Những tuyến đường sắt lớn nào ưu tiên đầu tư trong 10 năm tới?
Sẽ có 9 tuyến đường sắt mới được đề xuất ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2021-2030 với tổng nhu cầu vốn 191.761 tỉ đồng.
Dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đề xuất giai đoạn 2021-2030 ưu tiên đầu tư 9 tuyến mới, trong đó ưu tiên hàng đầu xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. HCM
Ưu tiên hàng đầu tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, tại dự thảo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 được Cục Đường sắt VN trình Bộ GTVT, mục tiêu đến năm 2030, vận tải hàng hóa đạt 11,8 triệu tấn, chiếm thị phần khoảng 0,3%; vận tải hành khách 460 triệu khách, chiếm thị phần 1,08%.
Để đạt mục tiêu này, mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030 được quy hoạch theo 16 tuyến với chiều dài 4.746,4 km. Trong đó có 7 tuyến chính hiện hữu với chiều dài 2.378,4 km và quy hoạch để chuẩn bị, thực hiện đầu tư 9 tuyến đường sắt mới với chiều dài 2.368 km.
Trong số 9 tuyến mới được đề xuất ưu tiên đầu tư giai đoạn 2021-2030, ưu tiên hàng đầu là tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam với xây dựng trước 2 đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP. HCM. Tổng nhu cầu vốn của dự án cho giai đoạn này là 112.325 tỉ đồng.
8 tuyến còn lại có 4 dự án kết nối cảng biển, đó là: Hoàn thành xây dựng tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - cảng Cái Lân (xây dựng mới đoạn Lim - Phả Lại; nâng cấp, cải tạo đoạn Yên Viên - Lim, đoạn Phả Lại - Hạ Long), đường đơn, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, dài khoảng 129km, nhu cầu vốn 6.000 tỉ đồng.
Xây dựng đường sắt nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ với đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân bao gồm: đoạn Mạo Khê - Dụ Nghĩa - Nam Hải Phòng; đoạn Nam Hải Phòng nối cảng Lạch Huyện, Đình Vũ; đường đơn, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, dài khoảng 78km, nhu cầu vốn 48.400 tỉ đồng.
Đầu tư đường sắt kết nối liên vùng
Cùng đó, sẽ xây dựng mới tuyến đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu khổ 1.435mm, điện khí hóa, dài khoảng 84km, trong đó đoạn Biên Hòa - Thị Vải đường đôi, đoạn Thị Vải - Vũng Tàu đường đơn. Tuyến Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, đường đơn, khổ 1.435mm, dài khoảng 119km.
Giai đoạn 2021-2030 sẽ ưu tiên đầu tư hoàn thành toàn tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân, kết nối cảng biển
Cùng với tuyến Vũng Áng - Mụ Giạ kết nối đường sắt Lào với cảng Vũng Áng, kết nối đường sắt quốc tế còn có xây dựng mới tuyến Dĩ An - Lộc Ninh, khổ 1.435mm, điện khí hóa, dài khoảng 128km, trong đó đoạn Dĩ An - Chơn Thành đường đôi, đoạn Chơn Thành - Lộc Ninh đường đơn.
Đồng thời, trong 10 năm tới sẽ ưu tiên xây dựng các tuyến đường sắt liên vùng, kết nối gồm: Đường sắt vành đai phía Đông Ngọc Hồi - Lạc Đạo- Bắc Hồng, thuộc đường sắt khu đầu mối Hà Nội, đường đôi, khổ lồng 1.000mm và 1.435mm, dài khoảng 59km.
Tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành, đường đôi, khổ 1.435mm, dài khoảng 38km. Tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đường đôi, khổ 1.435mm, điện khí hóa, dài khoảng 174km.
Được biết, cùng với đầu tư xây dựng mới các tuyến đường sắt, Dự thảo quy hoạch cũng đề xuất ưu tiên bố trí 47.269 tỉ đồng để nâng cấp các tuyến đường sắt hiện có trong giai đoạn 2021-2030 nhằm nâng cao năng lực hạ tầng, khai thác hiệu quả vận tải.