Nông thôn mới là động lực phát triển
Phát huy mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, một số xã của huyện Điện Biên và xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Cùng với TX. Mường Lay hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương trong tỉnh huy động nguồn lực đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ thôn bản tới huyện, thị xây dựng kế hoạch, đặt mục tiêu phấn đấu đạt từng tiêu chí. Giai đoạn 2021 - 2025, các địa phương trong tỉnh huy động mọi nguồn lực, sử dụng hiệu quả nguồn đầu tư cho hạ tầng thiết yếu, vận động nhân dân chung tay thực hiện các tiêu chí về an ninh trật tự, văn hóa xã hội, tích cực lao động sản xuất xóa đói giảm nghèo... Nét văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào được gìn giữ; sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, ứng dụng khoa học công nghệ được áp dụng... nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Các địa phương thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, đổi mới mô hình sản xuất, mỗi xã một sản phẩm (OCOP); môi trường cảnh quan nông thôn được cải thiện theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp. Thông qua đó, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào có sức lan tỏa, tạo diện mạo khu vực nông thôn ngày càng khang trang.
Huy động nhân dân chung tay xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 01 đơn vị cấp huyện (TX. Mường Lay) hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 4 xã đạt nông thôn mới nâng cao; 19 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 179 thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới kiểu mẫu (93 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu; 86 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới). Tiềm năng, thế mạnh ở các địa phương được khai thác, phát triển; mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng liên kết hình thành và mở rộng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Người dân từng bước xác định là chủ thể chính trong xây dựng nông thôn mới từ đó chủ động góp công, góp sức xây dựng cơ sở vật chất, giữ gìn môi trường sạch đẹp. Năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức các cấp nâng lên, gắn bó với công việc, hướng dẫn người dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân tại các thôn, bản, xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao được cải thiện; thể hiện rõ kết quả sự chung sức, đồng thuận thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thực tế triển khai xây dựng nông thôn mới cho thấy, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình, hưởng ứng và tham gia tích cực của người dân đã tạo nên sự đổi thay mạnh mẽ khu vực nông thôn. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc cần tháo gỡ để thực hiện được mục tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới.
Trước hết, về kết quả đạt nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao chưa đạt mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025. Cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đạt 1/2; chưa có xã nông thôn mới kiểu mẫu; xã nông thôn mới nâng cao đạt 4/9 xã; xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới 51/115 xã; số thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu mới đạt 27,54% kế hoạch. Nguồn lực huy động xây dựng nông thôn mới trong nhân dân còn hạn chế nhất là ở vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo cao. Trong khi đó việc giải ngân vốn đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới chậm, đạt 56,15% nguồn vốn, nhiều văn bản chồng chéo, chưa được tháo gỡ. Số lượng sản phẩm OCOP ít khi chỉ 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao, khả năng cung ứng hàng hóa số lượng lớn thấp. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình sản xuất trong nông nghiệp chậm; chưa có nhiều mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hiệu quả để nhân rộng.
Việc thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở một số thôn, bản, xã có biểu hiện chững lại, không muốn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới bởi lo ngại về quyền lợi bị cắt. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại khi triển khai thực hiện các tiêu chí nông thôn mới dẫn tới khó huy động nguồn lực. Hạ tầng khu vực nông thôn chưa được đầu tư đồng bộ; việc duy tu, bảo dưỡng công trình thủy lợi, nước sinh hoạt chưa hiệu quả; vẫn xảy ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước... Đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, rủi ro cao nên ít doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, khó khai thác tiềm năng, thế mạnh của các địa phương.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nhận thức rõ nội dung, cơ chế, chính sách của Nhà nước về xây dựng nông thôn mới. Mỗi địa phương cần chủ động, sáng tạo cách làm, xây dựng mô hình điểm phù hợp điều kiện thực tế; phân bổ, sử dụng nguồn lực hợp lý, theo nhu cầu thiết thực. Đa dạng hóa trong huy động, sử dụng nguồn lực theo hướng người dân bàn bạc dân chủ, thống nhất, công khai, minh bạch. Có biện pháp phòng ngừa, kịp thời ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện triệt để phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân hưởng lợi” khi tổ chức xây dựng nông thôn mới để các mục tiêu của chương trình đạt hiệu quả, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Bài, ảnh: Gia Huy