Vì sao Nhà thờ Đức Bà Paris được chọn treo lá cờ MTDTGP miền Nam Việt Nam năm 1969?
Mãi đến năm 2023, những người tham gia treo lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên Nhà thờ Đức Bà Paris năm đó mới lần đầu xuất hiện
Cách đây 55 năm, vào ngày 19-1-1969, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay giữa bầu trời Paris. Điều này buộc chính quyền Pháp phải huy động lính cứu hỏa dùng trực thăng để tháo lá cờ trên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris. Đây chính là hình ảnh tiêu biểu, cổ vũ cho phong trào ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ở châu Âu và thế giới trước thềm Hội nghị bốn bên về hòa bình tại Việt Nam.
Tháp Eiffel hay Nhà thờ Đức Bà Paris?
Mãi đến năm 2023, những người tham gia treo cờ năm đó mới lần đầu xuất hiện, gồm các ông Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Nóe Graff. Họ là những người Thụy Sĩ và ủng hộ phong trào đấu tranh của Việt Nam.
Ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux đang có chuyến thăm và tham gia một số hoạt động tại TP HCM. Dịp này, những câu chuyện xung quanh sự kiện treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam mà các ông đã thực hiện cách đây 55 năm trước đã được chia sẻ với người dân TP HCM.
Ông Olivier Parriaux kể quyết định triển khai kế hoạch treo cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris đòi hỏi sự thông minh, hiểu biết chính trị. Trước bối cảnh thời đại lúc đó, các ông Bernard Bachelard, Olivier Parriaux và Nóe Graff chọn "đứng lên và đứng về phía chính nghĩa, đứng về phía sự thật".
Muốn ủng hộ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhưng vì chỉ có 3 người nên họ đã phải bàn bạc để chọn ra hình thức đấu tranh phải đảm bảo yếu tố về tính thời điểm lẫn địa điểm.
Họ phân vân giữa việc chọn treo cờ lên tháp Eiffel hoặc Nhà thờ Đức Bà Paris. Cuối cùng, họ quyết định chọn Nhà thờ Đức Bà Paris để hành động.
"Lá cờ treo ở Nhà thờ Đức Bà Paris sẽ được rất nhiều người nhìn thấy, đủ để gây ấn tượng với cộng đồng quốc tế, sự quan tâm của dư luận thế giới. Trong khi đó, tháp Eiffel chỉ là công trình mang tính kỹ thuật, công nghệ và du lịch. Còn Nhà thờ Đức Bà Paris mang trên mình giá trị văn hóa của toàn cầu chứ không phải chỉ của riêng nước Pháp" - ông Olivier Parriaux nói.
Khó nhất lại là lúc leo xuống
Ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux trực tiếp lên đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris để treo cờ. Trong khi đó, ông Nóe Graff sẽ đứng bên ngoài và thực hiện nhiệm vụ cảnh giới. Ngày 18-1-1969, ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux tự "nhốt" mình bên trong nhà thờ, đợi tối đến để hành động.
"Lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam mà chúng tôi mang theo được may bằng lụa, rất mềm mại. Chất liệu này sẽ giúp lá cờ được tung bay trong gió nhiều hơn" - ông Bernard Bachelard kể.
Ông cũng là người leo lên đoạn cuối cùng của đỉnh Nhà thờ Đức Bà Paris để treo lá cờ. Bởi khi đó ông Bernard Bachelard mới 26 tuổi và là giáo viên thể dục nên có nhiều kỹ năng cho việc leo trèo hơn so với người bạn đi cùng Olivier Parriaux (khi đó 25 tuổi), là sinh viên vật lý.
Ông Bernard Bachelard kể đã mang theo cưa. Trong quá trình leo xuống trở lại mặt đất, họ đã cưa một số bậc thang với mục đích làm khó những người leo lên tháo lá cờ. Và kết quả, đội cứu hỏa Paris đã phải sử dụng trực thăng để tháo lá cờ xuống. Lính cứu hỏa đã treo mình vào dây cáp trực thăng để tiến đến gần cây thánh giá. Sau nhiều lần thất bại trước đó thì lính cứu hỏa mới cắt đứt được các dây cột lá cờ.
Ông Bernard Bachelard cho biết có 3 điều quan trọng nhất mà mỗi khi nhắc đến sự kiện lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã tung bay giữa bầu trời Paris. Đó là ông và 2 người bạn còn lại đều mong muốn sự kiện này phải gây được ấn tượng mạnh mẽ và rộng rãi; sự kiện phải hoàn toàn không có bạo lực; giữ kín tên tuổi của để không ai biết danh tính về những người đã làm một việc "không giống ai" này.
Từ ngày 15 đến ngày 19-11, hai ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux có chuyến thăm TP HCM. Ông Nóe Graff vì lý do sức khỏe mà không thể tham gia trong chuyến đi lần này. Tại đây, ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux sẽ tham gia nhiều hoạt động như thăm Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi; tặng quà gia đình chính sách và nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam; gặp gỡ báo chí; gặp gỡ, giao lưu với thanh niên TP HCM với chủ đề "Chung khát vọng hòa bình".
Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Việt Nam nhận xét chuyến thăm TP HCM lần này của 2 ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux mang ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi nước ta đang đứng trước ngưỡng chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Tại buổi gặp gỡ, giao lưu với hai ông Bernard Bachelard và Olivier Parriaux, bà Tôn Nữ Thị Ninh chia sẻ rằng Việt Nam luôn luôn biết ơn, không bao giờ quên ơn của bạn bè quốc tế đã ủng hộ Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh với đa dạng hình thức khác nhau.