Nỗi niềm 'shipper'
PTĐT - Chẳng phải là nông dân trên đồng nhưng dãi dầu mưa nắng là chuyện thường; không mấy khi phải đi xa nhưng cũng rời nhà từ tinh mơ và trở về khi tối mịt...
PTĐT - Chẳng phải là nông dân trên đồng nhưng dãi dầu mưa nắng là chuyện thường; không mấy khi phải đi xa nhưng cũng rời nhà từ tinh mơ và trở về khi tối mịt; loanh quanh phố phường mà mỗi ngày cũng vài chục đến cả trăm km; cũng không phải đầu bếp mà món ăn nào cũng có, cũng nóng hổi đến tận tay người thưởng thức… đó là nghề của những người vận chuyển, giao hàng nhanh đến tay người dùng - Shipper.
Thời 4.0, thiết bị thông minh ngập tràn đến từng “ngóc ngách” của cuộc sống, Internet và các dịch vụ trực tuyến phát triển vượt bậc thì thị trường “mua sắm online” cũng phát triển theo tỷ lệ thuận. Trời nắng gắt hay ngày mưa rào; chiều tan tầm ngột ngạt hay sớm mùa đông buốt giá… người ta có thể trao đổi, bán, mua hàng bất kể lúc nào chỉ bằng một cái chạm tay hay click chuột, còn chuyện “món hàng” được chuyển từ nơi bán đến với người mua bằng cách như thế nào thì đã có shipper lo. Nghề vận chuyển, giao nhận hàng hóa đến tay người dùng đã trở thành loại hình dịch vụ quen thuộc và quan trọng trong thói quen mua sắm của xã hội và ngày càng trở nên “hot” khi nhu cầu của thị trường càng tăng dần lên. Những tưởng công việc của shipper đơn giản và nhàm chán chỉ là lấy hàng, đi giao cho khách và lấy tiền… nhưng cũng chất chứa rất nhiều nỗi niềm.
Đầu giờ chiều, anh Tạ Hoài Nam (phường Tiên Cát, thành phố Việt Trì) - shipper khu vực thành phố Việt Trì và một số xã lân cận lại thong dong khắp phố. Mưa phùn, chạy xe máy tà tà đến điểm giao hàng, anh dừng xe lật kính mũ bảo hiểm, tháo khẩu trang, một tay bấm điện thoại, tay còn lại nhanh thoăn thoắt tháo tấm ni lông che giỏ hàng phía sau, lấy đúng gói hàng cần gửi và bình tĩnh đứng chờ “thượng đế”. Nụ cười luôn nở trên môi, gật đầu chào khách, thông báo về gói hàng và số tiền cần thu rồi lại kiên nhẫn chờ vị khách khó tính kiểm tra kỹ càng về chất lượng, mẫu mã của sản phẩm…Anh Nam chia sẻ: “Nghề này khó khăn nhất là khi thời tiết xấu, nắng gắt hay mưa gió thì cực lắm. Rồi đến những chỗ chưa thuộc hết từng ngõ ngách thì cũng khó mà tìm được địa chỉ. Lúc tìm được nhà mà bị muộn, lệch giờ, khách không nghe máy thì coi như về không. Không đúng giờ, đúng hàng thì nguy cơ “mất việc” là hiển nhiên rồi, thế nên phải hiểu tâm lý từng đối tượng khách để lựa chọn giờ giao cho phù hợp”. Hai năm trong nghề, dù làm việc trong công ty chuyển phát chuyên nghiệp, có phân công rõ ràng các quy trình từ nhận hàng, đóng gói, chuyển hàng và phân cả khu vực giao hàng nhưng anh Nam không nhớ nổi bao lần phải nghiến răng, nuốt cái tôi cá nhân, thậm chí cả những ấm ức, tủi hờn vào trong để cố hoàn thành công việc. “Cái nghề này hay lắm, như trẻ con vậy, vừa cười đó rồi khóc luôn được. Tuy vậy, thu nhập cũng khá ổn bởi số lượng đơn hàng cao. Tùy thuộc vào cách tính toán quãng đường, cách làm của mỗi người mà sẽ có được lượng “khách quen” nhất định, từ đó việc giao hàng cũng sẽ dễ dàng hơn” - anh Nam cho biết thêm. Dùng chính khẩu trang vừa sử dụng để lau lớp bụi nhòa với nước mưa trên kính mũ bảo hiểm, rồi lau cả đôi bàn tay lem nhem ướt lạnh sau ngày dài chạy xe ngoài phố, Nguyễn Thị Thúy (quê ở huyện Thanh Sơn) là shipper tự do, cô kể: “Không mấy khi phải đi xa, vác nặng, chở nặng nhưng nghề này cũng mệt lắm, cứ chạy xe máy ngoài đường cả ngày, hứng đủ bụi, khói, nắng, mưa… Nhiều lúc, khách giục “cháy máy” nhưng đến nơi lại bị “bom”, “thượng đế” không nghe điện thoại hoặc không đồng ý lấy hàng, hoặc yêu cầu xem trước hàng hóa khi không đủ điều kiện thỏa thuận với bên bán… Khổ nhất là ship đồ ăn, thức uống vì hàng hóa có thể “quay đầu” nhưng đồ ăn thì biết quay đi đâu. Nhiều khi bị khách mắng, chủ hàng mắng mà chỉ biết ấm ức, khóc trên đường về”.
