Niềm vui của cô học trò mắc bệnh hiếm

Dù mang trong người căn bệnh hiếm- tan máu bẩm sinh (Thalassemia) nhưng cô học trò nhỏ Lê Thị Thanh Ngân (15 tuổi), học sinh lớp 9 Trường THCS Đồng Khởi (huyện Châu Thành) vẫn vui vẻ, lạc quan và đạt thành tích khá trong học tập.

Ngân chăm chỉ học bài sau giờ học ở trường.

Ngân chăm chỉ học bài sau giờ học ở trường.

THÍCH NGHI VỚI BỆNH TẬT

Chị Dương Thị Tuyết- mẹ của Thanh Ngân kể lại, cách đây 12 năm, khi Ngân được 3 tuổi, vợ chồng chị gửi cho một người dì gần nhà chăm nom để lo việc trồng, buôn bán rau, củ quả cho các chợ đầu mối. Thời đó, công việc làm ăn rất thuận lợi, anh chị mua xe tải nhỏ để vận chuyển, ký hợp đồng, giao tiền cho các nông hộ có nguồn vốn để trồng trọt, khi đến mùa thu hoạch, anh chị thu mua lại nông sản họ trồng và phân phối cho các tiểu thương ở Tây Ninh và các chợ đầu mối ở Thành phố Hồ Chí Minh. Anh chị làm việc rất chăm chỉ, không quản ngày đêm mong sao kinh tế khá giả để chăm lo cho các con (Ngân và một chị gái lớn giờ đã có gia đình riêng).

Đến một ngày người dì cho hay Ngân có dấu hiệu mệt mỏi, khóc quấy, bỏ ăn, vợ chồng chị mang con đến khám ở Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP, Hồ Chí Minh. Qua thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ cho biết bé bị bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia). Bệnh này là một nhóm bệnh huyết sắc tố gây thiếu máu, tan máu di truyền, cần phải truyền máu định kỳ và dùng thuốc thải sắt suốt đời.

Khi hay tin, vợ chồng chị không khỏi bàng hoàng, thương con, anh chị gác lại mọi việc làm ăn để lo cho cô con gái nhỏ. Anh chị bán đi xe tải, chỉ trồng rau xung quanh nhà bỏ sỉ cho các bạn hàng và chị ngồi bán tại chợ Đồng Khởi chứ không đi buôn bán làm ăn xa như trước kia để tiện việc chăm sóc cho Ngân.

Từ khi phát hiện bệnh đến nay Ngân đã 15 tuổi, định kỳ 5 tuần/lần theo lịch của bác sĩ điều trị, mẹ và em lại khăn gói đến Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TP. Hồ Chí Minh ở huyện Bình Chánh để truyền, lọc máu. “Các bệnh viện ở Tây Ninh cũng có khoa điều trị nhưng vì không hợp, da của Ngân nhanh vàng sạm nên chị đưa Ngân đến Thành phố Hồ Chí Minh để lọc máu, chị thấy hiệu quả hơn”, chị Tuyết cho biết thêm.

Ngân cho biết, em phải nằm điều trị ở bệnh viện 2 ngày, một ngày lọc và truyền máu, một ngày nằm nghỉ lại bệnh viện chờ cơ thể hồi phục rồi hai mẹ con lại bắt xe về nhà. Nhiều năm nay, gia đình em đã quen với nhịp sống như thế, em xem đó là điều bình thường để thích nghi với bệnh tật.

Ngày ngày, Ngân vui vẻ cắp sách đến trường, học hành chăm chỉ, chơi đùa cùng bạn bè như các bạn cùng trang lứa. Ngân chưa bao giờ cảm thấy tự ti, mặc cảm với bệnh tật của mình vì bên cạnh em luôn có ba mẹ đồng hành, thầy cô, bạn bè yêu mến.

“Cứ đến đầu năm học, hoặc giai đoạn chuyển cấp, mẹ em đến gặp thầy hiệu trưởng và cô chủ nhiệm lớp để trình bày bệnh tật của em để thầy cô hiểu và tạo điều kiện cho em đến bệnh viện truyền máu mỗi tháng. Có khi thời gian em đi bệnh viện lại rơi vào ngày thi học kỳ, thầy cô cũng tạo điều kiện cho em làm bài thi riêng”- Ngân nói.

