Nỗ lực xử lý triệt để các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng
Với hàng chục cơ sở tồn lưu hóa chất BVTV, đến nay Thanh Hóa chỉ còn 5 điểm tồn lưu có nồng độ chất ô nhiễm cao hơn so với quy chuẩn.
Đưa ra khỏi danh mục ô nhiễm hàng chục cơ sở
Để bảo vệ môi trường đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, những năm qua cùng với công tác tuyên truyền, thực hiện quan trắc những vùng có nguy cơ ô nhiễm, Sở TN&MT đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản và các giải pháp thiết thực, nhất là việc xử lý triệt để các điểm ô nhiễm môi trường đất.
Trước đây, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 82 cơ sở, điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần phải xử lý triệt để, trong đó có 45 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật (BVTV), 5 làng nghề, 7 bãi chôn lấp rác thải, 1 khu vực bị ô nhiễm xăng dầu...
Theo các giai đoạn xử lý: 2003-2007, 2013-2015, 2015-2020, đến nay đã có 37/82 cơ sở, điểm được xử lý triệt để ô nhiễm và rút khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: 23 bệnh viện, 13 điểm tồn lưu hóa chất BVTV và 1 khu vực Hồ Thành.
Từ số liệu thống kê cho thấy, trong số các cơ sở, điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã và đang được xử lý, số điểm tồn lưu hóa chất BVTV chiếm nhiều nhất.
Số điểm này tập trung chủ yếu ở các huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Nga Sơn, Thọ Xuân, thị xã Nghi Sơn...
Ngành chức năng cho rằng, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt của người dân từ tình trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn dư là không hề nhỏ. Do vậy, việc xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm này là hết sức cần thiết và cấp bách.
Từ khi thực hiện Quyết định số 1946/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã xử lý triệt để 13 điểm tồn lưu hóa chất BVTV tại một số địa phương như: xã Vĩnh Long (Vĩnh Lộc), phường Hải An (thị xã Nghi Sơn), xã Minh Tâm (Thiệu Hóa), xã Minh Sơn (Triệu Sơn)...
Cũng theo ngành chức năng, Sở TN&MT đã phối hợp với Trung tâm Phân tích và chuyển giao công nghệ môi trường thuộc Viện Môi trường Nông nghiệp Việt Nam khảo sát, lấy mẫu phân tích, đánh giá hiện trạng 32 điểm tồn lưu hóa chất BVTV còn lại.
Qua khảo sát lấy mẫu đánh giá, có 27 điểm tồn lưu hóa chất BVTV có nồng độ ô nhiễm thấp hơn QCVN 54:2013/BTNMT. Từ kết quả trên, Sở TN&MT đã đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh ban hành quyết định đưa 27 điểm trên ra khỏi danh sách các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Đây là kết quả đáng ghi nhận trong công tác xử lý môi trường đất tại các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trong thời gian qua.
Tạm dừng điều tra, đánh giá 5 điểm ô nhiễm
Hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ còn 5 điểm tồn lưu có nồng độ chất ô nhiễm cao hơn so với quy chuẩn, cần xử lý triệt để gồm: Khu vực tồn lưu hóa chất BVTV Nhà máy hóa chất Trung Hưng, phường An Hưng (TP Thanh Hóa); kho chứa hóa chất BVTV tại Trạm BVTV Cổ Điệp, xã Vĩnh Phúc (Vĩnh Lộc); kho chứa hóa chất BVTV Đình Thôn 1, xã Vĩnh An (Vĩnh Lộc); điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp cũ, xã Vạn Hòa (Nông Cống) và điểm tồn lưu hóa chất BVTV kho vật tư nông nghiệp cũ thuộc phường Nguyên Bình (thị xã Nghi Sơn).
Tuy nhiên, do gặp một số khó khăn như đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ không đủ năng lực, không đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, kỹ thuật; chưa có hướng dẫn cụ thể, chi tiết về xây dựng phương án, công nghệ xử lý phù hợp đối với từng điểm ô nhiễm; Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 thay thế Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 có những thay đổi về quy định liên quan đến việc điều tra, đánh giá, xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường đất…
Từ những nguyên nhân trên, Sở TN&MT đã báo cáo UBND tỉnh Thanh Hóa về việc xin tạm dừng điều tra, đánh giá chi tiết 5 điểm ô nhiễm trên để chờ hướng dẫn mới.
Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Thanh Hóa cho biết: “Từ những kết quả đạt được trong việc xử lý môi trường đất tại các điểm tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản gửi các địa phương để quản lý, cảnh báo các tác động có thể xảy ra để có những khuyến cáo kịp thời, giúp người dân yên tâm sinh sống, sản xuất và phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”.
Cũng theo bà Huệ, liên quan đến 5 điểm tồn lưu có nồng độ chất ô nhiễm cao hơn so với quy chuẩn, hiện UBND tỉnh đã đồng ý cho Sở TN&MT tạm dừng điều tra, đánh giá để chờ quy định mới của Bộ, Ngành trung ương.