Nông thôn mới ở Đồng Tháp Mười

Trận lũ lịch sử năm 2000 gây hậu quả nặng nề đối với Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An. Để hạn chế tối đa thiệt hại do lũ gây ra, tạo cho người dân an cư trên vùng lũ, từ năm 2001, tỉnh Long An đã đề ra'Chương trình dân sinh vùng lũ lụt'.

Điểm nhấn của Chương trình là xây dựng cụm/tuyến dân cư vượt lũ. Sau 20 năm thực hiện, tỉnh Long An đã xây dựng 165 cụm/tuyến dân cư vượt lũ (DCVL), chuyển 17.868 hộ dân trong vùng ngập lũ lên cụm tuyến DCVL an cư ổn định. Nhiều cụm tuyến DCVL được “đô thị hóa”, trở thành điểm sáng về xây dựng nông thôn mới (NTM).

Ông Huỳnh Văn Khen (bên phải) trồng cây ăn trái quanh nhà ở cụm dân cư vượt lũ ấp Cả Trốt.

“Tiến quân vào Đồng Tháp Mười”

Cùng với Tứ giác Long Xuyên thuộc hai tỉnh An Giang - Kiên Giang và Miền tây Sông Hậu ở tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ, vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An trở thành vựa lúa số một của tỉnh này. Với diện tích tự nhiên khoảng 300.000 ha (chiếm 50% diện tích toàn vùng gồm các tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp). Sau giải phóng, vùng Đồng Tháp Mười thuộc Long An còn 167.000 ha đất hoang hóa, bị nhiễm phèn, dân cư thưa thớt, phân bổ không đều, với mật độ 52 người/km2; bình quân lương thực 101 kg/người/năm.

Hạ tầng cơ sở vào loại yếu kém nhất khu vực ĐBSCL. Để khai thác tiềm năng đất đai vùng ĐTM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân Đồng Tháp Mười, từ năm 1979 lãnh đạo tỉnh Long An đề ra Chủ trương “Đầu tư và khai thác tiềm năng tổng hợp Đồng Tháp Mười”.

Long An phát động chiến dịch “Tiến quân vào Đồng Tháp Mười”, tiến hành di dân từ các huyện miền hạ trong tỉnh đất chật người đông lên Đồng Tháp Mười và tiếp nhận cư dân 17 tỉnh - thành trong cả nước đến Đồng Tháp Mười xây dựng kinh tế mới (KTM).

Trong 20 năm (1979 - 1999), Đồng Tháp Mười Long An đã đón 37.000 hộ với 51.000 lao động và 90.0000 nhân khẩu định cư ổn định. Trong 20 năm “Tiến quân vào Đồng Tháp Mười”, cùng với việc tạo ra lượng nông sản dồi dào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhân dân Đồng Tháp Mười còn làm thay đổi cơ bản bộ mặt vùng đất “đi cả ngày không gặp được ngôi nhà”. Hệ thống hạ tầng cơ sở: giao thông - thủy lợi, điện, y tế, giáo dục...cơ bản hoàn chỉnh; từng bước hình thành thiết chế văn hóa phù hợp với tập quán sinh hoạt của nhân dân vùng lũ.

Nhưng rất tiếc, trận lũ lịch sử năm 2000 (thế kỷ 20) đã gây tổn thất nặng nề về người và phá hủy hoặc làm hư hại nghiêm trọng những công trình hạ tầng được đầu tư xây dựng trong 20 năm (1979 – 1999) “Tiến quân đầu tư và khai thác tiềm năng tổng hợp vùng Đồng Tháp Mười”.

Một năm sau trận lũ lịch sử, lãnh đạo tỉnh Long An đề ra “Chương trình dân sinh vượt lũ”. Để thực hiện hiệu quả mục tiêu Chương trình, tỉnh Long An huy động nhiều nguồn vốn xây dựng các cụm tuyến DCVL có nền hạ vượt cao trình đỉnh lũ năm 2000, đưa người dân ở những khu vực luôn bị ngập lũ vào cất nhà sống ổn định.

Sau 20 năm thực hiện Chương trình DSVLL (2001 - 2020), giờ đây không khỏi ngỡ ngàng về hệ thống cụm tuyến DCVL đủ khả năng chống chọi với những trận lũ lớn. Trong số 165 cụm tuyến DCVL ở vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An đã tôn nền, san mặt bằng hình thành 33.944 lô/nền. Đến nay 28.947/33.944 lô/ nền đưa vào sử dụng. Trong số lô/nền này có 17.581 lô/nền thuộc đối tượng sống trong vùng đồng sâu, bị ngập lũ, hộ nghèo, gia đình có công với cách mạng… định cư.

Bà Đặng Thị Hà - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Long An cho biết: Đến nay, có 85% lô/nền được bàn giao cho dân xây dựng nhà ở. 149 cụm/tuyến hoàn chỉnh hệ thống giao thông. 88% cụm/tuyến có nước sạch sinh hoạt. 155 cụm/tuyến được hạ thế điện thắp sáng...

Nhà lầu ở vùng vượt lũ

Bây giờ, đi đến đâu, người dân vùng lũ cũng chia sẻ niềm vui vì sống ở cụm dân cư vượt lũ mà cứ như sống ở thị tứ, thị xã. Ngày nay nhiều hộ dân đã xây được nhà cao tầng.

