Nợ thuế bao nhiêu bị hoãn xuất cảnh?
Nhiều ý kiến trái chiều về dự thảo ngưỡng nợ thuế sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân và người đại diện pháp luật của doanh nghiệp
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến đóng góp về dự thảo cá nhân, chủ hộ kinh doanh có số tiền nợ thuế trên 120 ngày từ 10 triệu đồng trở lên; người đại diện pháp luật doanh nghiệp (DN) nợ quá thuế trên 120 ngày từ 100 triệu đồng trở lên sẽ bị cấm xuất cảnh.
Nhiều điểm chưa phù hợp
Dự thảo cũng quy định cơ quan thuế thông báo cho người nợ thuế sẽ áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh bằng phương thức điện tử. Trường hợp không gửi được thông báo bằng phương thức điện tử thì cơ quan thuế thông báo trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế.
Sau 30 ngày kể từ ngày thông báo mà cá nhân, DN chưa nộp thuế, cơ quan thuế sẽ ban hành văn bản về việc tạm hoãn xuất cảnh gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện tạm hoãn xuất cảnh.
Góp ý cho dự thảo, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng Bộ Tài chính đưa ra con số nợ thuế cụ thể nhưng thiếu lý giải về cơ sở tính toán là chưa thuyết phục. Việc tạm hoãn xuất cảnh chỉ là một trong những biện pháp để nâng cao ý thức tuân thủ của người nộp thuế. Bởi lẽ, nợ ít mà chây ì cũng là thiếu ý thức về nghĩa vụ thuế, không nhất thiết số tiền nợ thuế phải lớn.
Trong khi đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nêu dự thảo quy định cá nhân nợ thuế quá thời hạn với số tiền từ 10 triệu đồng bị tạm hoãn xuất cảnh mà không cần có quyết định hành chính về quản lý thuế là chưa phù hợp. Bởi để xác định một cá nhân nợ thuế hoàn toàn dựa trên thông tin lưu trữ tại cơ quan thuế.
Nhưng thực tế không ít trường hợp thông tin có sai sót, dẫn đến việc xác định nghĩa vụ thuế chưa chính xác. Chỉ khi tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm tra về thuế và ra quyết định hành chính thuế thì các thông tin này mới được tra soát, đối chiếu và xem xét kỹ lưỡng theo một trình tự thủ tục đầy đủ.
Hệ quả của trình tự này là quyết định hành chính thuế trên đó có thể hiện số tiền nợ thuế và thời hạn nợ. Vì vậy, theo VCCI, việc tạm hoãn xuất cảnh đối với cá nhân chỉ áp dụng sau khi đã có quyết định hành chính về quản lý thuế, nhằm tránh những nhầm lẫn đáng tiếc
Về ngưỡng nợ thuế bị cấm xuất cảnh, nhiều DN phản ánh rằng mức 10 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với DN là quá thấp. Trong khi đó, đa số trường hợp, cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật của DN ra nước ngoài là để giao dịch, làm ăn với đối tác. Các giao dịch này giúp DN tăng doanh thu, từ đó nâng cao khả năng tiếp tục đóng thuế.
Nếu áp dụng ngưỡng nợ thuế thấp, việc cấm xuất cảnh có thể diễn ra trên diện rộng, gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh, dẫn đến thiệt hại về kinh tế và làm giảm nguồn thu dài hạn cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc nâng ngưỡng nợ thuế bị cấm xuất cảnh lên 1 tỉ đồng đối với DN và 200 triệu đồng đối với cá nhân.
Rủi ro lớn cho doanh nghiệp
Ở góc độ chuyên gia, ông Nguyễn Văn Được, Tổng giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín, cho rằng ngưỡng nợ thuế và thời gian nợ thuế như soạn thảo của Bộ Tài chính là hợp lý. Lý do, hiện nay pháp luật cho phép cơ quan thuế áp dụng các biện pháp cưỡng chế với các trường hợp nợ thuế quá 90 ngày. Việc tăng thời hạn nợ thuế lên 120 ngày là để người nộp thuế có thêm thời gian hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách.
