'Nóng' chuyện phạt 'nguội'

Cách đây 10 năm, khi trò chuyện với một người bạn định cư ở Hà Lan về việc duy trì trật tự, an toàn giao thông ở nước bạn, tôi rất ấn tượng với một chi tiết: Hà Lan đã trang bị hệ thống camera giám sát trên đường, phố. Bất cứ xe nào vi phạm, căn cứ hình ảnh từ camera ghi lại, cơ quan chức năng sẽ gửi thông báo nộp phạt tới tận tay người vi phạm (tiền phạt rất nặng, mỗi lần phải nộp phạt đều ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch chi tiêu của gia đình trong tháng đó).

Người vi phạm nếu không đồng ý có thể khởi kiện ra tòa, nhưng rất hiếm người khởi kiện vì họ biết chắc cảnh sát đã có hình ảnh trích xuất từ camera. Do đó, bất kỳ người nào khi tham gia giao thông đều chấp hành rất nghiêm chỉnh pháp luật về an toàn giao thông. Khi ấy, tôi đã ước ao, giá như Việt Nam mình cũng làm được như vậy thì tai nạn giao thông ắt sẽ giảm nhiều, sẽ ít đi cảnh người đầu bạc phải tiễn kẻ đầu xanh, ít đi cảnh những đứa trẻ bỗng chốc mồ côi do bố mẹ bị tai nạn giao thông...

Để đối phó với phạt nguội, một số người nghĩ ra cách dùng băng dính dán thêm hoặc đè lên một phần số, chữ trên biển số xe. Ảnh minh họa: mt.gov.vn

Gần đây, công an một số địa phương đẩy mạnh thực hiện công khai danh sách biển số xe vi phạm được camera giám sát ghi lại để tiến hành phạt "nguội". Việc này cũng đã mang lại hiệu quả bước đầu khi nhiều người trước đây không thấy công an là đi bừa, đi ẩu, nay vì đã dính phạt "nguội" với mức xử lý khá cao nên trở nên cẩn trọng, điềm tĩnh hơn, chấp hành nghiêm luật giao thông. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả xử phạt như ở nước bạn, việc chỉ dựa vào hình ảnh trích xuất từ camera dường như vẫn chưa đủ!

Ở Việt Nam, tình trạng chuyển nhượng xe ô tô, xe máy nhưng không làm thủ tục sang tên, đổi chủ diễn ra khá phổ biến, dẫn tới cơ quan chức năng rất khó khăn trong việc truy xét người vi phạm. Cùng với đó, để đối phó với phạt "nguội", một số người nghĩ ra cách dùng băng dính dán thêm hoặc đè lên một phần số, chữ trên biển số xe. Khi cơ quan chức năng trích xuất hình ảnh để xử lý vi phạm thì lại ra biển số của xe khác. Hay gần đây lại rộ lên "dịch vụ" cho thuê bằng lái để thế thân người bị xử lý vi phạm an toàn giao thông...

Do đó, muốn phạt "nguội" đạt được hiệu quả như mong muốn, chúng ta không thể không siết chặt quản lý để chấm dứt những vấn đề nêu trên. Bởi khi vẫn còn có thể luồn lách để vi phạm mà không bị xử lý, người ta vẫn sẽ còn tiếp tục coi thường pháp luật về an toàn giao thông, tiếp tục coi thường tính mạng bản thân và người khác!

Nếu không giải quyết đồng bộ vấn đề, phạt "nguội" sẽ chỉ "nóng" được một thời gian, rồi sẽ lại "nguội" dần.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/nong-chuyen-phat-nguoi-773614