NSMO chủ động ứng phó với bão số 3, đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3, hiện NSMO đã huy động mọi nguồn lực sẵn sàng chủ động ứng phó với mọi tình huống bất thường của thiên tai.

Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) vừa có văn bản chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện miền Bắc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới/bão sắp vào biển Đông.

Theo đó, thực hiện Công điện số 5305/CĐ-BCT ngày 17/7/2025 của Bộ Công Thương về việc chủ động ứng phó với áp thấp nhiệt đới/bão sắp vào Biển Đông, Công ty Vận hành Hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia (NSMO) đã nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, đảm bảo an toàn vận hành hệ thống điện quốc gia.

Sân khấu "Concert Mùa hè rực sáng" chuẩn bị cho đêm diễn tối 19/7 tại Sun Carnival, Bãi Cháy, Quảng Ninh đã bị gió xô đổ vào chiều 19/7. Ảnh: BQN

Sân khấu "Concert Mùa hè rực sáng" chuẩn bị cho đêm diễn tối 19/7 tại Sun Carnival, Bãi Cháy, Quảng Ninh đã bị gió xô đổ vào chiều 19/7. Ảnh: BQN

Trước diễn biến phức tạp của áp thấp nhiệt đới hiện đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 3 (bão Wipha) với hướng di chuyển tương tự cơn bão số 3 (Yagi) năm 2024, một trong những cơn bão mạnh từng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta, Tổng Giám đốc NSMO Nguyễn Đức Ninh đã yêu cầu toàn hệ thống chủ động triển khai ngay các giải pháp ứng phó toàn diện.

Theo đó, các phòng, đơn vị trực thuộc cần khẩn trương thực hiện 8 nhóm nhiệm vụ trọng tâm:

Thứ nhất, tăng cường trực ban phòng chống thiên tai, theo dõi chặt chẽ thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia để chủ động triển khai ứng phó kịp thời.

Thứ hai, lập phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia phù hợp với tình hình thời tiết, huy động các nguồn điện hợp lý nhằm đảm bảo cung cấp điện liên tục, an toàn phục vụ sản xuất và sinh hoạt.

Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hồ chứa thủy điện, cập nhật tình hình thủy văn thực tế, lượng lũ về và yêu cầu điều hành từ cơ quan chức năng để phát điện hiệu quả.

Hình ảnh chụp từ vệ tinh về vùng mây ảnh hưởng của cơn bão. Ảnh: HN

Hình ảnh chụp từ vệ tinh về vùng mây ảnh hưởng của cơn bão. Ảnh: HN

Thứ tư, xây dựng kế hoạch điều tiết hồ chứa thủy điện, đảm bảo tuân thủ quy trình vận hành liên hồ, đơn hồ và các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự Quốc gia và địa phương.

Thứ năm, phối hợp tối ưu vận hành nhà máy và lưới điện, giảm thiểu nguy cơ sự cố hệ thống điện trong điều kiện thời tiết xấu.

Thứ sáu, đảm bảo hệ thống thông tin liên lạc, SCADA/EMS vận hành ổn định, tin cậy phục vụ công tác điều độ và phòng chống thiên tai.

Thứ bảy, bảo đảm công tác hậu cần, hành chính, sẵn sàng hỗ trợ ứng phó khi có tình huống phát sinh.

Thứ tám, thực hiện chế độ báo cáo định kỳ vào 7h00 và 15h00 hằng ngày với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Công ty, đồng thời báo cáo ngay khi có tình huống khẩn cấp.

Hình ảnh cơn bão Yagi ( bão số 3) năm 2024 trước khi đổ bộ vào đất liền và biểu đồ vận hành hệ thống lưới điện cùng thời điểm. Ảnh: Thu Hường

Hình ảnh cơn bão Yagi ( bão số 3) năm 2024 trước khi đổ bộ vào đất liền và biểu đồ vận hành hệ thống lưới điện cùng thời điểm. Ảnh: Thu Hường

Tổng Giám đốc NSMO yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiêm túc thực hiện chỉ đạo, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, vật tư, thiết bị để chủ động ứng phó với mọi tình huống bất thường của thiên tai, không để bị động, bất ngờ trong mọi hoàn cảnh.

Theo thông tin từ cơ quan dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, vào đầu giờ chiều nay (14h30 ngày 19/7) bão Wipha đã hình thành tâm bão rõ nét với cấp gió gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 11Bão sẽ di chuyển theo hướng Tây - Tây Bắc vào khu vực Hồng kông của Trung Quốc, mỗi giờ đi được từ 20-25km.

Sau khi tiếp giáp ven bờ Nam của Trung Quốc, bão sẽ di chuyển theo hướng Tây dọc ven bờ các tỉnh thành từ Hồng kông đến Lôi Châu. Dự báo, bão sẽ tiếp cận vịnh Bắc Bộ vào trưa ngày 21/7.

Khi vào vịnh Bắc Bộ bão sẽ đổi hướng sang Tây - Tây Nam do có 1 khối áp cao Tây Tạng hoạt động mạnh và đẩy bão về phía Nam. Vào chiều tối 21/7 bão sẽ tiếp cận gần bờ khu vực ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng và di chuyển tới các tỉnh ven biển Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và đi sâu vào khu vực Hòa Bình phía Tây Thanh Hóa và Tây Nghệ An.

Dự báo, bão Wipha có thể đi vào đất liền trong đêm 21 hoặc rạng sáng 22/7. Vùng ảnh hưởng của gió mạnh gồm các tỉnh từ Quảng Ninh tới Nghệ An và cả các tỉnh thành bên trong ảnh hưởng gió vừa như Hải Phòng, Bắc Ninh, Ninh Bình, Hà Nội. Cấp gió khi bão đổ bộ: cấp 10-11, giật cấp 12-13 và có thể cao hơn ở vùng ven biển.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/nsmo-chu-dong-ung-pho-voi-bao-so-3-dam-bao-van-hanh-an-toan-he-thong-dien-411295.html