Niềm vui của nhiều nông dân

    Từng có ý định rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần khi nghỉ việc nhưng nhờ sự vận động của cán bộ BHXH và cân nhắc nhu cầu của bản thân, nhiều người lao động, nông dân đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện để hưởng lương hưu.

    Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) vui mừng khi cầm sổ BHXH tự nguyện.

    Bà Nguyễn Thị Bạch Vân, TP Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) vui mừng khi cầm sổ BHXH tự nguyện.

    Niềm vui khi nghe tiếng “ting ting”

    Công tác tại UBND phường 2, thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh, năm 2019 ông Trần Hoàng Thành nghỉ hưu với tổng thời gian đóng BHXH là 14 năm 8 tháng. Chưa đủ năm đóng BHXH để về hưu ông Thành có ý định rút BHXH 1 lần, tuy nhiên được sự vận động từ cán bộ BHXH TP Trà Vinh, ông không rút BHXH 1 lần mà chuyển sang đóng BHXH 1 lần để có sổ hưu.

    Chia sẻ về quyết định này, ông Thành cho biết, ông cân nhắc nhiều lần và cũng làm bài toán cụ thể thiệt hơn giữa đóng tiếp và rút BHXH một lần, cuối cùng ông quyết định đóng tiếp ở mức 4 triệu đồng. Sau 1 năm đóng theo quý, tháng 10/2021, ông quyết định đóng một lần 37 tháng còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu, với số tiền hơn 34 triệu đồng. “Giờ hàng tháng được nhận lương hưu tôi thấy rất thoải mái vì có một khoản tiền lương, với 2,1 triệu đồng/tháng, bên cạnh đó tôi có thẻ BHYT để khám chữa bệnh”, ông Thành chia sẻ.

    Tương tự ông Hà Xuân Hạnh, tổ 1, phường Chiềng An, TP Sơn La (tỉnh Sơn La) đã nghỉ hưu gần 7 năm nay, do có lương hưu ổn định nên cuộc sống về già của vợ chồng ông Hạnh được đảm bảo không phải lo làm thêm mưu sinh. Chia sẻ về niềm vui khi về già có lương hưu, ông Hạnh cho biết, trong thời gian vừa qua, nhất là giai đoạn dịch Covid-19 còn phức tạp nếu không có lương hưu, cuộc sống của hai vợ chồng không biết trông cậy vào đâu.

    Thực tế vì nhiều lý do, rất nhiều người đã lựa chọn rút BHXH một lần hoặc không tham gia BHXH tự nguyện khi còn trẻ. Đây là thực trạng đáng lo ngại không chỉ cho cá nhân khi về già mà còn là nỗi lo gánh nặng an sinh xã hội cho Nhà nước khi có quá nhiều người dân nằm ngoài lưới an sinh xã hội.

    Mong có thêm chính sách hỗ trợ

    Như nhiều quốc gia khác trên thế giới, những diễn biến dân số của Việt Nam hiện nay và trong tương lai cũng đặt ra những vấn đề cần sớm được quan tâm, nhất là khi phần lớn người cao tuổi ở Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, sống cùng con cháu, đời sống vật chất còn gặp nhiều khó khăn khi chưa có nhiều người được bảo đảm cuộc sống từ lương hưu. Bên cạnh đó, người cao tuổi ở nước ta cũng phải đối diện với gánh nặng “bệnh tật kép” - trung bình một người mắc 3 bệnh, có chi phí điều trị lớn.

    Để giải quyết vấn đề này, việc xây dựng hệ thống an sinh xã hội với các trụ cột chính là BHXH và BHYT có độ bao phủ cao phải được xem là hướng đi tất yếu. Định hướng này, trước hết, cần sớm được cụ thể hóa ngay trong quá trình xây dựng sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, nhằm nhanh chóng mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội, để ngày càng nhiều người có được “bệ đỡ” khi hết tuổi lao động.

    Chia sẻ từ thực tế, ông Bùi Quang Huy - Giám đốc BHXH tỉnh Trà Vinh cho biết: Theo thống kê của BHXH tỉnh, có đến 89% số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh chọn mức để đóng là dưới 1,5 triệu đồng, nên việc nâng mức chuẩn nghèo từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng từ năm 2022 đã ảnh hưởng đến việc phát triển đối tượng BHXH tự nguyện. Năm 2021, tỉnh có trên 19.500 người tham gia BHXH tự nguyện, sang đầu năm 2022 giảm khoảng 6.000 người. Tuy nhiên, với việc tuyên truyền “mưa dầm thấm lâu”, số người tham gia BHXH tự nguyện đã tăng trở lại, dự kiến đến hết năm 2022 nâng lên trên 17.000 người”- ông Huy nói.

    “Khó khăn nhất vẫn là điều kiện kinh tế của người dân vẫn còn hạn chế. Về cơ bản, sau nhiều đợt tuyên truyền, người dân đã nâng cao nhận thức và biết đến BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Do đó, để người dân tham gia, Nhà nước có chính sách hỗ trợ thêm phần đóng và giảm thời gian đóng theo như dự thảo mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến về Luật BHXH sửa đổi”- ông Huy chia sẻ.

    Đa phần nông dân là lao động phi chính thức, bởi vậy việc được tham gia bảo hiểm xã hội để có lương hưu khi về già là rất ít. Vì vậy, một trong những mục tiêu về mở rộng độ bao phủ bảo hiểm xã hội là giúp người nông dân được tham gia vào chính sách an sinh xã hội của Nhà nước để đảm bảo cuộc sống khi về già.

    Lê Bảo

    Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/niem-vui-cua-nhieu-nong-dan-5702603.html