Nông nghiệp thế hệ số: Xóa hố đen, mở địa dư mới

Những cánh đồng không bước chân nông dân, trang trại thông minh không bóng người… xuất hiện ngày càng nhiều. Nông nghiệp Việt Nam đang dần bước qua lời nguyền: 'Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát' để khai mở địa dư mới trong kỷ nguyên số.

Thế hệ nông dân số

Xuất thân từ gia đình nhiều đời làm nông, anh Đặng Dương Minh Hoàng (xã Phú Văn. Huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã quá quen với hình ảnh quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà cuộc sống vẫn khó khăn. Đây cũng là lý do từ Pháp, Hoàng trở về quê nối nghiệp gia đình với ước mơ thành một “nông dân số”.

Bắt đầu từ cây bơ bản địa, Hoàng chọn canh tác theo hướng hữu cơ và ứng dụng công nghệ số trong chăm sóc và quản lý. Anh cùng cộng sự phát triển app AutoAgri, sử dụng công nghệ blockchain, máy bay không người lái…. theo dõi toàn bộ nông trại thông qua thiết bị thông minh. Công việc chăm sóc cây hoàn toàn tự động. Hoàng có thể ngồi ở bất cứ nơi đâu trên thế giới mà vẫn có thể tưới nước, bón phân… cho từng cây trồng twrong nông trại của mình bằng những cái “chạm tay” trên chiếc điện thoại thông minh.

Và khi quả bơ ra thị trường, người tiêu dùng chỉ cần smartphone quét QR code trên quả bơ, mọi thông tin từ chăm bón, ngày giờ thu hoạch, phương tiện vận chuyển đến cửa hàng, siêu thị, tiêu chuẩn của sản phẩm… đều được minh bạch.

“Công nghệ nâng tầm nhà nông”, Hoàng khẳng định sau vài năm tạo dựng và vận hành cả một hệ sinh thái số dưới mỗi gốc bơ trong nông trại của mình. Chi phí để đầu tư một hệ thống hoàn chỉnh từ hệ thống cảm biến đến hệ thống châm phân, tưới tự động… hết gần 80 triệu đồng/ha. Đổi lại anh tiết kiệm được 80% nước tưới, 40% phân thuốc, hàng trăm công lao động mà vẫn giữ được năng suất ổn định, chất lượng vượt trội.

Đặc biệt, Hoàng không phải đối mặt với tình trạng “được mùa rớt giá”, sản phẩm được siêu thị bao tiêu, doanh nghiệp thu mua giá cao để xuất khẩu. Đầu năm 2021, với mong muốn mở rộng chuyển đổi số trong nông nghiệp, Hoàng đã kết nối những nông dân tiên phong trên địa bàn thành lập HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước để hình thành chuỗi nông sản giá trị cao và xây dựng thương hiệu bền vững.

Còn tại Thạnh Phú (Bến Tre), sau 2 thập kỷ nuôi tôm theo phương pháp truyền thống, cách đây 3 năm lão nông Đặng Văn Bảy quyết định số hóa toàn bộ hệ thống ao nuôi rộng 35ha của mình. Các ao tôm được lắp hệ thống máy móc cho ăn, hệ thống xử lý nước tự động với máy đo chính xác các chỉ số. Việc theo dõi thông qua các cảm biến và dữ liệu được gửi về app trên điện thoại. Hàng ngày, ông Bảy chỉ cần vào app với vài cái chạm tay là máy móc đồng loạt hoạt động, tôm được ăn đầy đủ, đúng liều lượng. Qua app, ông còn kiểm tra được chính xác trọng lượng tôm trong ao, tính toán size tôm thuận lợi hơn cho khâu mua bán.

Chia sẻ bí quyết vận hành trang trại 59ha khép kín, từ nuôi vịt, nhà máy giết mổ, sơ chế vịt, trồng lúa, trồng dưa lưới, đến sản xuất phân bón… cho thu nhập hàng chục tỷ mỗi năm, ông Nguyễn Đăng Cường - Giám đốc Công ty TNHH Lucavi, khẳng định đó là nhờ việc áp dụng công nghệ cao, số hóa vào chăn nuôi.

Ông dẫn chứng, mỗi con vịt trời bán ở chợ quê giá 150.000 đồng nhưng qua công nghệ chế biến của Nhật, giá lên tới 40 USD (tương đương khoảng 900.000 đồng). Song, để đạt được mức giá này, Lucavi phải số hóa triệt để trong tất cả các quy trình. “Ví dụ, phải định danh từng con vịt bố mẹ, ấp trứng, chăn nuôi rồi đến giết mổ, sơ chế đều thực hiện trên dây chuyền công nghệ tự dộng, dữ liệu được số hóa đồng bộ”, ông Cường nói.