Thảo và Ngân cùng nhau ghi lại kỷ niệm ngày tốt nghiệp cuối cấp 2.

Thảo và Ngân cùng nhau ghi lại kỷ niệm ngày tốt nghiệp cuối cấp 2.

NIỀM VUI KHI CÓ BẠN THÂN ĐỒNG HÀNH

Trong 10 năm qua, cô bạn Phan Thị Thanh Thảo luôn bầu bạn, chia sẻ, giúp đỡ Ngân trong mọi hoàn cảnh. Ngân và Thảo may mắn được học chung lớp với nhau từ năm học mẫu giáo đến giờ, được thầy cô chủ nhiệm sắp chỗ ngồi gần nhau “đã thân lại càng thêm thân”.

Nhà Thảo ở đầu đường, nhà Ngân ở giữa đường cách nhau khoảng 2 cây số. Mỗi lần đi học, Thảo lái chiếc xe Cub 50cc chạy ngược lại rước bạn rồi vòng xe chạy đến trường. Mỗi khi Ngân đi bệnh viện, em lại chép bài cho bạn. Mỗi khi tan học về nhà, em giảng giải lại bài cũ cho Ngân hiểu. Có khi 2 bàn tay bầm xanh vì mũi tiêm, Ngân không thể viết bài được chỉ ngồi nghe cô giáo giảng, việc ghi chép đã có Thảo lo. Thương bạn nên Thảo chưa bao giờ thấy đó là việc nặng nhọc hay phiền hà. Đôi khi thời gian đi bệnh viện của Ngân rơi vào ngày thứ ba, thứ tư, có 8 tiết học với 5 môn khác nhau, Thảo nhờ bạn khác chép phụ hoặc tối về nhà chép lại. “Em với Ngân hợp tính nhau, chơi với nhau rất vui. Em chưa bao giờ xem căn bệnh của bạn là trở ngại, nếu có thể em cũng muốn san sẻ nỗi đau bệnh tật với bạn, nhiều khi đang học thấy bạn mệt em thương bạn lắm mà không biết làm sao”- Thảo nói.

Ngân cho biết, em không có được sức khỏe tốt, nhưng bù lại em có được người bạn thân hợp tính và đối xử tốt, với em đó đã là niềm vui, hạnh phúc lớn với em rồi. Mỗi khi rảnh rỗi, Ngân và Thảo lại rủ nhau đi uống trà sữa, ăn mỳ cay 7 cấp độ và cùng nhau chơi đùa để viết nên nhiều kỷ niệm đẹp.

Hai cô học trò nhỏ này có ước mơ trở thành thợ trang điểm chuyên nghiệp. Nên mỗi khi rảnh rỗi, Ngân và Thảo lại xem các video hướng dẫn trang điểm trên YouTube để tự thực hành. Thảo có sức khỏe tốt, lại đam mê trang điểm nên em tham gia các hội nhóm trang điểm trên mạng xã hội để nhận làm mẫu cho học viên thực hành vào ngày cuối tuần hay những buổi chiều không có giờ học.

Chị Dương Thị Tuyết- mẹ của Ngân chia sẻ, thấy con có ước mơ, sống vui vẻ, lạc quan, nụ cười luôn nở trên môi là động lực để vợ chồng chị cố gắng làm việc từng ngày. Những lần đưa con đi truyền máu, nhìn những bệnh nhân khác xương mặt bị biến dạng, lách to dẫn đến phình bụng chị không khỏi lo lắng, luôn tự nhắc mình phải chăm sóc con cẩn thận; chú tâm đến thực phẩm cho con ăn uống mỗi ngày, tránh cho con vận động mạnh hay làm việc nặng để con luôn giữ được cơ thể bình thường như bao người.

Còn với Ngân, em biết nhiều người mắc bệnh này tuổi thọ không cao nên em luôn trân quý từng khoảnh khắc bên những người em thương yêu. Với em, được sống trên đời đã là niềm vui rồi.

Ngọc Giàu

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/niem-vui-cua-co-hoc-tro-mac-benh-hiem-a173267.html