Những tượng đài bất tử trên biên giới (bài 5)

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam, BĐBP Tây Ninh đã đoàn kết thi đua lập công, chiến đấu và phối hợp chiến đấu 385 trận, tiêu diệt 1.285 tên địch, bắn bị thương nhiều tên khác, thu và phá hủy 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn, cùng nhiều đồ dùng, phương tiện chiến tranh khác. Qua chiến đấu, đã có 125 đồng chí anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc và 238 đồng chí bị thương.

Bài 5: Anh dũng chiến đấu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tây Ninh luyện tập phương án chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tây Ninh luyện tập phương án chiến đấu bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Đơn vị đầu tiên được thêu tên trên lá cờ Bác Hồ trao tặng

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cách mạng chuyển sang giai đoạn mới, tình hình trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia nảy sinh những diễn biến phức tạp. Từ tháng 5/1975, bọn Pol Pot đã bắt đầu gây ra nhiều cuộc xung đột vũ trang qua biên giới Tây Ninh. Đến cuối tháng 8, đầu tháng 9/1977, trên toàn tuyến biên giới Tây Ninh, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) đã triển khai 11 đồn và một số trạm kiểm soát. Việc chuẩn bị chiến đấu của các đơn vị đã được triển khai tích cực, khẩn trương...

Lúc 0 giờ 5 phút, ngày 25/9/1977, bọn Pol Pot đã huy động 2 sư đoàn chủ lực, 9 tiểu đoàn địa phương có pháo binh yểm trợ đồng loạt tấn công toàn tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh. Bọn địch đã đánh theo nhiều hướng, nhiều mũi, kết hợp chính diện, thọc sâu với bao vây, chia cắt, tấn công liên tục, định san bằng các Đồn CANDVT như: Xa Mát, Chàng Riệc, Tân Phú và Long Phước. Chúng chia cắt, ngăn chặn sự chi viện từ tuyến sau của ta và vây ép các đơn vị với ý đồ đánh bật các đồn, trạm CANDVT để dễ tiêu diệt.

Căm thù địch, cán bộ, chiến sĩ các đồn và đơn vị cơ động CANDVT tỉnh Tây Ninh đã vượt qua mọi gian khổ, hy sinh, ác liệt, ăn cơm nắm, ở hầm hào, chịu đựng mưa nắng, bám trụ chiến đấu, đánh liên tục nhiều trận, diệt nhiều tên địch. Các Đồn CANDVT Xa Mát, Phước Tân, Long Phước, Chàng Riệc và Đại đội 6, Trung đoàn II CANDVT là những đơn vị lập công xuất sắc…

Theo lời kể của Đại tá Nguyễn Hoàng Sa, Chính ủy đầu tiên của CANDVT tỉnh Tây Ninh (giai đoạn 1975-1980): Nằm trên trục đường 22 - trọng điểm của tuyến phòng thủ Tây Nam, tháng 9/1975, chỉ trong vòng 10 ngày, bị bọn địch đã tấn công 22 lần nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Xa Mát đã anh dũng đánh trả, tiêu diệt trên 100 tên địch, buộc chúng phải rút khỏi trận địa… Ngày 17/11/1977, dù bị một trung đoàn lính Pol Pot bao vây tiến công ồ ạt, nhưng cán bộ, chiến sĩ Đồn CANDVT Phước Tân vẫn giữ vững quyết tâm, chiến đấu đến cùng. Qua 7 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, đơn vị đã đánh lui 30 đợt tiến công của địch, diệt gần 200 tên, giữ vững địa bàn, bảo vệ tính mạng của hàng nghìn người dân…

Đại tá Nguyễn Hoàng Sa nhớ lại: Năm 1977, CANDVT tỉnh Tây Ninh chiến đấu 67 trận, diệt 278 tên địch, thu 22 súng các loại, tấn công làm thiệt hại nặng 2 sở chỉ huy cấp tiểu đoàn của địch. Đồng thời, với cuộc chiến đấu chống quân xâm lược Pol Pot, CANDVT tỉnh Tây Ninh cùng với các lực lượng và nhân dân địa phương đã phá vụ án gián điệp “Khmer khăn trắng”, bắt gọn 36 tên, thu 3 súng AR.15, 1 khẩu súng các-bin, 14 quả lựu đạn và hàng trăm mũi tên đã tẩm thuốc độc, ngăn chặn kịp thời âm mưu phá hoại của chúng. Với những thành tích chiến đấu, công tác và xây dựng trong năm 1977, CANDVT tỉnh Tây Ninh được nhận Cờ thưởng “thi đua khá nhất” của Hồ Chủ tịch và là đơn vị đầu tiên của CANDVT các tỉnh phía Nam được thêu tên lên lá cờ Bác Hồ trao tặng.

