Nỗ lực cấp nước chống hạn, phục vụ sản xuất
Hơn một tháng qua, trên địa bàn tỉnh xảy ra nắng nóng diện rộng đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân và cấp nước phục vụ sản xuất. Điều đáng nói là, thời điểm nắng nóng kéo dài lại trùng với lịch sản xuất vụ thu mùa 2020, khiến việc cấp nước sản xuất gặp nhiều khó khăn do nguồn nước hạn chế.
Chi nhánh Thủy nông Đông Sơn, Công ty TNHH MTV Sông Chu đặt máy bơm dã chiến chống hạn tại xã Đông Yên (Đông Sơn).
Một số diện tích đã phải dừng gieo cấy theo lịch thời vụ để chờ mưa. Còn những diện tích đã được gieo cấy lại đang đối mặt với nguy cơ thiếu nước, một số diện tích có nguy cơ chết cao. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp, các đơn vị thủy nông đang phối hợp với chính quyền các địa phương tập trung thực hiện các giải pháp chống hạn cho diện tích cây trồng, nhất là diện tích lúa
mới gieo cấy.
Cánh đồng lúa của thôn 3, xã Đông Khê (Đông Sơn) những ngày này chân ruộng khô trắng, nứt nẻ, những thân lúa non đang ngày một khô héo chờ nước. Người dân nơi đây cho biết, tình trạng thiếu nước tưới dưỡng cho cánh đồng lúa của thôn đã diễn ra hơn 10 ngày nay. Hiện, nhiều diện tích lúa đã có dấu hiệu khô héo, nếu nắng nóng tiếp tục diễn ra trong vài ba ngày tới, ruộng không được cấp nước kịp thời thì nguy cơ lúa bị chết cháy sẽ khó tránh khỏi.
Nói về tình trạng thiếu nước sản xuất và tưới dưỡng cho diện tích lúa mới gieo cấy, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Khê (Đông Sơn), cho biết: Hiện nay, toàn xã có 10 ha trồng lúa vẫn chưa thể giải phóng được đất để gieo cấy vì không có nước, 20 ha lúa đã gieo cấy đang bị thiếu nước dưỡng, tập trung ở thôn 3 và thôn 5 của xã; trong đó, có một số diện tích lúa ở chân ruộng cao đã thiếu nước nhiều ngày, nếu 2 đến 3 ngày tới trời không có mưa thì nguy cơ chết cao. Nói về nguyên nhân khiến nhiều diện tích trồng lúa bị thiếu nước sản xuất và tưới dưỡng, ông Trọng cho biết thêm: Toàn xã Đông Khê có 295 ha sản xuất nông nghiệp, trong đó có 190 ha phụ thuộc vào nguồn nước tưới của hồ Rủn. Tuy nhiên, do nắng nóng gay gắt kéo dài, lại chưa tới lịch lấy nước, nên hồ Rủn bị hết nước, không có nguồn nước bơm tưới, dẫn đến nhiều diện tích không có nước sản xuất và tưới dưỡng. Để bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, hiện xã đang tích cực phối hợp với đơn vị thủy nông tập trung dẫn nước từ kênh chính vào hồ Rủn khi đến lịch cấp nước, từ đó tạo nước nguồn để bơm nước vào các kênh dẫn nước. Đồng thời, huy động máy bơm dầu trong dân, vận hành bơm đẩy nước vào các xứ đồng để cứu lúa.
Tình trạng thiếu nước, khô hạn không chỉ diễn ra tại xã Đông Khê mà đã xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đông Sơn. Hiện, diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước, có nguy cơ khô hạn trên địa bàn huyện khoảng 368,5 ha. Trong đó, diện tích thiếu nước để làm đất, gieo cấy là 33,5 ha, diện tích thiếu nước tưới dưỡng cho lúa đã gieo cấy là 335 ha, tập trung tại các xã: Đông Hoàng, Đông Khê, Đông Ninh, Đông Hòa, Đông Yên, Đông Phú, Đông Quang, Đông Văn, Đông Nam.
Để khắc phục tình trạng thiếu nước, hạn hán xảy ra, UBND huyện Đông Sơn đã phối hợp với Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Thủy nông Đông Sơn thực hiện lịch cấp nước cho diện tích sản xuất vụ thu mùa nói chung và diện tích thiếu nước, khô hạn nói riêng. Phân công cụ thể cán bộ theo dõi, kiểm tra đồng ruộng, củng cố bờ vùng, bờ thửa để tránh mất nước gây thiếu nước cục bộ. Chi nhánh Thủy nông Đông Sơn đã vận hành toàn bộ 8 trạm bơm do đơn vị quản lý, với công suất tối đa để phục vụ công tác sản xuất và chống hạn. Đối với diện tích bị thiếu nước, khô hạn, đơn vị thủy nông đang bố trí lực lượng ưu tiên dẫn nước vào các chân ruộng bị khô hạn, nứt nẻ, phục vụ công tác chống hạn. Đặt các máy bơm dầu dã chiến để bơm kíp cầu tại những nơi nước chưa về kịp, phục vụ dẫn nước vào các kênh, chân ruộng, phục vụ công tác chống hạn. Hiện, đơn vị thủy nông đã đặt 4 máy bơm dầu dã chiến có tổng công suất 320m3/h, tại các xã: Đông Khê, Đông Phú, Đông Yên và thực hiện bơm 24/24 giờ để chống hạn.