Vài năm trở lại đây, những mô hình trồng rau, nuôi tôm, nuôi gà bằng smartphone, hoặc cánh đồng không bước chân… xuất hiện này càng nhiều. Những chuyển động đó cho thấy, một thế hệ sản xuất nông nghiệp số đang dần hình thành.

Nói như Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Lê Minh Hoan, bằng chuyển đổi số, người nông dân sẽ không phải “trông trời, trông đất, trông mưa…” mà trông vào dữ liệu; bằng chuyển đổi số, dữ liệu được kết nối, người nông dân không còn mù mờ về thị trường, thị trường không mù mờ về sản xuất, người tiêu dùng không mù mờ về chất lượng nông sản…

Số hóa khai mở địa dư mới

Theo Bộ trưởng Hoan, chuyển đổi số sẽ minh bạch mọi thông tin và dần xóa đi những “hố đen” của ngành nông nghiệp. Muốn vậy, 9 triệu hộ nông dân và hàng nghìn HTX, doanh nghiệp phải cùng số hóa, làm cuộc “đại thay đổi” trên 7 triệu mảnh ruộng, dựng kho dữ liệu để tiến lên làm ăn lớn.

Trong “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 3/6/2020, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp phải dựa trên nền tảng dữ liệu. Tập trung xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn của ngành như về đất đai, cây trồng, vật nuôi, thủy sản. Xây dựng mạng lưới quan sát, giám sát tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp. Thúc đẩy cung cấp thông tin về môi trường, thời tiết, chất lượng đất đai để người nông dân nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng, hỗ trợ chia sẻ các thiết bị nông nghiệp qua các nền tảng số.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm… Triển khai sáng kiến “Mỗi nông dân là một thương nhân, mỗi HTX là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số”.

“Chuyến tàu” chuyển đổi số nông nghiệp đã rời ga với mục tiêu đến năm 2025 có 80% cơ sở dữ liệu về nông nghiệp được xây dựng, cập nhật trên nền tảng dữ liệu lớn (Big Data); 50% các thiết bị quan sát, giám sát sử dụng công nghệ số, bảo đảm thu nhận trực tiếp dữ liệu số, sử dụng công nghệ internet kết nối vạn vật (IoT) để tích hợp trên không và mặt đất phục vụ các hoạt động nông nghiệp.

Tháng 6/2022, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu ngành chăn nuôi chính thức được triển khai. Đây là một trong những “viên gạch” đầu tiên tạo nền móng cho quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp. Hệ thống dữ liệu là cơ sở quan trọng cho việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của cơ quan quản lý, tổ chức phát triển chăn nuôi theo tín hiệu, nhu cầu của thị trường, đồng thời, kiểm soát được chất lượng, an toàn thực phẩm chăn nuôi.

Đến tháng 8/2022, Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cấp, quản lý mã số vùng trồng cũng được đưa vào sử dụng. Hệ thống góp phần giải quyết bài toán tạo ra sự “đúng, đủ, sạch, sống” trong dữ liệu vùng trồng, cả về thời điểm xuống giống, thu hoạch, sản lượng, chất lượng, truy xuất nguồn gốc, về yêu cầu của thị trường, về giá cả... Từ đó, dần thay đổi phương thức từ “quản lý thủ công” sang “quản lý dựa vào công nghệ số”.

Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), đến nay đơn vị này đã cấp 5.300 mã số vùng trồng. Trung tuần tháng 12/2022, có hơn 3.600 doanh nghiệp với bộ mã truy xuất nguồn gốc của 13.460 sản phẩm nông sản thực phẩm được đưa lên CheckVN và được đồng bộ, đấu nối liên thông lên hệ thống truy xuất nguồn gốc của Bộ NN-PTNT.

Trong năm 2022, có 2.200/19.000 HTX nông nghiệp thực hiện chuyển đổi số; có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử; 5,8 triệu hộ được đào tạo kỹ năng số.

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), đất đai của chúng ta nằm ở khu vực không cần phải sưởi mùa đông, có thể thu hoạch nhiều vụ quanh năm, chúng ta vẫn giữ truyền thống nông nghiệp với 2/3 dân số ở nông thôn, công nghệ thông tin Việt Nam ngày càng phát triển. Khi tích hợp tất cả những điều này, Việt Nam sẽ đạt vị thế như “kho nông sản của thế giới”.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhìn nhận, khi sản lượng nhiều nhóm hàng thế mạnh của ngành nông nghiệp đang dần “chạm trần” thì chuyển đổi số sẽ khai mở địa dư mới. Bởi, giá trị của chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là giúp hàng chục triệu hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn lòng thay đổi, để hòa nhịp xu thế phát triển của đất nước.

Hân Ngọc

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/nong-nghiep-the-he-so-xoa-ho-den-mo-dia-du-moi-20180504224283202.htm