Nỗ lực bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm
CLB Thổ cẩm thôn Xây Dựng là nơi các chị em lưu giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm của người dân tộc Ê Đê. Ảnh NGÔ XUÂN
CLB Thổ cẩm thôn Xây Dựng vừa được Hội LHPN xã Suối Trai (huyện Sơn Hòa) thành lập. Đây là nơi các thành viên học tập, chia sẻ kinh nghiệm dệt thổ cẩm, để cùng nhau bảo tồn và phát triển nghề dệt của người đồng bào dân tộc Ê Đê.
Truyền nghề
CLB Thổ cẩm thôn Xây Dựng có 24 thành viên, trong đó có 10 phụ nữ lớn tuổi, rất thạo nghề dệt thổ cẩm. Số còn lại là các phụ nữ trẻ, có lòng đam mê, yêu thích thổ cẩm, nhưng chưa thông thạo cách dệt. Các thành viên sinh hoạt hàng tháng, hàng quý nhằm chia sẻ cho nhau cách dệt vải, cách tạo được hoa văn đẹp trên những bộ váy áo truyền thống của người Ê Đê.
Mí Du, 53 tuổi, có thâm niên và tay nghề dệt có tiếng ở thôn Xây Dựng, cho hay: Tôi làm quen với nghề dệt thổ cẩm từ năm 14 tuổi. Mỗi năm, tôi đều tự tay dệt những bộ váy áo truyền thống cho cả gia đình mặc vào các dịp hội làng, lễ Tết. Thế nhưng, các cháu nhỏ bây giờ mải đi học, đi làm, nên chẳng còn mấy người biết cách dệt. Do vậy, khi nghe địa phương vận động thành lập CLB thổ cẩm, tôi vui lắm. Tôi mong muốn đem kinh nghiệm, tay nghề truyền lại cho những người trẻ trong thôn nhằm gìn giữ nghề dệt truyền thống của đồng bào mình.
Hờ Uôn, 24 tuổi, là thành viên nhỏ tuổi nhất trong CLB. Hờ Uôn chưa biết dệt nhưng lại rất yêu thích dệt thổ cẩm. Hờ Uôn chia sẻ: Từ bé em đi học; lớn lên lấy chồng, lo làm kinh tế nên chưa tiếp xúc với khung dệt. Thế nhưng, trong các dịp lễ làng, em đều thích thú khi được khoác lên mình những bộ váy áo truyền thống của dân tộc Ê Đê. Do vậy, khi nghe Hội Phụ nữ thông báo thành lập CLB thổ cẩm, em rất hào hứng gia nhập. Mong muốn lớn nhất của em là được học nghề, để tự tay dệt ra những bộ trang phục truyền thống cho mình và gia đình.
Chị Hờ Ái, Chủ nhiệm CLB Thổ cẩm thôn Xây Dựng, bày tỏ: Hiện CLB có 24 thành viên, thì có 10 người có tay nghề dệt thành thạo; những thành viên còn lại chưa biết dệt hoặc chỉ biết những thao tác cơ bản nhất. Việc tham gia CLB giúp các thành viên chia sẻ kinh nghiệm, truyền nghề dệt thổ cẩm để cùng nhau lưu giữ nghề truyền thống này.
Tìm hướng phát triển
Mặc dù mới đi vào hoạt động nhưng CLB Thổ cẩm thôn Xây Dựng được rất nhiều người dân và chính quyền xã đồng tình, ủng hộ. Mí Thơ, 56 tuổi, là “thợ cả” trong nghề dệt truyền thống của thôn Xây Dựng. Ngoài dệt trang phục tự cung tự cấp cho gia đình, Mí Thơ còn thường xuyên được đặt hàng dệt trang phục cho những người dân trong làng, trong xã. Mí Thơ cho hay: Hiện mỗi bộ váy áo truyền thống có giá từ 2,1-2,3 triệu đồng. Nghe có vẻ là đắt nhưng để dệt được một bộ váy áo thổ cẩm thì riêng tiền mua sợi đã hết 500.000-600.000 đồng; chưa kể tiền làm hoa văn. Thêm vào đó, để dệt ra một bộ váy áo thổ cẩm thì phải mất gần 2 tháng làm việc ròng rã bên khung dệt. Thế nhưng, đây vẫn chỉ là việc làm thêm lúc rảnh rỗi; chưa thể thành nguồn thu nhập chính được, vì người mua không nhiều.
Ngoài Mí Thơ, nhiều phụ nữ Ê Đê cũng duy trì nghề dệt truyền thống; phần để sử dụng trong gia đình, phần dùng để trao đổi hàng hóa hoặc bán cho người trong xã. Thế nhưng, chưa ai dám nghĩ đến việc đưa sản phẩm thổ cẩm thành hàng hóa để tạo nguồn thu nhập cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Nhật Tảo, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Trai, cho biết: Suối Trai có 526 hộ dân, với trên 2.300 nhân khẩu; trong đó hơn 90% là người đồng bào Ê Đê. Tại đây, người Ê Đê vẫn giữ các phong tục, lễ hội truyền thống như lễ cúng lúa mới, lễ bỏ mả, lễ bến nước, lễ trưởng thành, lễ nhà mới… Trong các hoạt động lễ hội, người dân vẫn mặc đồ truyền thống của dân tộc mình. Tuy nhiên, hiện nay nghề dệt thổ cẩm truyền thống đang có nguy cơ mai một, vì rất nhiều người trẻ không biết cách dệt vải này. Do vậy, việc thành lập CLB dệt thổ cẩm là nhằm giữ gìn nghề dệt truyền thống của người Ê Đê. Đây được xem là mô hình thí điểm; nếu hoạt động hiệu quả, địa phương sẽ tiếp tục thành lập thêm các CLB ở những thôn còn lại của xã. Về lâu dài, thông qua các CLB, địa phương mong muốn tạo ra thêm các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ thổ cẩm như tranh thổ cẩm, túi xách, ví… để phục vụ du lịch.
CLB Thổ cẩm thôn Xây Dựng hoạt động trên phương thức tự nguyện, không có nguồn kinh phí đầu tư; người dân tự sử dụng nguyên phụ liệu, khung dệt sẵn có nên việc truyền nghề vẫn còn khá hạn chế. Địa phương mong muốn được hỗ trợ kinh phí để khôi phục nghề dệt truyền thống; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm thủ công mỹ nghệ để đưa sản phẩm dệt thổ cẩm thành hàng hóa; từ đó tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương.