Những vật liệu xây nhà chống động đất tốt nhất hiện nay

Ngoài phương pháp thi công hiện đại, vật liệu xây dựng cũng là một trong những yếu tố quan trọng giảm thiểu tối đa thiệt hại do động đất gây ra.

Trận động đất mạnh 7,7 độ ở Myanmar vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Đội cứu hộ đang giải cứu người mắc kẹt dưới đống đổ nát và các bệnh viện đang quá tải. Động đất là thiên tai không thể dự báo trước song vẫn có thể chủ động trong việc xây dựng để hạn chế thiệt hại do cơn địa chấn gây ra.

Dưới đây là một số vật liệu xây dựng tiên tiến được đánh giá cao trong việc tăng cường khả năng chống động đất:

Bê tông uốn cong

Loại bê tông này có khả năng cong vênh nhẹ khi bị lực tác động nhưng không nứt vỡ như bê tông truyền thống. Thành phần bên trong bê tông uốn cong có sợi polymer siêu nhỏ và tro bay, giúp chịu được rung chấn mạnh, chỉ xuất hiện vết nứt siêu nhỏ.

Bê tông uốn cong chịu được rung chấn mạnh. (Ảnh: Daivietinco)

Bê tông uốn cong chịu được rung chấn mạnh. (Ảnh: Daivietinco)

Không chỉ an toàn, bê tông uốn cong còn thân thiện với môi trường, giảm đến 76% khí CO2 trong quá trình sản xuất. Thử nghiệm thực tế cho thấy, bê tông uốn cong có khả năng uốn cong gấp 400 lần bê tông thông thường. Nhờ đó, đây là vật liệu lý tưởng để sử dụng cho những khu vực thường xuyên xảy ra động đất.

Bê tông dạng phun (EDCC)

Đây là sáng chế đến từ Đại học British Columbia (Canada), mang đên EDCC - xi măng composite dễ uốn. Bê tông dạng phun sử dụng tro bay kết hợp sợi polymer nhưng được ứng dụng bằng cách phun trực tiếp lên tường nhằm tăng khả năng chống chịu động đất cho công trình.

Bê tông đúc sẵn

Bê tông đúc sẵn được sản xuất tại nhà máy, sau đó lắp tại công trình, vừa đảm bảo chất lượng đồng đều, vừa có khả năng chịu lực cao.

Sự kết hợp giữa cường độ nén của cốt thép trong bê tông và độ nén của bê tông mang đến khả năng chống tải trọng cao. Đặc biệt, trong mỗi khối bê tông đều tích hợp vi mạch cảm biến đo áp lực, độ rung, chuyển động...Khi xảy ra động đất, hệ thống này gửi tín hiệu sớm đến chủ nhà để sơ tán, giúp giảm rủi ro...

Gạch chống địa chấn

Gạch chống địa chấn Sisbrick được phát triển bởi Đại học Bách khoa Valencia (Tây Ban Nha). Loại gạch này có thể dễ dàng tích hợp vào kỹ thuật xây dựng truyền thống, không cần thiết bị bổ sung.

Khác với gạch truyền thống dễ sập khi địa chấn truyền lực, gạch chống địa chấn Sisbrick có tác dụng ngắt mạch rung chấn, bảo vệ cấu trúc chính không bị ảnh hưởng dây chuyền.

Bằng Lăng (tổng hợp)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/nhung-vat-lieu-xay-nha-chong-dong-dat-tot-nhat-hien-nay-ar935287.html