Phát huy lợi thế đô thị hóa nông thôn của cụm tuyến DCVL Gò Châu Mai do Trung ương đầu tư xây dựng trước trận lũ năm 2000, xã biên giới Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tiếp tục đầu tư xây dựng cụm tuyến DCVL ấp Cả Trốt giáp biên giới Campuchia.

Ông Huỳnh Văn Khen, quê huyện Cái Bè (Tiền Giang) sang ấp Cả Trốt lập nghiệp và canh tác 3 ha ruộng từ những năm 90 (thế kỷ 20). Trận lũ năm 2000, lúa hè - thu của gia đình ông chưa kịp thu hoạch đã bị lũ nhấn chìm, căn nhà tạm bợ cạnh ruộng cũng trôi theo nước lũ.

Năm 2006, vợ chồng ông Khen được bố trí nền nhà trong cụm DCVL Cả Trốt, được chính quyền hỗ trợ vốn tôn nền giúp vợ chồng ông xây căn nhà khang trang, xung quanh nhà ông tận dụng đất được cấp đào ao thả cá, trồng các loại cây ăn trái và hoa cảnh. Do nhà cất cạnh đường tỉnh lộ 831 cặp kinh T.28 kết nối thị trấn Vĩnh Hưng với đường phòng thủ biên giới, thuận tiện cho ông Khen và những hộ định cư trong cụm DCVL vận chuyển lúa từ ruộng về.

“Dù sống sát đường biên, lũ lớn đổ về, chúng tôi vẫn an cư, vì có nền nhà cao hơn đỉnh lũ năm 2000”, ông Khen quả quyết.

Cụm DCVL Bình Châu ở xã Tuyên Bình cùng huyện Vĩnh Hưng không chỉ là điểm sáng NTM ở Long An mà ở cụm DCVL này cũng đang trong quá trình đô thị hóa nông thôn . Với diện tích 3,5 ha, bố trí 207 lô/nền cất nhà “sống chung với lũ”. Ông Nguyễn Văn Phụng Bí thư chi bộ kiêm trưởng ấp Bình Châu B đưa chúng tôi tham quan cơ sở hạ tầng trên cụm DCVL Bình Châu.

“Sống ở cụm DCVL mà cứ như sống ở thị tứ, thị xã. Nhờ có hạ tầng đồng bộ 100% lô/nền của cụm DCVL Bình Châu đã lấp kín nhà. Nhiều hộ còn xây được nhà cao tầng” - ông Phụng ví von.

Bí thư kiêm trưởng âp Bình Châu còn cho biết: Năm 2019 cụm DCVL Bình Châu mở rộng thêm 2,3 ha để bố trí cho 100 hộ Việt kiều từ Campuchia về định cư với phương châm chính quyền cho mượn 48m2 đất ở/nền và hỗ trợ không hoàn lại 60 triệu đồng/hộ xây nhà. Tiền xây nhà được huy động từ nguồn xã hội hóa, do một Mạnh thường quân nuôi cá tra xuất khẩu bên tỉnh Đồng Tháp ủng hộ.

Còn đó những trăn trở

Tuy nhiên, để tiếp tục “đô thị hóa nông thôn” ngay trên vũng lũ Đồng Tháp Mười ở Long An, vẫn còn những hạn chế cần sớm thực hiện những biện pháp khắc phục…

Đó là số lô, nền tồn kho chưa có người đến sinh sống trong các cụm tuyến DCVL còn cao. Qua khảo sát, đến đầu mùa lũ 2020, số lô/nền chưa cất nhà (khả năng không vào ở) chiếm gần 16% (5.637/33.944). Đã vậy, sau trận lũ năm 2000, vùng Đồng Tháp Mười gần như không diễn ra lũ lớn, người dân chủ quan không vào cụm tuyến DCVL cũng là nguyên nhân để hoang phí số lượng lô/nền không nhỏ.

Mặc dù Chương trình xây dựng cụm tuyến DCVL tạm dừng cách đây 10 năm (2010) nhưng việc bàn giao những lô/nền không cất nhà diễn ra quá chậm chạp. Để khắc phục tình trạng này, không để lãng phí vốn đầu tư tôn nền, bán nền và thiết kế hạ tầng, Sở Xây dựng Long An đã đề xuất một số giải pháp. Đó là: bố trí dân vùng sạt lở bờ kinh, bờ sông đến ở; bán ưu đãi cho đối tượng hộ nghèo, hộ có công với nước đang có nhu cầu nhà ở; chuyển sang quỹ đất tái định cư hoặc nhà ở xã hội....

Đối chiếu với mục tiêu của Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM, hầu hết cụm tuyến DCVL chưa phát triển các loại hình kinh tế hợp tác phục vụ sản xuất và kinh doanh của nhân dân. Ngành - nghề truyền thống cũng chưa được chú ý đầu tư để giải quyết việc làm cho một bộ phận lao động nhàn rỗi tại cụm tuyến DCVL.

Khuynh Diệp

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/nong-thon-moi-o-dong-thap-muoi-508543.html