NSƯT Tiến Hợi đã dâng trọn cuộc đời cho nghệ thuật
NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết: 'Khi hay tin, anh em nghệ sĩ rất sốc. Đây là một mất mát rất lớn đối với Nhà hát Kịch Hà Nội'.
Chiều nay (11/2), gia đình và đồng nghiệp đã có mặt tại Nhà tang lễ Quốc gia (Số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội) để tiễn đưa NSƯT Tiến Hợi về nơi an nghỉ cuối cùng. NSƯT Tiến Hợi (tên thật Nguyễn Văn Hợi) qua đời lúc 4h sáng 10/2, hưởng thọ 63 tuổi.
Trong tiết trời mưa, lạnh, NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, NSND Thu Hà, NSND Mạnh Cường, NSND Nguyễn Hải, NSND Trần Nhượng, NSƯT Phú Thăng, nghệ sĩ Tiến Minh, diễn viên Hồng Đăng,.. cùng đông đảo các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Hà Nội, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 2 - nơi nghệ sĩ Tiến Hợi từng công tác, gắn bó đã đến tiễn biệt người đồng nghiệp tài năng, giản dị, thân thương.
Có mặt từ sớm, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chia sẻ, anh và nhiều nghệ sĩ cảm thấy bàng hoàng trước sự ra đi đột ngột của NSƯT Tiến Hợi: "Thật sự rất sốc vì khi anh Hợi bị bệnh tôi không hề biết gì cả, chỉ thấy anh kêu hơi mỏi người chút thôi. Trước Tết, Nhà hát có mời NSƯT Tiến Hợi tham gia một chương trình thì anh cũng nói “sẽ cố gắng tham gia, nhưng đợt này anh thấy người hơi mệt, chân tay, người hơi bị mỏi” nên tôi cũng không nghĩ là bị nặng. Lúc ấy anh chỉ nói anh cố gắng làm nốt chương trình này cho nhà hát vì chương trình này cũng là chương trình rất ý nghĩa về Bác Hồ. Sau đó anh Hợi cũng tham gia, góp phần giúp chương trình hoàn thiện, khán giả cả nước cũng rất thích...
Bẵng đi một thời gian đến mùng 3 Tết thì vợ anh có gọi điện nói chân tay anh Hợi không hoạt động được nữa, mùng 4 anh nhập viện mà đến mùng 10 anh đã đi rồi. Khi hay tin, anh em nghệ sĩ rất sốc. Đây là một mất mát rất lớn đối với Nhà hát Kịch Hà Nội".
Là người gắn bó với NSƯT Tiến Hợi trong thời gian công tác ở cả hai đoàn nghệ thuật, NSND Thu Hà nghẹn ngào chia sẻ: "Quả thật bệnh tình ập đến rất bất ngờ, đau xót đối với tất cả mọi người. Không thể tin, không muốn tin là chú đã mãi xa.
Tôi vẫn nhớ trong buổi diễn cuối cùng, chú nói với mọi người: "Bộ quần áo này để cẩn thận cho chú", tức bộ quần áo đóng vai Bác Hồ, "sau này là tôi mang bộ này đi đấy". Và hôm nay, chị Thủy, vợ chú cũng phải sắp xếp cẩn thận râu, tóc, quần áo của chú để chú mang theo... Cố gắng động viên nhau mạnh mẽ lên vì chú đi rất bất ngờ, giúp chú có cảm giác chú vẫn ở bên mọi người. Chú sẽ mãi trong lòng đồng chí đồng đội, sẽ mãi là người chú, người anh trong ngôi nhà thân yêu Nhà hát Kịch Hà Nội".
NSND Trần Nhượng viết trong sổ tang: "Hợi ơi! Em ra đi đột ngột quá làm anh, tất cả các nghệ sĩ và khán giả quá hụt hẫng khi không còn thấy em trên sân khấu và màn ảnh nữa. Một tài năng đã ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn. Chúc em nơi vĩnh hằng bình an, thanh thản. Cầu mong linh hồn em sớm siêu thoát về cõi Phật".
NSƯT Tiến Hợi sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Gắn bó nhiều năm với sân khấu, ông đã tham gia các vở kịch "Xin lĩnh án tử hình"; "Vùng lạnh"; "Chùm hài Oái oăm Đời"!; "Sám hối"; "Vòng đời"; "Vị thánh trong mơ"; "Những người con Hà Nội"…
Ở mảng truyền hình, điện ảnh, NSƯT Tiến Hợi cũng ghi dấu ấn với nhiều vai diễn trong các bộ phim gồm "Hà Nội - mùa đông 46"; "Hẹn gặp lại Sài Gòn"; "Hoa ban trắng"; "Hoa ban đỏ"; "Dãy bàn 4 người"; "Cảnh sát hình sự"; "Người phán xử"; Bi kịch chưa đặt tên…
Ông từng đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 vở Xin lĩnh án tử hình vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; Huy chương Bạc vở Vùng lạnh Liên hoan Sân khấu Toàn quốc năm 2018 vai ông Sinh.
NSƯT Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công nhất vai Bác Hồ. Ông đã có hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh hay phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm. Năm 2013, sách "Kỷ lục Guinness" của Việt Nam đã xác nhận "Tiến Hợi là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất".
NSƯT Tiến Hợi từng chia sẻ trong hơn 30 năm hoạt động nghệ thuật, ông cảm thấy rất vinh dự khi được thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh qua nhiều giai đoạn: "Đó là một vai diễn mang tính đặc thù – đặc biệt. Được báo chí và giới nghệ thuật đánh giá cao và được quần chúng nhân dân trong nước và quốc tế công nhận và mến mộ, đó là niềm vinh dự lớn nhất cuộc đời tôi".