Không chỉ thiếu may mắn gặp phải các “thượng đế” khó tính, shipper đến muộn thì mất uy tín, bị mắng chửi, thế nhưng chuyện dính “bom” hàng xảy ra như “cơm bữa” thì lại phải tự nuốt ấm ức vào trong và tiếp tục hành trình với những đơn hàng, khách hàng khác. Chuyện thời tiết, mưa nắng đã đủ vất vả, những rủi ro, sự cố khi đi nhận hàng, giao hàng cũng xảy ra thường ngày. Một “cuộc đua” sẽ diễn ra khi điện thoại reo chuông, với một người bán hàng gọi tới 3 - 4 người chuyển hàng, ai nhanh hơn, đến trước thì có việc, người chậm trễ “vui lòng” ra về và chờ đợi điện thoại cho những lần sau. Và khi nhiều shipper cùng “đến đích” đúng giờ thì một số “tranh chấp” nhỏ sẽ diễn ra. Tuy nhiên, thông thường thì ai hoạt ngôn, uy tín, trách nhiệm… hơn sẽ được lựa chọn, bởi vậy mà mỗi shipper đều phải cố gắng kiềm chế, có thái độ tốt, làm việc hiệu quả để giữ chữ tín của riêng mình. Nói về những con số ghi hành trình tăng dần trên công-tơ-mét, có lẽ những shipper sẽ không thua kém các loại hình dịch vụ vận chuyển trên phố khác như taxi hay xe ôm. Tham gia giao thông, chạy xe trên đường phố nhiều nên chuyện xe cộ trục trặc, dắt bộ với hàng nặng hay vi phạm Luật giao thông đường bộ bị các lực lượng chức năng xử phạt cũng không ít. Nghiêm trọng hơn là những chạm giao thông trên đường đi chuyển hàng. Khách giục, xe hỏng, hàng hóa có khi cũng bị hỏng… shipper cũng chỉ biết ngậm ngùi cáo lỗi và đền bù… Nghề nào cũng có những yêu cầu khắt khe, cũng đòi hỏi kinh nghiệm, “tay nghề” và từ trong những vất vả như thế, cũng không thiếu những niềm vui với nghề. Đối với shipper, niềm vui có khi chỉ đơn giản là trở thành một “tấm bản đồ” cho người thân, gia đình, bạn bè hay là một người chỉ đường hoàn hảo khi họ thường xuyên được rong ruổi, biết và thuộc gần như toàn bộ các ngõ ngách trong thành phố: Chỗ nào đang làm đường, chỗ nào đang ngập nước, đoạn nào, giờ nào đường sẽ đông, ùn ứ, hay giữa trưa nắng đi tuyến phố nào sẽ râm mát hơn… Thêm nữa, mỗi đơn hàng, shipper lại gặp gỡ thêm ít nhất hai người là khách hàng, mỗi ngày hàng chục đơn, tức là họ đã gặp gỡ, quen biết thêm rất nhiều người, điều này khiến hầu hết các shipper đều khá vui tính, hoạt bát và dễ gần. “Nhiều khách dễ tính và tâm lý, mình giao hàng đúng giờ, họ thường trả thêm tiền ship; có người thì biết hàng của mình nặng nên đứng chờ sẵn, vừa tới là họ đã chạy đến gần, cùng tháo dây buộc, cùng bê giúp mình; người khác thì mời vào nhà uống nước, ăn trái cây… mỗi lúc như thế như những lời động viên giúp chúng tôi vui vẻ, gắn bó với cái nghề này hơn” - anh Nam tâm sự. Ngoài niềm vui từ khách hàng, những người “trong nghề” cũng thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, động viên nhau cố gắng bởi nếu chăm chỉ, shipper có thể có thu nhập 8-10 triệu đồng/tháng.Như những chú ong thợ cần mẫn và linh hoạt, từ sáng sớm, ở bất kể tuyến phố nào, chúng ta đều có thể bắt gặp những nhân viên giao hàng gấp gáp trên những chiếc xe máy được chằng buộc giỏ hàng. Họ vẫn mải miết hòa vào dòng người tấp nập đổ đi trăm ngả, hạnh phúc đôi khi được tính bằng số lượng đơn hàng mà họ giúp cả người bán và người mua nhận được món hàng nhanh nhất, là “tích tiểu thành đại” từ những đồng tiền công ít ỏi theo những gói hàng.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/201911/noi-niem-shipper-167553