"Về số tiền nợ thuế, mức 10 triệu đồng với cá nhân và 100 triệu đồng với người đại diện pháp luật của DN là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Bởi, nếu hàng ngàn DN và cá nhân nợ thuế ở mức này thì ngân sách nhà nước sẽ đứng trước rủi ro thất thu đáng kể" - ông Được nói.
Mặt khác, theo ông Được, ngưỡng nợ thuế bị tạm hoãn xuất cảnh cũng cần được điều chỉnh khi các điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi, trong đó bao gồm cả việc giảm ngưỡng nếu tình trạng nợ thuế gia tăng. Còn các trường hợp quá khó khăn dẫn đến nợ thuế thì có thể xem xét gia hạn, hoặc cho phép xuất cảnh để người nộp thuế tìm kiếm cơ hội kinh doanh, từ đó có nguồn trả nợ".
Dẫn sự việc ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc, đồng thời là người đại diện pháp luật Công ty CP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) - bị hoãn xuất cảnh hồi tháng 9-2024, ông Được cho rằng đây là một trong những rủi ro đối với một công ty còn nợ thuế. Bởi lúc đó, DN hết sức lo lắng, hoạt động sản xuất - kinh doanh cũng bị ảnh hưởng.
Tương tự, một loạt cá nhân đại diện DN thời gian qua bị tạm hoãn xuất cảnh như ông Nguyễn Quách Cương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Thành Nam Group; chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân… cũng ảnh hưởng lớn đến cá nhân và DN đó, có thể dẫn đến vỡ kế hoạch kinh doanh, đối tác quay lưng…
"Có thể vì một lý do nào đó mà cá nhân và người đại diện pháp luật DN không nhận được thông báo nợ thuế và thông tin tạm hoãn xuất cảnh, dẫn đến bị "sốc". Để hạn chế tình trạng này, người nộp thuế cần cập nhật địa chỉ nơi ở hiện tại, email, số điện thoại… với cơ quan thuế, đồng thời kiểm tra tình trạng thuế trên hệ thống Etax, tra cứu thông báo về xuất nhập cảnh trên trang điện tử của Tổng cục Thuế,… Đặc biệt, DN cần hiểu rõ và tuân thủ các quy định về thuế cũng giúp hạn chế những rủi ro trong quá trình hoạt động" - ông Nguyễn Văn Được nhận định.
Hàng loạt cá nhân đã bị cấm xuất cảnh
Thực tế cho thấy hiện nay pháp luật không quy định số tiền nợ thuế bao nhiêu sẽ bị tạm hoãn xuất cảnh. Thế nên nếu người nộp thuế chỉ nợ 1 đồng và quá thời hạn 90 ngày cơ quan thuế vẫn có quyền đề nghị tạm hoãn xuất cảnh.
Tuy nhiên, trước khi áp dụng biện pháp trên, ngành thuế đã cưỡng chế bằng cách trích tiền từ tài khoản, yêu cầu phong tỏa tài khoản ngân hàng của người nộp thuế; đề nghị cơ quan hải quan dừng làm thủ tục hàng hóa xuất, nhập khẩu; ngừng sử dụng hóa đơn… Sau khi áp dụng các biện pháp này, nếu vẫn chưa thu được nợ, cơ quan thuế mới thông báo cho người nộp thuế biết thời điểm tạm hoãn xuất cảnh, đồng thời công bố thông tin này trên cổng thông tin điện tử của Tổng cục Thuế.
Theo Hội Tư vấn và Đại lý Thuế TP HCM, ngành thuế đã và đang triển khai nhiều biện pháp cưỡng chế, trong đó có việc đề nghị tạm hoãn xuất nhập cảnh cá nhân, người đại diện pháp luật khi DN còn nợ thuế. Kết quả từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan thuế đã đề nghị tạm hoãn xuất cảnh 65.000 người, tăng gấp 3 lần so với năm 2023 là 2.400 trường hợp.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/no-thue-bao-nhieu-bi-hoan-xuat-canh-196241224204903057.htm