Nông dân Cần Thơ được mùa, trúng giá vụ lúa Đông Xuân 2022-2023
Sau khi trừ chi phí, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, nông dân lợi nhuận khoảng 3,5-4 triệu đồng/công tầm lớn (1.300m2); riêng người làm lúa giống OM34 thì lợi nhuận khoảng 5,6-6 triệu đồng/công.
Vụ lúa Đông Xuân 2022-2023 ở Cần Thơ xuống giống được 75.028ha. Đến thời điểm này, đã có khoảng 15.000ha lúa đã được thu hoạch, năng suất ước đạt khoảng 79 tạ/ha, cao hơn 9,8 tạ/ha so với cùng kỳ.
Cùng với năng suất cao, giá lúa cũng tăng hơn so với vụ Đông Xuân năm trước khoảng 500-1.000 đồng/kg đã tạo sự phấn khởi với người nông dân.
Vụ Đông Xuân 2022-2023, ông Lê Trung Thuận, xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) sạ 10 ha giống lúa OM18, Đài Thơm 8.
Thời điểm này, diện tích lúa nhà ông Thuận đang được thu hoạch để bán cho thương lái với giá đã thỏa thuận trước đó là 6.500 đồng/kg. Với năng suất khoảng 7 tấn/ha cộng với giá lúa cao, ông Thuận dự tính trừ chi phí thì mỗi ha còn lợi nhuận khoảng 25-30 triệu đồng.
Theo ông Thuận vì giá lúa vụ này được thương lái đặt cọc mua giá cao hơn vụ Đông Xuân 2021-2022 nên ông không ngần ngại nhận tiền cọc của thương lái trước nên khi lúa bước vào thu hoạch giá tăng lên 6.900-7.100 đồng/kg khiến ông tiếc nuối.
Tuy nhiên, vì giá lúa thời điểm này cao trong khi thương lái thỏa thuận đặt cọc với nông dân thời điểm trước một tháng (với giá thấp hơn hiện tại) nên thương lái không "phao" (trừ hao) lúa của nông dân (khoảng 5kg lúa/tấn) vì thế nông dân cũng không bị "hao hụt" khi cân lúa.
Trong khi đó, theo ông Trần Văn Nghề, xã Trung Thạnh (huyện Cờ Đỏ) khi bước vào thu hoạch, giá lúa tươi OM18, Đài Thơm 8 tại nhiều nơi đã tăng lên mức 6.900-7.200 đồng/kg. Do vậy, có thương lái tăng cho người bán lúa khoảng 100-200 đồng/kg (so với giá lúc đặt cọc) nhưng không phải thương lái nào cũng vậy. Tuy nhiên, với giá lúa trung bình 6.500 đồng/kg, người trồng lúa cũng có lợi nhuận.
Vụ lúa Đông Xuân trúng mùa, được giá nên nông dân trên các cánh đồng đều phấn khởi. Niềm vui như nhân đôi đối với những tổ hợp tác, hợp tác xã có liên kết sản xuất với doanh nghiệp vì giá bán cao hơn thị trường.
Vụ lúa Đông Xuân năm nay, 35 thành viên của Tổ hợp tác nghề nghiệp sản xuất lúa giống Tân Thạnh (huyện Thới Lai) đều liên kết sản xuất lúa giống OM34 cho Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (gọi tắt Viện Lúa).
Lúa sau khi thu hoạch đều được Viện Lúa bao tiêu với giá 7.200 đồng/kg, cao hơn giá thị trường 700 đồng/kg.
Là người trồng lúa kiêm mua lúa và bán vật tư nông nghiệp, anh Trần Công Danh, Tổ hợp tác nghề nghiệp sản xuất lúa giống Tân Thạnh cho biết, năm nay nông dân lợi nhuận khá hơn vụ Đông Xuân năm ngoái nhờ giá lúa cao hơn, cộng với năng suất lúa tăng khoảng 150-200 kg/công và giá vật tư cũng "hạ nhiệt" nên trừ chi phí, vụ lúa Đông Xuân 2022-2023, nông dân lợi nhuận khoảng 3,5-4 triệu đồng/công tầm lớn (1.300m2); riêng người làm lúa giống (cụ thể là giống lúa OM34) lợi nhuận khoảng 5,6-6 triệu đồng/công.
Vụ Đông Xuân năm nay, nông dân trồng lúa ở thành phố Cần Thơ không chỉ bán được lúa giá cao mà tiêu thụ lúa của nhà nông cũng thuận lợi do có nhiều thương lái tham gia thu mua lúa của nông dân từ sớm.
Ngay từ trước vụ thu hoạch lúa một tháng, các "cò lúa" đã đưa thương lái đến thỏa thuận đặt tiền cọc thu mua lúa của nông dân. Lúa trúng mùa, được giá, đầu ra thuận lợi nên hầu hết nông dân trồng lúa ở Cần Thơ rất vui mừng.
Giá lúa tươi vụ Đông Xuân 2022-2023 đang được nông dân bán cho thương lái và doanh nghiệp với giá cao hơn ít nhất từ 500-1.000 đồng/kg (tùy chủng loại giống) so với vụ Đông Xuân năm trước.
Các loại lúa tươi như Đài Thơm 8, OM18, OM380 IR50404... được nông dân bán cho thương lái hoặc nhận tiền đặt cọc thỏa thuận trước khi thu hoạch lúa với giá từ 6.300-7.200 đồng/kg; riêng giống lúa RVT được thương lái mua với giá từ 7.400-7.500 đồng/kg.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cần Thơ, vụ Đông Xuân 2022-2023 vừa bất lợi nhưng cũng nhiều thuận lợi. Theo đó, đầu vụ nước nhiều do mùa lũ kéo dài, bà con xuống giống lại gặp mưa nên giống bị hao hụt.
Tuy nhiên, mùa lũ kéo dài, đồng ruộng được tẩy rửa, phụ phẩm của vụ lúa trước được phân hủy kỹ; quá trình canh tác, người dân áp dụng nhiều phương pháp tiên tiến (sạ thưa, sử dụng giống cấp xác nhận, sử dụng phân cân đối, lượng phân bón giảm...).
Mặc dù cuối năm 2022-đầu 2023, thời tiết lạnh, nhưng giai đoạn giữa và cuối vụ nắng đủ giúp lúa trổ, chắc hạt, lúa đạt, lúa ít bị đổ cũng giúp thu hoạch thuận lợi, tiết kiệm thời gian, chi phí và đảm bảo chất lượng hạt lúa. Vì thế, năng suất lúa cao khoảng 7,8-8 tấn/ha, cao hơn vụ Đông Xuân 2021-2023.
Cũng theo ông Nghiêm sở dĩ giá lúa vụ Đông Xuân cao là do người dân sản xuất chủ yếu giống lúa chất lượng, lúa thơm (cơ cấu chiếm khoảng 94%) như Jasamine, Đài Thơm 8, OM18...
Bên cạnh đó, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong lúa ở mức thấp, đảm bảo chất lượng gạo đủ chuẩn cho doanh nghiệp xuất khẩu nên giá bán cao, đầu ra của vụ lúa thuận lợi./.