Nỗi buồn vơi đầy theo con nước

Ngồi thu lu trên con xuồng ba lá neo bên con kinh chạy qua ấp Phú Mỹ, anh Ba Lâm vừa lụi cụi vá tay lưới chuyên dùng để đánh cá linh, vừa tâm sự, giọng nghe 'rầu thúi ruột': 'Cứ hi vọng lũ về đặng kiếm thêm chút đỉnh bù vào số tiền phải bỏ ra sửa lại cái nhà sắp tới đón Tết cho xôm tụ, ai ngờ lũ chẳng những về muộn, mà còn lại thấp nên thu nhập chẳng được bao nhiêu...'. Mang theo nỗi buồn của người đàn ông nơi đầu nguồn vùng lũ An Giang, chúng tôi lặn lội khắp một khoảnh miền biên viễn, đâu đâu cũng nghe bà con than phiền: Năm nay 'lũ xấu', vì thế mà cuộc sống kém vui theo chiều con nước…

Lũ về muộn, lại thấp nên thu nhập của người dân vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long chẳng được bao nhiêu. Ảnh: Long Nguyễn

Xa rồi những mẻ lưới "nặng tay"

"Những mùa nước nổi cách đây chưa lâu, ở vùng biên giới An Phú này, người ta đong cá bằng mủng, bằng rổ chớ đâu có phải đặt lên bàn cân để cân từng ký, từng lạng như hồi này" - ông Hai Đặng, nhà cùng ở ấp Phú Mỹ (xã Phú Hội, huyện An Phú, An Giang) với anh Ba Lâm góp chuyện với chúng tôi: "Mà không riêng An Phú, khi đó, ở khắp vùng đầu nguồn con nước An Giang giáp với Campuchia, thời điểm lũ bắt đầu lên, bà con rất háo hức, vì có thể hốt bạc triệu mỗi ngày, nhờ thả lưới, giăng câu. Vậy mà, chỉ có mấy năm "lũ xấu", con cá, con tôm trốn đâu mất tiêu hết cả...".

Lão nông Hai Đặng đã sống quãng đời 70 năm có lẻ, ông có thể kể vanh vách những câu chuyện từ thủa người tứ xứ kéo về vùng biên viễn này khai hoang, lập ấp. Theo ông Hai Đặng, xưa nay, từ các xã Phú Hữu, Phú Hội, Vĩnh Lộc, Vĩnh Hội Đông của huyện An Phú cho đến Vĩnh Xương, Phú Lộc thuộc thị xã Tân Châu vẫn được mệnh danh là "mỏ cá tôm", khai thác hoài không hết. Cứ vào mùa lũ, mỗi sáng, từ già đến trẻ lại í ới gọi nhau chèo ghe ra đồng đánh bắt, để tới chiều, khi tôm cá đã đầy bụng ghe, lại chống sào tại các bến bán cho thương lái từ khắp nơi đổ về chờ từ buổi sáng.

Còn bây giờ, "mỏ cá tôm" tự nhiên ở đây ngày một teo tóp, do lũ mỗi năm một thấp, bởi vậy, cuộc sống của người dân vùng đầu nguồn gặp nhiều khó khăn. "Cái đáng lo nữa là, nguồn lợi thủy sản đã teo tóp, lại phải "gánh" cho quá nhiều người. Mấy năm nay, ở An Phú, cứ vào mùa lũ, do miệt dưới con nước lên chẳng được bao nhiêu nên người ta rủ nhau lên đầu nguồn giăng lưới, đóng đáy, đặt lọp nên cá, tôm càng trở nên khan hiếm. Những mẻ lưới nặng tay giờ chỉ còn trong dĩ vãng..." - lão nông Hai Đặng thở dài, chốt lại câu chuyện.

Tuy không có nhiều "tuổi" ngang dọc trên xứ bưng biền An Phú bằng ông Hai Đặng, nhưng anh Ba Lâm cũng có tới gần ba chục năm lênh đênh theo con nước lũ đầu nguồn. Quãng thời gian ấy, anh đã có đủ kinh nghiệm để biết luồng lạch nào lắm cá, nhiều tôm, đồng thời, cũng thuộc làu tên những loài đặc sản trứ danh của đồng đất quê nhà, mỗi khi vào mùa nước nổi. Nhớ về cái thời "lũ đẹp" ở đồng bằng sông Cửu Long, cả vùng biên giới An Phú mênh mông một màu đỏ của phù sa giống như một ngư trường khổng lồ tấp nập ghe xuồng qua lại, giọng anh trầm hẳn xuống: "Ngày đó, người ta ngóng lũ như chờ đợi một mùa làm ăn mới, vì lũ về mang theo nhiều sản vật và phù sa. Ai ngờ, con tạo xoay vần, nông dân tụi tui bao đời thân thuộc với những con nước nổi, bây giờ như bó chân, bó tay vì nước thấp, không đủ tràn đồng, thành ra, chẳng hi vọng gì vào cá mắm...".

