Nông dân Điện Biên đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững

ĐBP - Phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG) do Hội Nông dân tỉnh phát động trong những năm qua đã tạo động lực khích lệ nông dân toàn tỉnh hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Từ đó có nhiều hộ sản xuất kinh doanh giỏi được Trung ương Hội tôn vinh và trao danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc, được Hội Nông dân các cấp bình xét khen thưởng.

Đồng chí Lê Trọng Khôi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng cam của nông dân xã Noong Luống (huyện Điện Biên). Ảnh: C.T.V

Giai đoạn 2016 - 2021, các cấp Hội đã tích cực tham mưu tổ chức vận động nông dân đẩy mạnh phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Phong trào phát triển cả bề rộng, chiều sâu, tạo tiền đề cho nông dân tiếp cận thị trường. Hàng năm, Hội Nông dân tỉnh có 35.000 hộ nông dân đăng ký tham gia sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Qua bình xét mỗi năm toàn tỉnh có từ 4.000 đến 5.000 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Riêng năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nên chỉ có 3.025 hộ nông dân đạt tiêu chuẩn SXKDG các cấp. Trong đó mô hình trồng trọt chiếm 32,4%; chăn nuôi gia súc, gia cầm 26,6%; sản xuất, kinh doanh tổng hợp, chiếm 33,3%.

Để phong trào phát triển mạnh và ngày càng đi vào chiều sâu, các cấp Hội Nông dân tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Từ các phong trào tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát huy lợi thế từng địa phương; nông dân đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, liên kết hợp tác trong sản xuất đưa phong trào phát triển nhanh với chất lượng ngày càng cao. Trong đó các mô hình “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn”, “Mô hình xóa đói giảm nghèo vùng đặc thù” ở 9 huyện, 17 xã trên địa bàn tỉnh, tổ chức luân chuyển giống trâu, bò giúp hộ nông dân nghèo chăn nuôi luôn được chú trọng, với 1.295 con trâu, bò sinh sản đến nay đã sinh sản thêm 2.858 con, nâng tổng đàn gia súc lên 4.153 con, đã luân chuyển cho gần 3.000 hộ nông dân để hỗ trợ phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Bình quân mỗi năm có trên 1.000 hộ nông dân thoát nghèo bền vững; giảm nghèo được 3 - 4%/năm.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã hướng dẫn các cấp hội xây dựng kế hoạch, đề ra mục tiêu biện pháp thực hiện gắn với các chỉ tiêu thi đua ở mỗi cấp Hội, vận động nông dân tích cực thi đua phấn đấu đạt tiêu chí hộ SXKDG. Ban Thường vụ Hội các cấp tập trung chỉ đạo đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển sâu, rộng và hiệu quả; tổ chức gắn với chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh và xây dựng mô hình hỗ trợ, chuyển giao khoa học kỹ thuật của Hội; tăng cường phối hợp với các cấp, các ngành tạo nguồn lực hỗ trợ nông dân mở rộng các ngành nghề sản xuất và kinh doanh; đẩy mạnh tuyên truyền vận động nông dân tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh thâm canh tăng vụ, đưa tiến bộ khoa học vào sản xuất, tăng nhanh sản lượng, chất lượng sản phẩm nông nghiệp... Cùng với đó, vận động cán bộ, hội viên nông dân tham gia thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp”. Tuyên truyền vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất lúa cánh đồng lớn tại Hợp tác xã Thanh Yên, Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao bản Mé, xã Thanh Hưng; vận động nông dân tham gia liên kết sản xuất theo chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm: chuỗi cung ứng rau, củ quả sạch an toàn, tham gia mô hình liên kết trồng cây dong riềng, cây chè và các loại cây có giá trị kinh tế cao...

Hội Nông dân tỉnh đã triển khai và nhân rộng các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay toàn tỉnh đã xây dựng 63 dự án để phát triển trồng trọt, chăn nuôi trâu, bò sinh sản, chăn nuôi lợn, nuôi trồng thủy sản cho 496 hộ vay với số tiền 21,252 tỷ đồng. Các dự án đầu tư cho phát triển sản xuất đã phát huy hiệu quả, giúp nông dân mở rộng quy mô sản xuất tăng thu nhập cho gia đình, có điều kiện vươn lên trở thành hộ khá giả. Hội Nông dân các cấp phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện chương trình ủy thác vốn vay cho nông dân với tổng số tiền dư nợ gần 940 tỷ đồng cho 20.459 hộ vay, 603 tổ tiết kiệm và vay vốn; phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị định số 55/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tạo vốn vay cho nông dân phát triển sản xuất. Nhờ đó nhiều hộ được vay vốn đầu tư vào sản xuất đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất kinh doanh giỏi và trở thành những tấm gương điển hình SXKDG như: Lò Văn Pâng, Lò Văn Miên, Lường Văn Bình, Vàng Văn Lập, Phạm Hồng Chuyên, Lê Hải An. Đặc biệt ông Lò Văn Pâng được tôn vinh tự hào nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới.

Phải khẳng định rằng, bằng sức mạnh tổng hợp từ chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, sự chủ động của Hội Nông dân các cấp trong tỉnh, đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên của hội viên và nông dân, phong trào Nông dân thi đua SXKDG và làm giàu bền vững đã làm chuyển biến nền sản xuất nông nghiệp với trình độ thâm canh ngày càng cao, phát huy nội lực, khai thác tiềm năng, thế mạnh từng vùng, bước đầu đã hình thành vùng sản xuất tập trung với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp. Từ đó, góp phần giúp hội viên, nông dân dần thay đổi tư duy nếp nghĩ đến cách làm, biết sử dụng lao động hợp lý, vốn vay hiệu quả, hạch toán trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lê Trọng Khôi (Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh)

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/xa-hoi/191339/nong-dan-dien-bien-doan-ket-giup-nhau-lam-giau-giam-ngheo-ben-vung