Nỗi niềm lao động tự do
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 đang đến gần, đối với nhiều người, dịp này là thời điểm chuẩn bị tiền để mua sắm, lo toan cho một cái Tết đủ đầy. Tuy nhiên, ở một số nơi nào đó, những người lao động tự do, mỗi dịp Tết đến, Xuân về lại thêm nặng trĩu nỗi lo cơm áo, gạo tiền, thậm chí họ vẫn chưa dám nghĩ đến Tết…

Nhiều lao động tự do không mặn mà với Tết
Thấu hiểu những nỗi nhọc nhằn của những người lao động tự do, thời gian qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực thực hiện các chính sách trợ giúp lao động tự do vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.
Được nhận sự hỗ trợ ở thời điểm gian khó nhất, chị Nguyễn Thị Phượng, xã Kim Long, huyện Tam Dương xúc động nói: "1,5 triệu đồng tiền hỗ trợ với gia đình tuy không lớn nhưng cũng đỡ đần được phần nào, quan trọng là đã giúp chúng tôi vực dậy tinh thần để vượt qua giai đoạn khó khăn này…
Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài và diễn biến phức tạp khiến cuộc sống của những người lao động tự do như chúng tôi ngày càng bấp bênh, thu nhập không ổn định. Trải qua 1 năm đầy “giông bão” bởi ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay những người lao động tự do vẫn đang phải gồng mình tìm kiếm việc làm để lo trang trải cuộc sống hằng ngày.
Càng gần Tết, nhiều loại mặt hàng liên tục tăng giá khiến người lao động tự do đã khó nay càng khó. Những mặt hàng tăng giá có thể dễ nhận thấy nhất là từ bình gas đến bát bún, suất cơm bụi hay rau củ… Số tiền tưởng chừng nhỏ bé ấy vẫn đang hàng ngày đè nặng lên đôi vai những người lao động tự do vì khó tìm được việc làm..."
Lao động tự do cũng nhiều loại hình ở những lĩnh vực khác nhau, có những người chuyên làm nghề được coi là "hot" hiện nay như môi giới bất động sản, môi giới tài chính, mua bán ôtô cũ… thì vẫn “sống khỏe” nhờ nhu cầu của thị trường vẫn đang tăng cao; còn những người làm thuê, làm mướn như phụ hồ, bán hàng rong đến chạy xe ôm... đều đang phải chật vật mưu sinh.
Uể oải sau cả buổi sáng không đón được khách nào, ông Nguyễn Văn D, người làm nghề xe ôm có thâm niên tại ngã tư T50, phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên cho hay: "Dịch bệnh khiến mọi người ra đường đến nhìn nhau còn cảnh giác, huống hồ là đi xe ôm.
Thời điểm này, mỗi ngày tôi chỉ kiếm được khoảng 60 nghìn đồng, đến ăn uống hàng ngày cũng chẳng đủ chứ nói gì đến sắm Tết. Trước mắt, tôi mượn người thân chiếc xe lôi kết hợp vừa chạy xe ôm vừa chở hàng thuê kiếm thêm thu nhập".
Đối với anh Tiến, người nấu ăn thuê cho một quán ăn sáng ở phường Ngô Quyền, thành phố Vĩnh Yên thì 1 tuần vừa qua rất nặng nề bởi nơi anh làm việc bị khoanh vùng cách ly do liên quan đến F0. Với tâm lý e ngại, đến nay chủ quán vẫn chưa quyết định mở hàng trở lại. Trong thỏa thuận với chủ quán, nếu nghỉ việc ngày nào thì trừ lương ngày đó khiến thu nhập giảm.
Anh Tiến tâm sự: "Cũng may mắn là mình được ăn nghỉ tại chỗ, không phải mất tiền thuê nhà. Tuy nhiên, là trụ cột của gia đình, nếu cứ nghỉ việc như này thì không biết lấy tiền đâu cho 2 con nhỏ ăn học và lo cho cái Tết sắp tới.
Trong thời gian chờ đợi ông chủ mở lại cửa hàng, giờ chỉ mong có người gọi điện giới thiệu việc làm mới, bất kể là làm gì để có thu nhập".
Không được “may mắn” như anh Tiến, anh Trần Văn Đạt, quê ở Thái Nguyên làm nghề bán hàng rong ở thành phố Vĩnh Yên đang phải thuê nhà và nuôi 2 đứa con đang tuổi ăn học. Mấy tháng trước, anh Đạt phải rong ruổi khắp các ngõ phố để bán từng gói tăm bông mà vẫn không có khách mua.
Sau khi được bạn bè tư vấn, anh chuyển sang nghề đánh giầy, hằng ngày cũng kiếm được trên 200 nghìn đồng. Thời điểm này, việc chuẩn bị phương án mua sắm Tết đối với anh Đạt vẫn còn quá xa vời.
Mặc dù có nghề để kiếm việc làm nhưng nhiều ngày nay, anh Dương Đình Dũng, tài xế lái xe tải ở phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên vẫn đang trong tình trạng gần như thất nghiệp.
Anh Dũng chia sẻ: Thời điểm này, nhiều DN vận tải cũng gặp khó khăn, song, với kinh nghiệm trên 10 năm lái xe vận tải, đối với anh tìm việc làm cũng không khó khăn lắm, nhưng vì gia đình có người cao tuổi, lại lắm bệnh nền nên anh phải lựa chọn lái xe thuê ở những cung đường ngắn, thu nhập có giảm sâu so với năm trước nhưng lại có thời gian chăm sóc gia đình, tránh dịch bệnh cho người thân.
Không có nhiều sự lựa chọn như anh Dũng, anh Trần Cao Sáu, phường Đồng Xuân, thành phố Phúc Yên một thợ hồ tâm sự: "Thời điểm cuối năm, nhiều gia đình tiến hành sửa chữa nhà cửa nên nghề phụ hồ của tôi túc tắc vẫn có việc để làm.
Tuy nhiên, những công trình nhận được đều nhỏ lẻ, sửa chữa ít nên chỉ được vài ngày lại phải tất tả tìm kiếm công trình khác. Công việc này dự kiến chỉ đến trung tuần tháng Chạp là hết việc, vậy là lại chơi dài đến Tết. Hiện nay, do dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nên cũng không cầu mong được như những năm trước".
Với những người lao động tự do nêu trên, khi được hỏi Tết này sắm sửa ra sao thì đều có chung câu trả lời: Ăn còn chưa đủ, nói gì đến sắm Tết. Tết Nguyên đán càng đến gần thì gánh nặng, nỗi lo gạo tiền lại đè nặng lên đôi vai những người lao động tự do…
Tuy nhọc nhằn, lo lắng là vậy nhưng ở họ luôn ánh lên niềm hy vọng trong năm tới, dịch bệnh sẽ giảm để có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, không còn những nỗi thấp thỏm việc làm mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/72593/noi-niem-lao-dong-tu-do.html