Nỗi đau thật sự có thể khiến trái tim tan vỡ

Căng thẳng cảm xúc dẫn đến các vấn đề tim mạch nguy hiểm, có khả năng gây tử vong cho một số người.

Hiện tại, hội chứng trái tim tan vỡ không thể phân biệt được với cơn đau tim. Ảnh: Forbes.

Theo USA Today, đau khổ trong cảm xúc có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng về mặt y tế. Các tác động thể chất của đau buồn hoặc mất mát thậm chí có thể gây tử vong.

Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Cứ 5 ca tử vong thì có một ca do bệnh tim. Các yếu tố như bệnh tiểu đường, chế độ ăn uống, huyết áp cao và cholesterol cao là những yếu tố nguy cơ bệnh tim. Bên cạnh đó, căng thẳng (bao gồm hậu quả cảm xúc của một trái tim tan vỡ) cũng đóng vai trò quan trọng.

Tiến sĩ Harmony Reynolds, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tim mạch Phụ nữ Sarah Ross Soter tại NYU Langone cho biết: "Căng thẳng có thể gây ra một cơn đau tim điển hình khiến tử vong".

Một ví dụ phổ biến về "chết vì trái tim tan vỡ" là một người tử vong ngay sau khi mất đi bạn đời.

Đau khổ vì trái tim tan vỡ là một tình trạng nguy hiểm có thật mà nhiều người Mỹ phải đối phó. Một số có thể gặp hội chứng Takotsubo, còn được gọi là hội chứng trái tim tan vỡ.

Hội chứng trái tim tan vỡ là gì?

Theo tiến sĩ Harmony Reynolds, hội chứng Takotsubo là "bệnh lý cơ tim thường xảy ra do một sự kiện căng thẳng về tinh thần hoặc thể chất, chẳng hạn cái chết của một người thân yêu". Nó chiếm khoảng 1% trong tất cả hội chứng mạch vành cấp tính và thường không thể phân biệt được với cơn đau tim – khiến cho việc can thiệp y tế nhanh chóng trở nên cấp thiết.

Tiến sĩ Harmony Reynolds cho biết sự suy yếu đột ngột của các cơ tim có thể xảy ra do hệ thống thần kinh tự trị mất cân bằng. Nguyên nhân có thể là căng thẳng về thể chất hoặc cảm xúc, nhưng cô thấy một phần ba trường hợp có một yếu tố gây căng thẳng không xác định được.

Tiến sĩ Harmony Reynolds cho biết hội chứng trái tim tan vỡ không chỉ xảy ra nếu bản thân gặp chuyện buồn, đau khổ. Đôi khi nó cũng bắt nguồn từ yếu tố hạnh phúc, những sự kiện tích cực trong cuộc sống như lễ kỷ niệm, những bài phát biểu đặc biệt xúc động hoặc sự ra đời của một đứa trẻ.

Trong hội chứng Takotsubo, 90% bệnh nhân bị ảnh hưởng là phụ nữ sau mãn kinh, nhiều người trước đây được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm trạng hoặc bệnh não, bao gồm cả đột quỵ.

Việc điều trị vẫn còn tương đối xa lạ, mặc dù tiến sĩ Harmony Reynolds đã thấy thuốc ức chế men chuyển angiotensin được kê đơn có tác động tích cực đến quá trình phục hồi. Các thử nghiệm lâm sàng của NYU Langone đang cố gắng can thiệp thông qua tập thể dục, yoga và thiền, được biết là cải thiện chức năng đối giao cảm (thư giãn) bằng cách hít thở sâu.

Phụ nữ thường là những người dễ bị tác động về tình cảm, cảm xúc hơn là nam giới. Đây là nguyên nhân hội chứng "trái tim tan vỡ" thường xuất hiện ở nữ giới sau những kích thích mạnh về tình cảm và tâm lý. Ảnh: Cosmopolitan.

Làm gì nếu bạn gặp phải hội chứng trái tim tan vỡ?

Bệnh nhân mắc hội chứng Takotsubo thường hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, triệu chứng của nó giống như một cơn đau tim và điều đó khiến nhiều người dễ nhầm lẫn giữa hai bệnh này.

Tiến sĩ Harmony Reynolds cho biết hội chứng Takotsubo có thể không xảy ra dưới dạng đau ở ngực, nó có thể ở bất cứ đâu giữa đường viền hàm và răng cho đến phần trên của dạ dày, cũng bao gồm khó thở, buồn nôn, nôn, đổ mồ hôi hoặc cảm giác có điều gì đó không ổn.

Theo Mayo Clinic, không có phương pháp điều trị tiêu chuẩn nào cho hội chứng trái tim tan vỡ. Vì vậy phương pháp là điều trị tương tự như chăm sóc cơn đau tim cho đến khi chẩn đoán rõ ràng.

Nhiều người mắc hội chứng trái tim tan vỡ hồi phục hoàn toàn trong vòng một tháng hoặc lâu hơn. Siêu âm tim được thực hiện khoảng 4-6 tuần sau khi có các triệu chứng đầu tiên để đảm bảo tim đã hồi phục.

Một khi rõ ràng hội chứng trái tim tan vỡ là nguyên nhân của các triệu chứng, các loại thuốc có thể được dùng để giảm căng thẳng cho tim và giúp ngăn chặn các đợt tiếp theo.

Nghi Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/noi-dau-that-su-co-the-khien-trai-tim-tan-vo-post1409720.html