Nỗi lo tái nghèo sau lũ

Sau 2 tháng khi cơn lũ lịch sử đi qua, bản Poọng, xã Tam Chung, huyện vùng cao Mường Lát (tỉnh Thanh Hóa) vẫn còn ngổn ngang đổ nát. Hầu như không ngôi nhà nào trong bản còn nguyên vẹn. Các điểm trường tiểu học và mầm non vẫn bị vùi sâu trong đất đá. Nhịp sống sinh hoạt của bà con tới nay vẫn chưa thể trở lại bình thường.

Bản Poọng, xã Tam Chung vẫn còn ngổn ngang sau lũ.

Nỗi lo sau lũ

Hơn 2 tháng trôi qua, người dân tại bản Poọng, xã Tam Chung, huyện Mường Lát vẫn đang gồng mình khắc phục hậu do cơn lũ để lại. Bao trùm lên những nhọc nhằn thiếu thốn trước mắt là nỗi lo về cuộc sống tương lai và cái nghèo cứ đeo bám dai dẳng, triền miên mỗi nóc nhà của người dân vùng lũ.

Ngồi trong chiếc lán tạm, rộng chưa đầy 5 m2, chị Lò Thị Hiệu, bản Poọng xã Tam Chung kể: Căn nhà của vợ chồng chị cùng với hơn 35 ngôi nhà khác trong bản bị sập hoàn toàn trong trận sạt lở. Gia đình chị Hiệu trước đây thuộc diện hộ nghèo của bản và mới chỉ thoát nghèo được 2 năm nay. Nhưng giờ thì bao nhiêu vốn liếng dành dụm đều mất hết. Giờ thì cái nghèo lại tiếp tục đeo bám lấy gia đình chị. “Mưa như trút nước suốt mấy ngày trời, lũ về nhanh quá, cả ngọn đồi phía sau nhà đổ ập xuống. Chúng tôi chỉ kịp hô hoán nhau chạy ra khỏi nhà mà chẳng kịp lấy được tài sản gì ra hết. Cả gia đình có 2 sào ruộng, vài bao gạo dưới gầm nhà sàn, 3 con lợn, 10 con vịt cũng bị đất đá vùi lấp. Chúng tôi định bán đi ít lợn gà lấy tiền mua quần áo mới cho mấy đứa nhỏ vào năm học mới nhưng không kịp. Giờ thì ngôi nhà cũng mất, khoản vay nợ ngân hàng vẫn chưa trả hết.” - Chị Hiệu buồn bã nói.

Mưa lũ đi qua để lại cho người dân và chính quyền địa phương bộn bề nỗi lo. Nguy cơ tái nghèo và thiếu đói giáp hạt là rất cao, bởi hầu hết các hộ gia đình đều mất hết tài sản. Ông Hà Văn Thiếu - Chủ tịch UBND xã Tam Chung, huyện Mường Lát chia sẻ: “Rồi đây số hộ nghèo của xã Tam Chung chắc hẳn không dừng lại ở con số 63,39 % hộ nghèo nữa. Bao nhiêu nỗ lực, cố gắng của chính quyền và bà con nhân dân xã Tam Chung đều bị cuốn trôi theo dòng lũ dữ”.

Cùng chung hoàn cảnh như gia đình chị Hiệu, 2 tháng nay, 6 người trong gia đình ông Hà Văn Inh (bản Poọng) vẫn phải ở trong lán được dựng tạm bằng vài miếng phên nứa. Ông Inh nói: “Nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Nhà nước và các nhà hảo tâm nên gia đình tôi đã có gạo ăn. Bây giờ chỉ mong muốn chính quyền sớm hoàn thành khu tái định cư để chúng tôi dựng lại cái nhà sàn, như thế cuộc sống mới ổn định”.

Khẩn trương xây dựng khu tái định cư

Là xã chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ, xã Tam Chung có 153 ngôi nhà bị ảnh hưởng thuộc diện di dời, trong đó có 35 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Ông Hà Văn Thiếu - Chủ tịch UBND xã Tam Chung cho biết: Hiện nay, xã vừa tập trung ổn định đời sống cho nhân dân vừa triển khai họp dân, lấy ý kiến nhân dân về công tác tái định cư. Xã đã trình UBND huyện phê duyệt phương án di dời các hộ bản Poọng lên khu đất mới khai hoang và đang được san lấp rộng khoảng 3 ha, bảo đảm mỗi ngôi nhà có diện tích 100 m2, vừa thuận lợi cho sản xuất của bà con trong bản. Tuy nhiên việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, khôi phục sản xuất tại khu tái định cư sẽ còn rất nhiều khó khăn, bởi phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân đã bị vùi lấp, không thể canh tác được.

“Khu tái định cư phải đáp ứng các điều kiện về diện tích đất ở, đất sản xuất và đặc biệt là vấn đề địa chất, thủy văn để tránh sạt lở, lũ ống lũ quét. Tuy nhiên, địa hình huyện Mường Lát chủ yếu là đồi núi hiểm trở, đất dốc, dễ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn kéo dài. Thêm vào đó, quỹ đất dân cư trên địa bàn huyện Mường Lát vốn đã hạn hẹp, trận mưa lũ vừa qua đã gây sạt lở, nên phương án tái định cư cho các hộ càng thêm khó khăn” – ông Thiếu cho biết thêm.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện tại khu đất tái định cư cho bà con bản Poọng đang được gấp rút thi công và hoàn tất. Về phương án tái định cư, hầu hết bà con trong bản đều thống nhất và rất vui mừng.

Trao đổi về kế hoạch tái định cư cho người dân bản Poọng, ông Cao Văn Cường - Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết: Đợt mưa lũ cuối tháng 8 vừa qua đã khiến 112 ngôi nhà bị sập hoàn toàn. Vì vậy, việc xây dựng nhà ở tái định cư và ổn định đời sống nhân dân là hết sức cần thiết và cấp bách. Ngoài sự hỗ trợ của tỉnh cho mỗi hộ bị mất nhà 75 triệu đồng, huyện bố trí nguồn kinh phí hỗ trợ 5,4 triệu đồng/hộ, đồng thời vận động các hộ tự chủ động tìm quỹ đất đề xuất với xã, ưu tiên phương án bố trí tái định cư tại chỗ, xen ghép giữa các hộ. Còn tại các bản bị thiệt hại nặng về nhà ở, huyện chỉ đạo các xã rà soát quỹ đất, quy hoạch và xây dựng khu tái định cư, phấn đấu đến trước Tết Nguyên Đán sẽ hoàn thành việc xây nhà tái định cư cho người dân.

Nguyễn Chung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/noi-lo-tai-ngheo-sau-lu-tintuc424504