Niềm vui tuổi già

Chiều nào bà Chín cũng dắt thằng Si đi dạo ngoài công viên. Chỉ cần thấy bà dắt xe ra là thằng Si mon men chạy tới, ngoắt đuôi chờ đợi, hễ bà bảo 'lên xe đi con' là nhảy tót lên liền.

Bà Chín bao giờ cũng cười khùng khục khi thấy vẻ mặt hớn hở của nó, cái điệu bộ hít hà lùng sục khắp công viên làm bà tức cười. Với bà, thằng Si không phải là một con chó mà là người bạn tâm giao, có khi lại là một đứa con trai bé bỏng cần bà che chở, chăm sóc. Bà lo cho nó từng miếng ăn, giấc ngủ, tắm táp sạch sẽ, còn đọc truyện cho nó nghe mỗi đêm trước khi đi ngủ, hệt như ngày xưa bà hay đọc cho thằng con trai bà khi nó còn bé xíu.

Ảnh minh họa.

Si là một con chó lai bẹc giê nên rất khôn lanh. Nó được con trai bà đem từ thành phố về. Hồi mới về, nó chỉ là chú chó con dễ thương có bộ lông xám mềm mịn như cục bông gòn. Giờ thì đã thành một anh chó to cao, đẹp trai mà mỗi lần tới công viên là bao cô gái vây quanh làm quen.

Bà Chín chăm sóc cho thằng Si rất kỹ. Mỗi ngày bà đều tắm cho nó sạch sẽ. Cứ nhìn cách bà tắm cho nó thì biết bà kỹ tính thế nào. Lần đầu là tắm xà bông, lần hai xả lại bằng dầu xả tóc, sau đó sấy khô lông và xịt nước hoa thơm phức. Bởi vậy thằng Si có bộ lông óng mượt, người lúc nào cũng thơm tho. Chủ nó kỹ tính đến độ mỗi lần nó đi vệ sinh xong là lấy khăn ướt lau đàng hoàng, sạch sẽ như người. Nên mỗi tối, bà Chín cho phép nó lên giường ngủ với bà, nghe bà đọc sách và vỗ về ru ngủ.

Hàng xóm xì xầm to nhỏ rằng bà Chín bị gì rồi, con cháu không thương đi thương một con chó. Thương đến độ nhiều bữa không có đồ ăn mà nhường luôn cái trứng chiên duy nhất cho nó. Bà không phải là một người giàu có. Già rồi, sống nhờ đồng lương hưu trí thôi, có mỗi thằng con trai duy nhất thì nó ở Sài Gòn lập nghiệp. Con trai bà cũng chẳng khá giả gì, hai vợ chồng đi làm công nhân cũng chỉ đủ trả tiền thuê nhà, lo ăn uống và tiền học cho hai đứa con. Ngày xưa bà làm công nhân may, nay về hưu tháng được dăm triệu lương hưu nên bà bảo con trai cứ lo cuộc sống đi, má tự lo được. Người già ăn uống đơn giản, kiêng khem nhiều thứ vì bệnh tật nên chỉ dăm triệu lương hưu cũng đủ ăn. Dù kinh tế eo hẹp là vậy nhưng chưa bao giờ bà Chín tiếc tiền với thằng Si. Đợt nó bị bệnh bỏ ăn, bà tức tốc chở nó đến bác sĩ thú y, thăm khám, chích thuốc. Đồ ăn của nó lúc nào cũng thịt cá đầy đủ.

Thấy má chăm sóc cho thằng Si như vậy con trai bà cũng chẳng phiền hà gì, ngược lại nó còn vui là đằng khác. Nó bảo thấy má vui vẻ là nó mừng, thằng Si bầu bạn cho bà đỡ buồn nên phải cảm ơn thằng Si, nên mỗi lần về thăm má là nó mua cho thằng Si vài hộp cá. Thằng Si rất khôn, dù lâu mới gặp vẫn nhận ra chủ, nhảy cẩng lên choàng hai chân trước lên vai chủ liếm láp mặt đón mừng.

Mỗi lần con trai về, bà Chín lại kể chuyện thằng Si cho nó nghe, nhìn cách bà say sưa, hào hứng kể về con chó là hiểu bà thương nó cỡ nào. Bà bảo nhờ thằng Si mà bà thoát chết mấy lần. Một lần nửa đêm rắn hổ bò vào nhà, nó vật chết, sáng ra bà thấy xác con rắn dưới sàn nhà mà hết hồn. May mà có thằng Si chứ không thì không biết chuyện gì xảy ra. Lần khác bà bị đau ruột thừa, quằn quại ôm bụng rên, thằng Si biết chủ có chuyện nên chạy tót sang nhà ông Hai hàng xóm cắn quần lôi đi, miệng rên ư ử như bảo lẹ lên qua cứu chủ nó với. Ông Hai thấy con chó của bà Chín cứ cắn quần lôi đi mà mắt nó nhìn ông như van lơn cầu xin khẩn thiết lắm nên cũng lờ mờ đoán được bà Chín gặp chuyện gì rồi. Ông vội chạy sang thấy bà tái xanh vì đau quá liền gọi thêm người chở ngay bà vào bệnh viện. Nhờ vậy bà được cấp cứu kịp thời thoát chết.

Có lần bà Chín bị cảm, mệt quá đi chợ không nổi bèn viết tờ giấy bỏ vào giỏ treo lên cổ thằng Si. Nó chạy ra chợ tới ngay quầy bà Hà bán thịt quen bà Chín hay mua cắn quần giựt giựt rồi sủa toáng lên. Bà Hà thấy con chó của bà Chín đeo cái giỏ thì vừa ngạc nhiên vừa buồn cười. Khi mở giỏ thấy chủ nó viết giấy nhờ bà bán cho ít thịt, mua hộ rau củ thì bà mới hiểu rằng thằng Si đang đi chợ thay chủ. Bà liền mua đủ theo danh sách bà Chín ghi, bỏ lại tiền thừa rồi tròng vào cổ cho thằng Si. Nó liếm chân bà cảm ơn rối rít rồi lọt tọt chạy về. Chuyện thằng Si biết đi chợ sau được cả làng ai cũng biết vì bà Hà gặp ai cũng kể. Từ đó mọi người không còn xì xầm rằng bà Chín có vấn đề nữa mà lại quay sang khen con chó của bà khôn quá thể.

Mỗi lần có ai khen thằng Si là những nếp nhăn trên trán bà giãn ra, mũi bà hếch lên như một người mẹ đang tự hào về con trai. Với bà, thằng Si là niềm vui tuổi già, giúp bà vui vẻ sống bỏ đi những suy nghĩ tiêu cực. Thương một con thú cưng như người thân của mình thì có gì là không tốt. Nhất là những người già, có người bầu bạn chia sẻ vui buồn, có cái để động tay động chân làm cho khuây khỏa. Đó là một niềm vui lành mạnh, có ích.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/niem-vui-tuoi-gia-111609.html