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tây Ninh tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Tây Ninh tuần tra bảo vệ biên giới. Ảnh: Đăng Bảy

Một tấc không đi, một ly không rời

Phấn khởi trước những kết quả giành được trong những trận chiến đấu đầu tiên, tất cả 11 đồn và 3 đại đội cơ động đều hăng hái thi đua lập công, thực hiện khẩu hiệu “Một tấc không đi, một ly không rời”. Các Đồn CANDVT như: Phước Chỉ, Mộc Bài, Lò Gò, Vàm Trảng Trâu, Kà Tum, Tống Lê Chân… đều đứng vững trên vị trí tiền tiêu, kiên cường đánh trả địch. Điển hình như Đồn CANDVT Lò Gò đã chịu đựng trên 3.000 quả pháo cối các loại của địch nhưng vẫn không rời bỏ vị trí, chốt vững trận địa, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của địch.

Có những trận lập công xuất sắc như trận ngày 22/1/1978, Đồn CANDVT Lò Gò đã hiệp đồng chặt chẽ với các lực lượng đơn vị bạn diệt gọn 1 tiểu đoàn địch… Với những thành tích chiến đấu anh dũng, Đồn CANDVT Lò Gò được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Hai. Đoàn thanh niên Đồn CANDVT Lò Gò cũng là chi đoàn đầu tiên của tỉnh Tây Ninh vinh dự được Trung ương Đoàn tặng cờ “Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc”.

Đại tá Nguyễn Hoàng Sa nhớ lại: Tháng 4/1978, trước tình hình diễn biến mới, Đảng ủy, Ban Chỉ huy CANDVT tỉnh Tây Ninh đã nhanh chóng triển khai phương thức hoạt động mới. Chiến thuật “dùng tổ nhỏ, bung ra cơ động diệt địch” được áp dụng rộng khắp trên biên giới. Khẩu hiệu chiến đấu lúc này là “Đánh nhanh - diệt gọn - thu vũ khí”. Bằng phương thức này, các đơn vị đã đánh 30 trận, diệt trên 100 địch, bắn bị thương nhiều tên khác, thu 20 súng các loại. Điển hình là các Đồn CANDVT Chàng Riệc, Vàm Trảng Trâu, Phước Tân. Ngày 31/10/1978, Đồn CANDVT Xa Mát và Đồn CANDVT Phước Tân đã được Đảng, Nhà nước tuyên dương là Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và được tặng thưởng nhiều Huân chương các loại.

Nhìn lại quá trình hơn 450 ngày đêm bám trụ, vững vàng trên vị trí tiền tiêu, bao gian khổ, khó khăn trong chiến đấu ác liệt, liên tục và dài ngày, có lúc phải ăn gạo sấy, uống nước mưa, chiến đấu trong công sự, hầm hào ngập nước, nhưng cán bộ, chiến sĩ CANDVT tỉnh Tây Ninh đã phát huy truyền thống của lực lượng, truyền thống của quê hương. Toàn đơn vị đã đoàn kết, thi đua lập công, chiến đấu và phối hợp chiến đấu 385 trận, diệt 1.285 tên địch, bắt và gọi hàng 26 tên, bắn bị thương nhiều tên khác, thu và phá hủy 443 vũ khí các loại, 4,5 tấn đạn và nhiều đồ dùng, phương tiện chiến tranh khác. Qua chiến đấu, đã có 125 đồng chí anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ biên giới thiêng liêng của Tổ quốc.

Tuyệt đối trung thành, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, luôn đem hết sức mình góp phần tô thắm truyền thống tốt đẹp của lực lượng, phát huy khí thế và truyền thống “Trung dũng, kiên cường” của quê hương, cán bộ, chiến sĩ CANDVT tỉnh Tây Ninh, tiêu biểu là các Đồn CANDVT: Xa Mát, Lò Gò, Phước Tân, Chàng Riệc… đã viết nên những trang sử hào hùng trong phong trào bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Bài 6: Xa Mát - “lũy thép” nơi cửa ngõ biên giới

Đăng Bảy

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/nhung-tuong-dai-bat-tu-tren-bien-gioi-bai-5-post459931.html