Nỗ lực hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng theo tâm nguyện của Bác
Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh là biểu tượng ngời sáng của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần quốc tế cao cả. Cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Người đã để lại cho dân tộc ta một di sản vô cùng quý báu: tư tưởng, đạo đức và phong cách của nhà cách mạng lỗi lạc suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Để rồi, học tập và làm theo Bác được xem là kim chỉ nam để hiện thực hóa khát vọng thịnh vượng cho quê hương, đất nước.
Kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2022)
Diện mạo đô thị TP Thanh Hóa ngày càng văn minh, hiện đại. Ảnh: Lê Dung
Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, sự kiện khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa năm 1945 có ý nghĩa vô cùng trọng đại, mở ra một kỷ nguyên mới. Điều này đã được khẳng định trong Tuyên ngôn độc lập, với quốc hiệu và hệ giá trị Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác lập: “Việt Nam dân chủ cộng hòa - độc lập, tự do, hạnh phúc”. Còn trong “Di chúc” – văn kiện lịch sử được kết tinh bởi tư tưởng, văn hóa, trí tuệ, đạo đức và tâm hồn cao đẹp Hồ Chí Minh – Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”!
Là người có quá trình nghiên cứu lâu năm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Giáo sư Hoàng Chí Bảo cho rằng, di sản Hồ Chí Minh kết tinh ở tư tưởng – đạo đức – phong cách và phương pháp của Người, thể hiện khát vọng mãnh liệt của Người về một tương lai tươi sáng, triển vọng tốt đẹp của dân tộc ta hướng tới “hệ giá trị cốt lõi” của phát triển: độc lập - tự do - hạnh phúc của Tổ quốc, dân tộc và Nhân dân ta. Khát vọng Việt Nam trong đổi mới, hội nhập quốc tế là khát vọng của đất nước – dân tộc và con người Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Khát vọng ấy hòa hợp ý Đảng – lòng dân, trở thành phép nước, là sự tiếp nối và hiện thực hóa khát vọng xây dựng và phát triển đất nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là sự thống nhất lý tưởng, mục tiêu, đồng tâm nhất trí trong hành động để thực hiện “xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người gắn với giữ gìn, phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam trong thời kỳ mới”.
Tâm nguyện của Bác về sự phát triển đất nước cũng chính là lý tưởng, là khát vọng phồn vinh, hạnh phúc đã được Người định hướng, dẫn dắt, vun đắp và trao truyền lại để toàn Đảng, toàn dân ta ngày nay ra sức kế thừa, phát huy và hiện thực hóa thành các thành quả phát triển kinh tế - xã hội, cũng như nâng tầm vị thế quốc gia – dân tộc trên trường quốc tế. Đặc biệt, trải qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2010-2020, Việt Nam đã tạo dựng được cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín và sức mạnh tổng hợp chưa từng có. Đây cũng là nền tảng vững chắc để Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Quan điểm ấy thể hiện sự đổi mới sáng tạo và tầm nhìn của Đảng ta trên cơ sở thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về phát triển đất nước. Đồng thời, khẳng định khát vọng vươn lên mãnh liệt, cùng quyết tâm chính trị cao, nhằm hướng đến dựng xây một nước Việt Nam cường thịnh, “sánh vai với các cường quốc năm châu” như tâm nguyện của Bác Hồ.
Là vùng đất của những bản anh hùng ca dựng nước, giữ nước được khơi dậy đầy hào sảng, bởi vậy, Thanh Hóa có vị thế đặc biệt trong tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo PGS.TS Đỗ Xuân Tuất, Phó Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Nghiên cứu Hồ Chí Minh, thì với tầm nhìn xa rộng của một bậc vĩ nhân, Đại nhân - Đại trí - Đại dũng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao đất và người xứ Thanh, truyền thống đấu tranh anh hùng, bất khuất của Nhân dân Thanh Hóa, được kết tụ trong biết bao tấm gương tiêu biểu như Bà Triệu, Lê Hoàn, nhất là tầm vóc vĩ đại của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, tiêu biểu cho khí phách, trí tuệ, sức mạnh của con người xứ Thanh... Mặc dù đã trải qua không ít những cơn sóng dữ, song truyền thống văn hiến, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, của con người xứ Thanh, như một sức mạnh tiềm tàng, đã trỗi dậy và tỏa rạng!
Tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời là xây dựng “Thanh Hóa trở nên một tỉnh kiểu mẫu”. Đồng thời, “Một tỉnh mô phạm chẳng những mô phạm ở một mặt mà còn phải ở nhiều mặt”. Vì vậy, mọi sự phát triển phải đồng thời đi trên đôi chân của kinh tế và văn hóa. Thậm chí phải làm cho “văn hóa thấm sâu vào tâm lý quốc dân”. Là tỉnh “có tiếng là văn vật”, xứ Thanh vẫn tự hào với một miền di sản giàu có và đặc sắc. Song, văn hóa ở đây còn là văn hóa con người, văn hóa làm người, là đạo đức công dân. Bởi như lời Bác dạy “muốn xây dựng CNXH phải có con người thấm nhuần đạo đức XHCN”! Có thể nói, tâm nguyện cũng chính là sự tin tưởng Bác dành cho Thanh Hóa cũng chính là tầm nhìn, là giá trị, là khát vọng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã và luôn khắc ghi để ra sức thực hiện.
Các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp là một trong những thế mạnh phát triển của tỉnh Thanh Hóa.
Đến nay, cùng với sự vươn dậy mạnh mẽ của đất nước, Thanh Hóa cũng đang tạo được nhiều bước đột phá trong phát triển. Tính riêng giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân hằng năm đạt 11,2%, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước; quy mô kinh tế của tỉnh đứng thứ 8 cả nước và cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ; thu ngân sách Nhà nước bình quân hằng năm tăng 19%, năm 2020 đạt 31.418 tỷ đồng, gấp 2,5 lần năm 2015, đứng thứ 11 cả nước. Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, toàn tỉnh đã thu hút được 1.205 dự án đầu tư trực tiếp (79 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đạt 147.360 tỷ đồng và 3.778 triệu USD. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội giai đoạn 2016-2020 đạt 581 nghìn tỷ đồng, gấp 1,7 lần giai đoạn 2011–2015... Năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức, song Thanh Hóa vẫn đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm (GRDP) 8,85% và là địa phương đứng trong nhóm tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đặc biệt, theo kết quả vừa được công bố, Thanh Hóa lần đầu tiên lọt top 3 tỉnh dẫn đầu cả nước về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2021. Điều này là minh chứng sinh động, thuyết phục cho sự nỗ lực, quyết tâm của tỉnh ta trong thực hiện khâu đột phá về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh những năm qua.
Có thể khẳng định, với bản lĩnh, trí tuệ, sự nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp; và đặc biệt là phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, đổi mới, sáng tạo của đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc, tỉnh Thanh Hóa đã và đang khơi dậy mạnh mẽ nguồn lực nội sinh to lớn, để làm nền tảng cho phát triển nhanh và bền vững. Đây cũng chính là cơ sở để Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 5-8-2020 về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó xác định mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới, cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc; đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân cả nước.
Với tiềm lực và vị thế đã và đang được gây dựng, vun đắp, Thanh Hóa đang đứng trước những thời cơ, vận hội chưa từng có để đột phá tăng trưởng và hiện thực hóa các mục tiêu tương lai. Song, luôn nhắc nhớ lời Bác căn dặn, rằng “tự mãn, tự túc là bó mình lại, không cho mình tiến bộ thêm” và “cái sức mạnh vô địch mà ta có thể thắng quân địch giành độc lập, thống nhất là sự đoàn kết”. Bởi vậy, đồng lòng, đồng sức và khơi dậy tinh thần, ý chí, khát vọng phát triển thịnh vượng, hạnh phúc chính là nền tảng để tạo nên cái sức mạnh dời non lấp biển ấy!