Niềm tin thời công nghệ
Có lẽ, nhan đề của bài viết này không có gì mới mẻ. Từ nhiều năm trước, người ta đã nhắc đến những khía cạnh của niềm tin trong giao dịch giữa người và người thông qua một 'dung môi' trung gian đó là công nghệ.
Năm 2018, trong một bài báo có tên là "Công nghệ của niềm tin" trên Báo Lao động, tác giả Nguyễn Thế Trung đã từng phân tích: "Tất cả những sự kiện này đều liên quan tới "niềm tin". Trong thế giới mới, khi giao dịch người - người trở thành số ít và giao dịch người - máy - máy - người chiếm đa số, thì vấn đề niềm tin cũng sẽ chuyển sang một dạng thức khác. Giới công nghệ trên thế giới đang thiết kế lại mạng lưới toàn cầu để chuyển từ mạng Internet của thông tin sang Internet của giá trị. Thiết kế này tuân thủ một nguyên tắc đơn giản, đó là: Sự minh bạch 100%.".
Chưa cần bàn đến những lí lẽ cao siêu, chỉ riêng cụm từ: "Internet của giá trị" mà tác giả nhắc đến thiết nghĩ đã đủ khiến chúng ta liên tưởng đến những chủ đề trong đời sống hàng ngày. Từ hệ giá trị của con người đến hệ giá trị của công nghệ, của kết nối và đằng sau tất cả là liệu niềm tin của chúng ta có "cập bến" được ở lòng người hay không?
Người viết đã cất công tìm kiếm, cho đến một ngày được đọc một định nghĩa khá thú vị tác giả Hoài Nam (Báo CAND) về mạng xã hội từ góc nhìn xã hội, tác giả viết: "Mạng xã hội chính là một phần của thế giới thực, nó gắn với thế giới thực một cách hữu cơ và tác động vào đời sống bằng những hệ quả trực tiếp, sống động nhất".
Sự gắn bó hữu cơ mà tác giả nhắc đến là câu trả lời đích đáng nhất cho những băn khoăn của nhiều người trong số chúng ta. Còn nhớ mới hôm nào từ một vài quán nét (kinh doanh dịch vụ cho thuê máy tính kết nối Internet) những năm đầu thế kỉ XXI, đến lúc các máy tính cơ quan, gia đình đều được nối mạng và đặc biệt cho đến thời đại thiết bị cầm tay, xách tay (smart phone, ipad, laptop), từ những thư điện tử trao đổi qua lại đến các nền tảng chat trực tuyến, đăng bài, hình ảnh, khoảnh khắc…
Nhưng cơ bản hơn nữa là hành trình từ thú vui giải trí của những người nhàn rỗi, Internet và cụ thể hơn là mạng xã hội đã trở thành công cụ đắc lực, một công cụ để thực hiện các công việc đòi hỏi sự chính xác và nghiêm túc. Nếu trước đây, chat Yahoo và blog chỉ là trò chơi thì ngày nay chat trên tảng Zalo hay trang fanpage của mạng Facebook được sử dụng để trao đổi công việc, để đăng tải các bài viết, các clip phóng sự của nhiều cơ quan, đơn vị.
Tính đến năm 2020, ở Việt Nam đã có khoảng 70% dân số sử dụng Internet. Không rõ từ khi nào những YouTube, Instagram, Facebook Messenger, TikTok, Twitter, Skype, Viber, Wechat, Whatsapp... đã thành thuật ngữ quen thuộc với mỗi chúng ta. Cùng với việc truyền các số liệu, thông tin và chat trực tuyến là sự phát triển của những eSports/E-sports, Electronic-Sports… như một môn thể thao ngoài đời thực.
Sự chuyển dịch ấy càng củng cố thêm luận điểm: mối dây liên hệ giữa đời sống thực và không gian mạng ngày càng bền chặt, ở góc độ nào đó, chúng ta đã và đang sống trên hệ sinh thái này nhiều hơn cuộc sống thật. Bạn bè tương tác, chia sẻ nhiều hơn là trực tiếp gặp gỡ, trực tiếp bày tỏ suy nghĩ, thái độ. Nhưng, liệu trước xu thế phát triển mau lẹ ấy, những thông tin và cả những luồng ý kiến bày tỏ quan điểm về một hiện tượng nào đó có đáng tin. Suy nghĩ này thoạt nghe có thể rất vô lý bởi trong lịch sử loài người chưa bao giờ tốc độ truyền tải thông tin đạt đến trình độ phát triển như hôm nay.
