Nỏ Thần An Dương Vương và hai vị khách đặc biệt
Lễ dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương tại đền Thượng (xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, Hà Nội) năm nay có hai vị khách người nước ngoài, trong đó có một người gốc Việt. Cơ duyên từ câu chuyện truyền thuyết 'An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy' với chiếc nỏ thần đã đưa những vị khách này về với cội nguồn…
Truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”…
Sáng 26/4/2023, tức ngày 7/3 năm Quý Mão, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa; Huyện ủy - UBND - UBMTTQ huyện Đông Anh; Đảng ủy - HĐND - UBND - UBMTTQ xã Cổ Loa, cùng đông đảo các đoàn thể, nhân dân xã Cổ Loa, huyện Đông Anh và khách thập phương cả nước đã thành kính tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm đức vua An Dương Vương.
Theo cuốn “Ngọc phả cổ lục” lưu giữ tại đền Thượng, Khu di tích Cổ Loa, xã Cổ Loa, huyện Đông Anh, TP Hà Nội , “ngày mùng 7 tháng 3 Âm lịch là ngày vua băng hà” - tức ngày hủy kỵ của Đức vua An Dương Vương, người kế tiếp thời đại Hùng Vương, có công lập nước Âu Lạc, chuyển kinh đô từ Phong Châu (vùng Bạch Hạc Việt Trì, Phú Thọ) về Cổ Loa, xây thành, chống giặc, gìn giữ chủ quyền dân tộc, phát triển sản xuất nông nghiệp, mở rộng đất nước trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc thế kỷ III TCN.
Đức vua An Dương Vương đã được các triều đại phong kiến Lê - Nguyễn ban sắc phong Thần với sự tôn kính, ngưỡng mộ là “bậc hùng tài trong thiên hạ" có công dựng nước và cho phép nhân dân Cổ Loa đời đời phụng thờ tại đền Cổ Loa.
Theo cổ lệ, nhân dân xã Cổ Loa, tử xưa (thời Lê) đã được triều đình cho phép tổ chức tế lễ, thờ phụng Đức vua An Dương Vương, duy trì phong tục, tập quán nên được gọi là dân “tạo lệ”; được miễn trừ thuế, tạp dịch và cử người trông nom cúng lễ thường xuyên (các lệnh chỉ, lệnh dụ thời Lê, Nguyễn cho biết rõ điều này).
Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, khu di tích Cổ Loa là khu di tích đặc biệt được Thủ tướng công nhận và đây cũng là một trong những kinh đô cổ của Việt Nam. Việc hướng tới cội nguồn của dân tộc là một trong những việc làm có ý nghĩa đối với thế hệ hôm nay và mai sau.
“Lễ Dâng hương là nghĩa cử theo truyền thống dân tộc Việt Nam, là hình thức uống nước nhớ nguồn. Vua An Dương Vương là vị vua dựng lên kinh đô Cổ Loa, ở vùng bán sự địa châu thổ Bắc Bộ. Việc chuyển từ kinh đô vua Hùng từ Việt Trì, Vĩnh Phú tới đây là sự trưởng thành của dân tộc Việt Nam về mọi mặt, từ sự phát triển kinh tế, tiềm lực quân sự, văn hóa…”- ông Sơn nhấn mạnh,
Tìm về cội nguồn…
Trong số khách thập phương dự Lễ Dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương có hai vị khách đặc biệt: Michal Ruzicka và Andrei Ngo, du khách đến từ Cộng hòa Séc. Trong đó, Andrei Ngo là người gốc Việt (bố là người Việt Nam, mẹ là người Séc).
“Tôi thấy rất may mắn khi lần trở về này đúng dịp địa phương tổ chức lễ Dâng hương tưởng niệm Đức vua An Dương Vương…”- Andrei Ngo chia sẻ và cho biết, anh được cha kể nhiều về lịch sử và các câu chuyện truyền thuyết của Việt Nam, nhưng anh nhớ nhất truyện “An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy”.
Không ngần ngại, Andrei Ngo kể lại câu chuyện trong sự quan tâm, thích thú của du khách. Trong đó chi tiết mà anh quan tâm nhất là chiếc nỏ thần An Dương Vương. “Vì sao một chiếc nỏ có thể bắn ra được hàng trăm mũi tên khiến cho kẻ thù khiếp đảm phải dùng mưu kế để đánh tráo nỏ thần? Phải chăng đây chỉ là huyền thoại?”- Andrei Ngo phân vân.