Kém vui mùa “lũ xấu”

Giống như ở vùng đầu nguồn An Phú bên An Giang, mấy năm qua, mực nước lũ ở huyện biên giới Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp cũng vơi dần theo thời gian. Cái cảnh người người trong xóm, trong ấp hối hả sắm lưới, đan ghe chuẩn bị cho một mùa "săn" sản vật trong lũ giờ sao mà xa lắc. Có mặt tại xã Tân Công Chí, nơi mà trước đây, cứ vào những ngày đầu mùa nước nổi, dòng phù sa đỏ ngầu từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về, người đầu tiên mà chúng tôi gặp là ông Ba Tầm, một "thổ dân" đã có hơn hai phần ba đời người sống dựa vào nguồn cá tôm dồi dào nơi đây, đúng lúc ông đang thơ thẩn bên bờ kênh sau nhà. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Ba Tầm luôn đau đáu nhớ về những cánh đồng "lúa ma" ngập nước là nơi cư ngụ sinh sôi của các loài cá tôm đã giúp cho cuộc mưu sinh của người dân miền biên ải bớt gian truân, nhọc nhằn.

Đặc sản bông súng ở vùng lũ cũng không còn nhiều như trước. Ảnh: Long Nguyễn

Ông Ba Tầm kể, hồi đó thiệt là dễ sống. Chẳng kể mùa lũ, chỉ cần có tay lưới, cái chài cùng chiếc xuồng ba lá là cá tôm ăn hằng ngày thoải mái. Cũng dễ hiểu, vì khi đó, các loại cá lóc, trê, rô, sặc, ốc và cá linh cùng tôm cua, lươn, ếch, rắn ở vùng Tân Hồng còn nhiều dữ lắm. Mùa lũ, mang ra chợ bán không xuể, người ta phơi khô cá, làm mắm chứa chật nhà vẫn không hết, đành đem bón cây. Vì thế, mỗi năm, để sẵn sàng đón lũ, cứ bước qua tháng Tám, tháng Chín âm lịch, ghe thuyền, ngư lưới cụ đã được chuẩn bị tươm tất. Cả xóm, cả ấp cứ ngong ngóng ngó ra đồng chờ con nước về mang theo dòng cá tôm hội tụ. Suốt mùa lũ, hầu như chỉ có đàn bà, con nít ở nhà, còn cánh đàn ông chèo ghe quăng lưới, thả câu dồn đuổi bắt cá tôm quên cả cơm nước.

"Giờ, bông súng chẳng có sẵn như xưa, người làm nghề đánh bắt tôm, cá, lươn, cua cũng thất thu. Chung quy cũng vì mùa "lũ xấu" liên tục hiện diện ở đồng bằng sông Cửu Long, mực nước lại thấp hơn cùng kỳ nhiều năm hàng mét...".

Anh Sáu Ân chép miệng, trên gương mặt hằn rõ nỗi lo toan, vất vả mưu sinh trong mùa lũ muộn.

Nhưng thời ấy đã xa rồi. Mấy năm gần đây, cứ tới cữ mà lẽ ra, lũ đã tràn đồng, hằng ngày, ông Ba Tầm cùng với những người đàn ông trong ấp lại tấp tểnh hỏi nhau xem nước từ thượng nguồn đã về chưa. "Mùa nước dăm bảy năm trở lại đây thật lạ. Đầu tháng Mười âm lẽ ra là thời điểm lũ đã dâng cao ngập cả bờ kênh sau nhà tui non một mét, còn ngoài đồng, có nơi chân ruộng ngập sâu dễ đến 2 mét. Vậy mà năm nay, dù có nhỉnh hơn năm ngoái chút ít, nước lên cũng chẳng đáng bao nhiêu. Lũ không lên đồng thì rùa, rắn, cá tôm chẳng có cũng là điều dễ hiểu. Dân chuyên đặt lờ, thả câu cứ gọi là than trời vì thu nhập giảm tới chục lần so với những năm trước..." - ông Ba Tầm buồn bã trải lòng.

Như muốn xác nhận với chúng tôi về những gì người hàng xóm của mình thổ lộ với khách, anh Sáu Ân, người được bà con ở Tân Công Chí phong cho biệt hiệu "Sáu cá linh" vì tài săn cá linh trong mùa lũ vừa trở về sau một buổi sáng lặn lội trên con kênh Sa Rài, nói: "Ông Ba nói đúng đó! Ở vùng đầu nguồn, lại làm nghề hạ bạc mà không còn những con nước để cậy vào thì vất vả, thiếu thốn là thấy rõ...". Đôi mắt ngó xa xăm, người đàn ông da đen nhẻm kể tiếp về những "mùa vàng" trong quá khứ, khi đó, ở xứ này, dân cào te, đặt đáy, quăng chài hay buông câu, tệ lắm mỗi buổi sáng cũng mang về lượng cá tôm cho vợ mang ra chợ bán lấy tiền đủ để đong được vài yến gạo. Đó là chưa kể, lúc rảnh rỗi không phải lo cho sắp nhỏ, những người phụ nữ chỉ cần bơi xuồng ra đồng hái lấy một ghe bông súng bán cho thương lái cũng được cả mớ tiền.

Long Nguyễn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/noi-buon-voi-day-theo-con-nuoc/