NIM vẫn sẽ bị 'kìm chân' trong năm 2025
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia tài chính cho rằng, trong năm 2025, tỷ lệ lãi cận biên (NIM) của các nhà băng vẫn sẽ tiếp tục gặp nhiều thách thức và được dự báo sẽ giữ nguyên hoặc tăng nhẹ trong điều kiện thuận lợi, khó có thể tăng cao như kỳ vọng.
NIM của các ngân hàng đã thể hiện rõ xu hướng giảm trong năm vừa qua. Trong quý cuối cùng của năm 2024, tăng trưởng tín dụng ở mức cao nhưng NIM vẫn ghi nhận sự thu hẹp, điều này phản ánh diễn biến thực tế của thị trường. Hiện nay, ngành Ngân hàng đang chịu áp lực rất lớn khi phải tăng lãi suất huy động, tăng tính hấp dẫn kênh tiền gửi so với các kênh đầu tư khác. Tuy nhiên, lãi suất cho vay vẫn kiên định giữ ở mặt bằng thấp để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nhất là trong giai đoạn cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán.
Mặt khác, sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà băng trong việc thu hút khách hàng, công khai lãi suất cũng khiến ngân hàng khó mà cho vay lãi cao. Chưa kể, tình hình nợ xấu của nhiều ngân hàng có dấu hiệu gia tăng gần đây khiến họ bắt buộc phải tăng trích lập dự phòng, đây cũng là yếu tố gia tăng chi phí. Chính vì vậy, một số ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng cao trong quý IV nhưng NIM vẫn dự báo giảm. Có thể thấy, xu hướng NIM giảm đang diễn ra ở nhiều nhà băng.
Liệu NIM đã “chạm đáy” và trong năm 2025 có thể cải thiện tỷ lệ này không, thưa ông?
Tôi cho rằng, NIM đã chạm đáy. Tăng trưởng tín dụng trong năm 2025 dự kiến là 16% cao hơn năm 2024 thì thu nhập được kỳ vọng sẽ cải thiện trong thời gian tới. Nhưng phải nhận định rằng, NIM của ngành Ngân hàng sẽ tiếp tục gặp áp lực trong năm 2025, đặc biệt là nửa đầu năm. Bởi lẽ, theo chỉ đạo của Chính phủ và định hướng điều hành của NHNN, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp, thậm chí là giảm thêm để hỗ trợ khách hàng vì nhu cầu tín dụng chưa phục hồi hoàn toàn. Hơn nữa, Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng yêu cầu các NTHM phải công bố lãi suất cho vay mới, tăng tính minh bạch, cạnh tranh giữa các ngân hàng, góp phần làm giảm đáng kể lãi suất cho vay. Ngoài ra, việc các ngân hàng liên tục hạ lãi suất và tung ra các gói vay ưu đãi để hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân thiệt hại bởi cơn bão Yagi trong thời gian vừa qua, kéo dài đến năm 2025 cũng sẽ là yếu tố tác động đến việc cải thiện NIM của các ngân hàng.
Theo ông, trong thời gian tới NIM sẽ có sự phân hóa như thế nào giữa các nhà băng?
Việc xác định NIM của NHTM không đơn thuần chỉ làm phép tính trừ giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động mà phải tính toán đầy đủ các chi phí cấu thành. Chẳng hạn, chi phí đầu vào gồm lãi suất huy động và các chi phí khác như chi phí dự trữ bắt buộc, bảo hiểm tiền gửi, chi phí dự trữ đảm bảo khả năng thanh toán, chi phí hoạt động dự phòng rủi ro… Vì vậy, tỷ lệ NIM cũng sẽ khác nhau, phụ thuộc vào chi phí cấu thành giá đầu vào và đầu ra của các ngân hàng.
Theo tôi, trong thời gian tới, những nhà băng có lợi thế chi phí vốn thấp và danh mục tài sản tốt dự kiến sẽ dẫn đầu trong xu hướng phục hồi NIM. Đối với các NHTM tư nhân, mức phục hồi NIM có thể đạt mức cao hơn khi khả năng tăng trưởng tín dụng tốt hơn. Do nhóm ngân hàng này tập trung cho vay bán lẻ, với các phân khúc cho vay tiêu dùng nên lãi suất cho vay bình quân cũng cao hơn.
Ngoài ra, trong kỷ nguyên số hóa, ngân hàng nào đẩy mạnh đầu tư công nghệ, chuyển đổi ngân hàng số, tăng trải nghiệm cho khách hàng… sẽ giảm bớt chi phí hoạt động, tăng hiệu quả kinh doanh, góp phần cải thiện được NIM.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/nim-van-se-bi-kim-chan-trong-nam-2025-159554.html