Thế rồi tình cờ khi lướt kênh youtube, biết đến kỹ sư Vũ Đình Thanh đã phục dựng lại mô hình nỏ thần An Dương Vương nên Andrei Ngo đã rủ bạn tới thăm Việt Nam để tận mắt chứng kiến. Quyết định của anh đã được người cha đặc biệt ủng hộ và dõi theo hành trình của con trai ở Việt Nam…
Không chỉ hai người bạn nước ngoài, chúng tôi, những người chứng kiến sự trở về cội nguồn của Andrei Ngo cũng cảm thấy hào hứng và may mắn khi được trực tiếp gặp kỹ sư Vũ Đình Thanh cũng mô hình nỏ thần An Dương Vương.
Là một kỹ sư chuyên nghiên cứu vũ khí, Vũ Đình Thanh bị thôi thúc tìm ra “bí quyết” của vua An Dương Vương khi xưa trong chế tạo nỏ thần. Anh tâm niệm, nếu chứng minh được nỏ thần của triều đại Âu Lạc khoảng hơn 2.000 năm trước là khả thi và có thật, triều đại An Dương Vương, các Vua Hùng cũng là có thật. Từ đó, sẽ góp thêm tiếng nói khẳng định việc người Việt là chủ nhân của đất nước ta từ thuở hồng hoang…
“Nếu mỗi chiếc nỏ bắn ra một mũi tên là chuyện bình thường, nhưng liệu có một chiếc nỏ bắn ra cùng lúc nhiều mũi tên và phải bay xa, hướng trúng mục tiêu?”- Vũ Đình Thanh nhớ lại những trăn trở những ngày đầu bắt tay và chế tác nỏ thần.
Và rồi, những tâm niệm, trăn trở và và với sự giúp đỡ của các đồng nghiệp Nga, những người có kinh nghiệm chế tạo tên lửa S300, S400…, chuyên gia vũ khí Vũ Đình Thanh đã chế tác thành công mô hình nỏ thần An Dương Vương.
Điều đặc biệt là chiếc nỏ có thể chế tạo các kích cỡ to nhỏ khác nhau nhưng tất cả đều sử dụng cùng một loại mũi tên đồng được chế tác từ khuôn mẫu được khai quật được ở khu vực di tích Cổ Loa. Nỏ bắn được các khoảng cách mục tiêu khác nhau (có thể lên tới 1.000 m) chỉ ở một vị trí đặt mũi tên duy nhất trong ống, còn các vị trí khác tên không bay được..
Theo kỹ sư Vũ Đình Thanh, chiếc nỏ được chế tác có ống tên như trong lễ hội rước nỏ thần của người dân Cổ Loa xưa, sử dụng vuốt rùa làm lẫy nỏ như trong truyền thuyết, trùng hợp hoàn toàn với những ghi chép của sử sách xưa về nỏ thần An Dương Vương. Nỏ thần này là duy nhất trên toàn thế giới, bắn nhiều tên cùng lúc và sáng chế này đã được Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng Độc quyền sáng chế ngày 25/8/2022.
Chứng kiến quá trình lắp ráp và trải nghiệm bắn chiếc nỏ mô phỏng nỏ thần An Dương Vương, cả Michal Ruzicka và Andrei Ngo không giấu được sự xúc động xen lẫn tự hào. “Chắc chắn chúng tôi sẽ quay lại Việt Nam và rủ thêm nhiều bạn bè để trải nghiệm”-Andrei Ngo quả quyết.
Chia sẻ sau Lễ Dâng hương, ông Phùng Quang Thắng, Phó chủ tịch thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam cho biết, dưới góc độ du lịch, người dân Việt Nam và du khách nước ngoài cũng nhiều người biết đến câu chuyện chiếc nỏ thần trong truyền thuyết “An Dương Vương và Mị Châu - Trọng Thủy”. Tuy nhiên việc khai quật được rất nhiều mũi tên, đặc biệt là khuôn đúc mũi tên và lẫy nỏ thần (hiện đang được trưng bày tại Nhà trưng bày di tích Cổ Loa) là những hiện vật rất quan trọng, nó minh chứng cho câu chuyện này không còn là truyền thuyết mà có thật.
Các nhà khoa học, các nhà quân sự cũng đang rất nỗ lực để khắc họa nên hình hài của chiếc nỏ thần ngày xưa như thế nào thì với chiếc nỏ mô phỏng nỏ thần An Dương Vương do kỹ sư Vũ Đình Thanh chế tác đang được trưng bày tại Nhà trưng bày di tích Cổ Loa, dưới góc độ du lịch chúng tôi thấy rất lý thú. Bởi du khách đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng di tích nhưng có hiện vật hiện hữu để giới thiệu về khu vực này, đặc biệt là câu chuyện liên quan đến nỏ thần của An Dương Vương …