Đạo diễn Long Vân của "Hẹn gặp lại Sài Gòn" - tác phẩm điện ảnh đầu tiên NSƯT Tiến Hợi đóng vai Bác Hồ xúc động chia sẻ, nhắc đến NSƯT Tiến Hợi, ông nhớ đến vóc dáng thanh mảnh, vẻ ngoài rất giống Bác thời thanh niên, nhất là gương mặt, đôi mắt sáng, giọng nói ấm và mang âm điệu đặc trưng của vùng đất Nghệ An. Bộ phim khai thác về thời trẻ của Bác, khi Người còn mang tên Nguyễn Tất Thành. Đối với đạo diễn Long Vân, NSƯT Tiến Hợi là một tài năng đặc biệt, khó có thể thay thế được.
NSƯT Lê Chức cho rằng, ở nhiều nghệ sĩ thể hiện hình tượng nghệ thuật Chủ tịch Hồ Chí Minh như Tiến Hợi, Đức Trung, Văn Tân, Nguyễn Ngọc Thủy, Thanh Điềm, nhưng Tiến Hợi có ngoại hình rất gần với Bác ở giai đoạn trước 1954 và sau đó một số thời gian sau.
"Tiến Hợi có một số điều rất thuận lợi, vì bản anh cũng là người Nghệ An, gốc gác rất gần với Bác, ngoại hình giống Bác, nhất là những năm Người đi mặt trận, đến khi Bác trở về Thủ đô. Đấy gọi là thiên năng. Ông giời sinh ra một người để sau này thể hiện hình tượng Bác ở giai đoạn đó. Những điều kiện thuận lợi về giọng nói, ngoại hình có lẽ là đặc ân của “ông giời” nhưng bằng tài năng, NSƯT Tiến Hợi đã phát huy tốt nhất đặc ân ấy trong nghệ thuật, nhất là khi thể hiện hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu”, đạo diễn Lê Chức nói.
NSƯT Phú Thăng từng đóng chung với Tiến Hợi nhiều tiểu phẩm, kịch nói: "Anh Tiến Hợi đã lột tả rất tốt hình tượng nghệ thuật của Bác Hồ cả trên sân khấu lẫn trong phim điện ảnh, truyền hình, ra được tính cách, thần thái, phong cách, sự nhanh nhẹn của Bác và rất tình người. Cho đến ngày hôm nay có rất nhiều người đóng Bác Hồ nhưng tôi chưa thấy ai bằng anh Hợi, chứ chưa nói là vượt qua. Có thể mỗi người có một màu sắc khác nhau, nhưng để tạo hình tượng Lãnh tụ như anh Hợi thì tôi thấy chưa ai bằng".
Đúng 17h50, NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội đọc điếu văn, thuật lại cuộc đời, các dấu mốc trong sự nghiệp của người nghệ sĩ tài hoa.
NSND Trung Hiếu một lần nữa khẳng định, NSƯT Tiến Hợi là một trong những nghệ sĩ thể hiện thành công nhất hình tượng Bác Hồ qua nhiều giai đoạn. NSƯT đã tái hiện sinh động và chân thực hình ảnh cao đẹp, giọng nói ấm áp, ánh mắt rạng ngời và lòng yêu nước, tinh thần nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới rất, rất nhiều các thế hệ của người dân Việt Nam.
Bên cạnh đó là những năm khi công tác tại Nhà hát kịch Hà Nội thì NSƯT đã tham gia rất nhiều các vở kịch, dạng vai khác nhau và ông diễn rất thành công. "Đó là một nghệ sĩ đáng quý vô cùng. Ghi dấu ấn trong một vai diễn đã là đáng quý, vậy mà anh Tiến Hợi còn đóng rất nhiều vai khác nhau, đó là một nghệ sĩ rất tài năng".
Đối với các nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội, NSƯT Tiến Hợi là một người anh hiền lành, đức độ, chu đáo, luôn quan tâm, thăm hỏi không chỉ các nghệ sĩ, mà còn với cả gia đình của các nghệ sĩ. "Trong quá trình công tác, nghệ sĩ đảm nhiệm chức phó chủ tịch công đoàn nhiều nhiệm kỳ, luôn dành tình yêu thương cho đồng nghiệp, lớp diễn viên trẻ, được mọi người yêu quý", NSND Trung Hiếu nói.
Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội cho biết năm 2019, NSƯT Tiến Hợi nghỉ hưu theo chế độ trong sự kính trọng và yêu thương của các đồng nghiệp. Dù nghỉ hưu nhưng NSƯT Tiến Hợi vẫn thường xuyên tham gia các chương trình nghệ thuật với tất cả niềm say mê, nhiệt huyết, khát khao được cống hiến, dâng trọn cuộc đời cho nghệ thuật của người nghệ sĩ.
Thay mặt cho gia đình, con trai NSƯT Tiến Hợi đọc lời cảm tạ và nói lời từ biệt với bố lần cuối: " "Bố Hợi ơi, bố ra đi thanh thản. Con sẽ lo cho mẹ và em. Bố đừng bận tâm". Gia đình cùng người thân, bạn bè đã đi vòng quanh linh cữu để tiễn biệt NSƯT Tiến Hợi lần cuối cùng./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/van-hoa/nsut-tien-hoi-da-dang-tron-cuoc-doi-cho-nghe-thuat-post923578.vov