Mới đây, trang New Atlas, Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT) đã đạt tốc độ truyền dữ liệu cực kỳ "điên rồ" là 22,9 petabit mỗi giây (Pb/s). Tốc độ ấy đủ nói lên sự gắn kết giữa hơn 7 tỉ người trên trái đất này với nhau, giữa các quốc gia, cộng đồng người trong xã hội này. Có người già đã nói với tôi rằng: "Ngày xưa chỉ có báo giấy thì anh bán báo dạo suốt ngày quảng cáo cướp, giết, hiếp… Từ ngày có mạng Internet thì lên mạng cũng toàn thấy "bốc phốt" với cả "lộ", "xôn xao", nay thì ông này tham nhũng, mai thì cô giáo kia đánh học sinh… tóm lại càng ngày lên mạng càng thấy… hoang mang".
Nghe xong, tôi hiểu ra vấn đề và giải thích với người đó rằng: tốc độ truyền tải thông tin và sự minh bạch là những điều tốt đẹp của thế giới văn minh. Bởi, trước đây chúng ta nào đã có các công nghệ, phương tiện kĩ thuật để thực hiện điều này nên sự giám sát, lan tỏa, tuyên truyền cũng chưa thể sâu rộng. Bằng chứng là ngày nay cái xấu, cái ác, sự vi phạm pháp luật… đã bị đẩy lùi bởi sự lên tiếng của cộng đồng, sự vào cuộc của nhà chức trách.
Nhưng đúng là, từ sự hữu ích đó để đi đến một niềm tin thời công nghệ cũng không hề đơn giản. Những vấn nạn như: "bác sĩ tik tok", "bói online", chưa kể đến những: "Trò chơi tự tử Momo", Blue Whale Challenge (Thử thách cá voi xanh)… vẫn khiến chúng ta lo lắng. Cùng với đó fake news khó kiểm soát và vô vàn những thách thức khác như thói quen "hóng" tin phi chính thức, tâm lý ưa thông tin đồn đoán…
Người viết cho rằng, sau hơn hai thập niên tiếp cận với Internet, ít nhiều mỗi người đã rút ra được những bài học quý báu cũng như cơ quan quản lý đã ban hành các chế tài. Vấn đề ở đây không chỉ còn là cách kiểm chứng thông tin, tỉnh táo phân loại, phân tích mà niềm tin còn thể hiện ở sự nắm bắt cơ hội ở tương lai và vượt qua thách thức. Cách đây hơn một thế kỉ, Louisa May Alcott (1832 - 1888) tiểu thuyết gia người Mỹ từng nói: "Tất cả chúng ta đều có cuộc đời riêng để theo đuổi, giấc mơ riêng để dệt nên, và tất cả chúng ta đều có sức mạnh để biến mơ ước trở thành hiện thực, miễn là chúng ta giữ vững niềm tin". Hay nói cách khác, trong thời đại này việc tìm ra thông tin có ích cho riêng mình, gợi mở cho giấc mơ của mình cũng rất cần thiết.
Trước khi bàn đến những vấn đề nóng của tương lai gần như: kỹ sư trí tuệ nhân tạo (AI Engineer), Registered Nurse (y tá - điều dưỡng chính quy); Data is gold (Dữ liệu là vàng) hay năng lượng xanh… bạn đừng quên nhớ đến những tấm gương bình dị đã đặt niềm tin đúng cách, đúng chỗ như thế trên thế giởi ảo. Thay vì "like dạo", ném đá một ai đó mới 20 tuổi nhưng Nguyễn Đình Anh (Hà Nội) đã chuẩn bị lấy bằng cử nhân công nghệ thông tin tại Đại học FPT nhờ học trực tuyến. Cũng nhờ học hỏi trên mạng, anh Nguyễn Chương (34 tuổi, Quảng Nam, từng được T.Ư Đoàn trao giải thưởng Lương Định Của năm 2021) thu tiền tỉ mỗi năm nhờ trồng nấm sạch…
Câu nói của Nguyễn Đình Ánh khiến người viết thật sự tâm đắc: "Em muốn khi còn trẻ, còn sức thì có thể cố gắng theo đuổi đam mê để sau này không hối tiếc" (theo: Vân Nguyễn-vnexpress.net). Sức lực và tuổi trẻ dành cho đam mê có lẽ là thông điệp mà bạn trẻ này muốn gửi đến những người cùng thế hệ. Hẳn là Nguyễn Đình Ánh, Nguyễn Chương và nhiều người khác khi lên mạng đều đứng trước cơ hội để cuốn theo các trend, các drama hay trò giải trí nào đó. Tuy nhiên, cái mà họ chọn đó là khai thác thế mạnh của Internet, đánh giá đúng sức mạnh của công nghệ như một cách đặt niềm tin cho riêng mình.
Lâu nay, chúng ta chẳng lạ gì với những "xôn xao", "đổ xô" chạy theo xu thế này, hiện tượng khác theo kiểu bầy đàn của cộng đồng mạng. Vậy thì tại sao không thử đặt niềm tin đúng đắn để tạo ra những key word (từ khóa) tốt đẹp hơn, tích cực hơn cho chính mình và cộng đồng xã hội.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/niem-tin-thoi-cong-nghe-i720447/