiến tổng sản phẩm quốc nội của Anh giảm 2-3% do thương mại giảm. Brexit đã tác động tiêu cực lớn và liên tục tới xuất khẩu hàng hóa của Anh. Xuất khẩu của Anh sang EU trong năm 2023 giảm 11,5 tỷ bảng so với năm trước đó. Tình hình cũng không khả quan trong 5 tháng đầu năm 2024.

“Các thủ tục về kiểm dịch và an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Anh và EU sau Brexit gây chi phí chồng chất cho các doanh nghiệp nước Anh, tác động tiêu cực tới thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế” - tiến sĩ John Springford nói và cho rằng tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ bị bỏ lỡ do Brexit khiến xuất khẩu của Anh tụt dốc.

Một tác động khác do Brexit là nguồn cung lao động của Anh bị thắt chặt do Brexit chấm dứt sự di chuyển tự do từ EU. Số lượng người nhập cư vào khoảng 200.000 người/năm (thời điểm trưng cầu dân ý Brexit năm 2016) thì tới tháng 6/2024 đã không còn, tác động tiêu cực tới nhiều ngành nghề cũng như tới toàn bộ thị trường lao động nước Anh. Cuộc chia tay với EU đã gây thiệt hại đáng kể cho người lao động, với số việc làm mới ở Anh giảm 4,8% (tính tới ngày 8/6/2024).

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) cho rằng, Brexit khiến lạm phát đặc biệt cao và làm giảm giá trị đồng bảng khiến hóa đơn thực phẩm mỗi hộ gia đình tăng thêm trung bình 210 bảng/tháng, gây tổng thiệt hại 5,8 tỷ bảng cho người tiêu dùng Anh. Tính trung bình, mỗi người dân Anh thiệt hại hơn 2.000 bảng/năm.

Tuy nhiên, không phải mọi việc đều xấu. Theo Bộ Kinh doanh thương mại Anh, sau Brexit, Anh vẫn là nước thu hút đầu tư FDI cao nhất châu Âu, với tổng số vốn FDI cao hơn Đức, Pháp và Italy gộp lại.

Nhưng dẫu vậy thì các cuộc thăm dò được thực hiện tại Anh trong gần 4 năm qua lại cho thấy 51% người dân Anh ủng hộ nước này quay trở lại với EU. Trong khi chỉ có 31% ủng hộ duy trì quan hệ hiện tại với EU. Lãnh đạo Công đảng đối lập Keir Starmer - người có nhiều khả năng thành công trong cuộc bầu cử vào ngày 4/7 tới cho biết sẽ đàm phán lại về hiệp định thương mại với EU trong năm 2025, nhưng vẫn không tái gia nhập EU.

Còn với 27 thành viên EU, kể từ Brexit, cũng gặp nhiều khó khăn khi bị cho là mất đà do Covid-19 cũng như giá dầu mỏ biến động, đẩy chi phí sinh hoạt tăng cao. Theo Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), GDP thực tế của EU đã giảm dần từ cuối năm 2022. Tuy nhiên, dự kiến tăng trưởng GDP của EU sẽ tăng lên 0,9% vào năm 2024 và 1,5% vào năm 2025.

Như vậy, nếu so với nước Anh, EU không chịu quá nhiều thiệt hại giai đoạn hậu Brexit, ít nhất là trong hơn 3 năm qua. Để hai bên “cùng thắng”, theo các chuyên gia đến từ OECD thì cả EU lẫn Vương quốc Anh phải “quên đi bóng ma Brexit” để xích lại gần nhau hơn. Vì thực tế cho thấy, sau Brexit cả EU lẫn nước Anh đều bị thiệt thòi.

Tính tới ngày 8/6/2024, kinh tế Liên minh châu Âu (EU) phục hồi nhờ lạm phát giảm và tiêu dùng tư nhân gia tăng. Ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế EU Paolo Gentiloni cho rằng, EU đã bước sang một chặng đường mới sau nhiều thử thách. Tốc độ tăng trưởng của EU sẽ tăng dần trong các năm 2024 và 2025 nhờ động lực từ sức bật của tiêu dùng tư nhân được hỗ trợ bởi lạm phát giảm, sức mua phục hồi và sự tăng trưởng trên thị trường việc làm. Dự báo lạm phát tại EU sẽ giảm từ 6,4% ở năm 2023 xuống 2,7% trong năm 2024 và tiếp tục giảm còn 2,2% vào năm 2025.

Thanh Đức

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nuoc-anh-chat-vat-hau-brexit-10282987.html