Ông Phạm Hải Thành, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Đông Sơn, cho biết: Mặc dù đã và đang nỗ lực thực hiện các giải pháp cấp nước phục vụ sản xuất và chống hạn, tuy nhiên ngoài vấn đề khó khăn về nguồn nước bơm tưới, thì khó khăn lớn nhất trong công tác chống hạn tại Đông Sơn hiện nay là diện tích lúa gieo sạ của huyện lớn, lên tới 2.532 ha/3.600 ha, gấp 2 lần so với diện tích trong kế hoạch sản xuất của huyện. Diện tích này do đầu vụ phải tháo kiệt nước để gieo, nên chân ruộng gần như không có nước trữ, vì thế chỉ nắng vài ngày là xảy ra tình trạng nứt nẻ. Để tưới cho những diện tích nứt nẻ cần lượng nước lớn, thời gian tưới lâu, gây khó khăn cho công tác chống hạn.
Tại huyện Quảng Xương, tính đến ngày 7-7, trên địa bàn có 296,8 ha sản xuất nông nghiệp thiếu nước sản xuất, trong đó, diện tích thiếu nước tưới dưỡng cho lúa đã gieo cấy là 84,8 ha. Đáng chú ý, hiện huyện đang có 212 ha không thể thực hiện gieo cấy vì thiếu nước phải chuyển đổi sang các cây trồng khác.
Trước tình hình khô hạn nói trên, để bảo đảm nguồn nước tưới cho diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước và hạn, cùng với việc thực hiện các biện pháp vận hành các trạm bơm, dẫn nước vào các kênh, các xứ đồng, Chi nhánh Thủy nông Quảng Xương, Công ty TNHH MTV Sông Chu đã và đang tập trung điều hành dẫn nước tưới theo phương châm chân xa, cao trước, thấp gần sau, nhất là trong thời điểm căng thẳng về nguồn tưới; đồng thời, phối hợp với chính quyền các địa phương, huy động máy bơm dầu, bơm cole trong dân để bơm nước vào ruộng. Hiện, trên địa bàn huyện Quảng Xương đã huy động được 95 máy bơm dầu, bơm cole ra các xứ đồng để vận hành, phục vụ công tác chống hạn. Ông Đỗ Công Hợi, Giám đốc Chi nhánh Thủy nông Quảng Xương, cho biết: Là địa phương nằm ở cuối nguồn tưới, nên khó khăn lớn nhất trong công tác cấp nước, phục vụ sản xuất và chống hạn của Chi nhánh Thủy nông Quảng Xương hiện nay là các trạm bơm thuộc vùng sông Lý, như: Nam Quảng Khê, Quảng Lộc, Quảng Bình 4+2, Quảng Ngọc hiện không thể vận hành do mực nước nguồn thấp, nên nước bơm tưới phục vụ sản xuất không có. Nguồn nước tại kênh Bắc Bái Thượng hạn chế, trong khi nhu cầu sử dụng nước để phục vụ sản xuất lại đồng thời, cùng lúc, gây khó khăn lớn trong việc cân đối, phân bổ nguồn nước phục vụ sản xuất và chống hạn.
Theo thông tin của Chi cục Thủy lợi tỉnh, tình trạng thiếu nước, khô hạn đối với diện tích sản xuất nông nghiệp đã và đang xảy ra tại nhiều địa phương. Tính đến ngày 7-7, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiếu nước lên tới 8.269 ha. Trong đó, diện tích thiếu nước làm đất, gieo cấy là 1.521 ha, diện tích thiếu nước tưới dưỡng cho lúa đã gieo cấy là 6.384 ha, diện tích thiếu nước không thể sản xuất lúa mà phải chuyển sang trồng các loại cây khác là 364 ha.
Trước tình hình nắng nóng gay gắt, để bảo đảm nguồn nước gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch và chống hạn cho diện tích lúa mới gieo cấy, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn, các HTX phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thủy nông thực hiện nghiêm túc các phương án tưới và chống hạn năm 2020. Tập trung chỉ đạo cấp nước phục vụ tưới dưỡng cho diện tích lúa đã gieo cấy; đồng thời, cấp nước cho diện tích đang chờ nước để bà con nông dân tiến hành làm đất và gieo cấy. Kiểm soát chặt chẽ độ mặn ở vùng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn trước khi lấy nước. Các đơn vị quản lý, khai thác các công trình thủy lợi phối hợp với các xã, phường, thị trấn, HTX dùng nước và các đơn vị liên quan trong công tác điều tiết, phân phối nước hợp lý, tiết kiệm, không để hiện tượng thất thoát nước hoặc lấy nước tràn lan gây lãng phí.
Đối với việc thực hiện các giải pháp chống hạn, các địa phương và đơn vị thủy nông tiếp tục triển khai thực hiện nạo vét kênh dẫn, cửa lấy nước và kênh trữ nước trên địa bàn đã trữ nước, duy trì các đập tạm ngăn giữ nước trên kênh tiêu, sông nội địa để dâng nước cho các trạm bơm hoạt động. Đối với vùng tưới bằng bơm điện, căn cứ vào tình hình thực tế nạo vét bể hút và nối dài ống, lắp đặt máy bơm có cột nước cao, duy trì các trạm bơm dã chiến, đắp đập tạm để vận hành các trạm bơm. Đối với vùng tưới bằng hồ đập nhỏ, khi mực nước trong hồ xuống thấp hơn mực nước chết thì huy động máy bơm dầu dã chiến để bơm lượng nước chết trong hồ phục vụ công tác tưới và chống hạn.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/no-luc-cap-nuoc-chong-han-phuc-vu-san-xuat/121332.htm