Nỗ lực để đạt tăng trưởng GDP 6%
Theo ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, trong bối cảnh kinh tế thới giới khó khăn, tẳng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 đạt 6% cũng đã là thành tích.
Ông Trần Văn Lâm cho rằng, tăng trưởng là tổng hợp của tất cả các yếu tố. Các lĩnh vực đều cần thúc đẩy phát triển với tốc độ cao nhất. Có 3 trụ cột tăng trưởng là: tiêu dùng, đầu tư; xuất khẩu để tạo nên bước tăng trưởng mạnh nhất, quan trọng nhất, đóng góp tăng trưởng lớn nhất cho nền kinh tế. “Muốn nền kinh tế phát triển cao, nhất quyết phải giữ được đà tăng của 3 lĩnh vực đó. Phải thúc các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng để nó mạnh lên”-ông Lâm nói.
Từ đầu năm đến nay, Chính phủ vẫn thực hiện các chính sách tác động đồng thời vào 3 yếu tố đó. Nhưng chúng ta đã hội nhập kinh tế tương đối cao nên tác động của thị trường đến 3 yếu tố này cũng ở mức độ khác nhau. Thực tế tiêu dùng bị ảnh hưởng chung trong bối cảnh tiêu dùng toàn cầu suy giảm do sau dịch Covid-19 thu nhập, đời sống, việc làm suy giảm nên tiêu dùng giảm. Khi đời sống khó khăn người dân tích lũy, tiết kiệm, và hạn chế tiêu dùng.
Theo ông Lâm, vừa qua chúng ta đã có giải pháp để kích thích tiêu dùng chính là việc giãn, hoãn, giảm các loại thuế, đặc biệt là thuế VAT vì đây là thuế đánh trực tiếp vào người tiêu dùng. Điều này cũng tác động hỗ trợ một phần nhất định để cho các lĩnh vực sản xuất phát triển.
Ông Lâm nói: “Đầu tư có đầu tư công và đầu tư tư, đầu tư tư hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường. Khi thị trường sôi động thì đầu tư tư sẽ tăng, theo đó tăng cường thành lập doanh nghiệp, các lĩnh vực chứng khoán, đất đai cũng sôi động lên. Trong bối cảnh hiện nay khi nền kinh tế khó khăn thì đang suy giảm đầu tư tư. Trong khi đầu tư công có thể chủ động được. Do đó cần tăng cường đầu tư công để bù đắp vào đầu tư tư. Thông qua đầu tư công sẽ lan tỏa tới các lĩnh vực khác để thúc đẩy tăng trưởng các lĩnh vực khác. Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn chúng ta đều tính đến trong giai đoạn này phải tăng cường đầu tư công”.
Theo ông Lâm, xuất khẩu phụ thuộc vào thị trường thế giới. Năm nay thị trường thế giới thu hẹp, các đơn hàng bị cắt giảm, lao động việc làm giảm và xuất khẩu giảm. Đầu ra giảm thì giảm nhập nguyên liệu đầu vào...
Các giải pháp của Chính phủ đều tác động đến 3 lĩnh vực này. Nhưng do bối cảnh, điều kiện nên chỉ ở mức độ. Kích cầu tiêu dùng thông qua chính sách thuế nhưng cũng chỉ ở mức độ nhất định. Khả năng cuối năm nay kinh tế thế giới sẽ phục hồi, nhu cầu cuối năm dịp giáng sinh, Tết, các đơn hàng tăng lên thì khả năng cuối năm tăng trưởng xuất khẩu cũng sẽ tăng từ đó bù đắp cho phần hụt của những tháng đầu năm. Bên cạnh đó, muốn tăng xuất khẩu cần tăng cường thu hút đầu tư FDI, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA), chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Còn đầu tư công là cái có thể chủ động được và cần đẩy mạnh trong vài tháng tới.
Ông Lâm đánh giá, các giải pháp mà Chính phủ đang thực hiện là rất “trúng” và “đúng”, kiên trì với các giải pháp, chiến lược và mục tiêu đặt ra nên kết quả tăng trưởng năm nay có thể không đạt ở mức 6,5% nhưng sẽ đạt ở mức 5,8-6%. “Trong bối cảnh thế giới như hiện nay, nếu đạt được kết quả này thì cũng là thành tích, nỗ lực cố gắng rất lớn của nước ta. Hiện tình hình kinh tế thế giới đang trong bối cảnh sụt giảm toàn cầu, lạm phát cao. Trong khi lạm phát của Việt Nam thấp. Đó là thành công rất lớn của nước ta. Một số yếu tố vĩ mô của thế giới vẫn bất ổn, thị trường chưa hồi phục mà chúng ta vẫn giữ được sự ổn định như vậy là một thành công lớn”-ông Lâm nói.
Ông Lâm đặt vấn đề: Không nên quá nóng vội về tăng trưởng cao hay thấp. Hiệu quả của nền kinh tế không chỉ nằm ở tăng trưởng, vì tăng trưởng chỉ là một phần. Với một đất nước thì kết quả tăng trưởng phải được thể hiện ra bằng các yếu tố về xã hội, môi trường, an ninh trật tự và nâng cao đời sống cho người dân. Đó mới là sự phát triển. Còn tăng trưởng mà không đảm bảo yếu tố xã hội, mất an ninh trật tự, môi trường bị suy giảm... thì lúc đó tăng trưởng không có ý nghĩa. Và mục tiêu mà chúng ta hướng tới đó là, không tăng trưởng bằng mọi giá.
Do đó nếu năm nay tăng trưởng đạt ở mức 6% cũng là sự cố gắng phấn đấu rất lớn. Ngay trong tăng cường đầu tư công, để tăng trưởng cũng phải gắn liền với tính hiệu quả. Nếu không quản lý được, đầu tư tràn lan, nhiều công trình dự án đầu tư xong nhưng phát huy hiệu quả kém. Như thế là lãng phí tiền đầu tư.
Tại phiên họp Chính phủ tháng 9, trên cơ sở kết quả 9 tháng, dự báo bối cảnh, tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra các kịch bản tăng trưởng quý IV và cả năm 2023. Cụ thể: Kịch bản 1: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,0%, quý IV cần tăng 7,0% (quý IV năm 2022 tăng 5,92%). Kịch bản 2: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3: Tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%. Về vấn đề trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu lựa chọn kịch bản tăng trưởng GDP cả năm khoảng 6% để tiếp tục phấn đấu đạt kết quả cao nhất có thể cho năm 2023.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/no-luc-de-dat-tang-truong-gdp-6-5740083.html